Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 22:29 (GMT +7)
Yêu biển và trách nhiệm với biển!
Thứ 4, 09/08/2017 | 16:54:32 [GMT +7] A A
10 năm trước một chị ngư dân ở phường Tân An (TX Quảng Yên) khi đưa ngón tay điểm chỉ vào biên bản xử phạt vi phạm của lực lượng kiểm ngư đã nói với tôi: “Các bác sống trên bờ, lao động trên bờ sao yêu biển bằng chúng em những người quanh năm suốt tháng bám biển làm bờ, bám tàu là nhà. Chúng em muốn quang minh chính đại bắt con tôm, con cá lắm nhưng nguồn lợi cứ suy kiệt dần, đời sống mưu sinh thúc bách nên mới đánh liều mang bộ kích điện này ra dấm dúi bắt cá. Giờ có cách nào để em nuôi được 4 đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi học, tuổi lớn ở nhà, em thề không bao giờ bắt con tôm, con cá chưa lọt lòng mẹ này.” 10 năm thực hiện nhiệm vụ của phóng viên chuyên trách ngành nông- lâm- ngư nghiệp, mỗi năm 1, 2 lần theo các chuyến tàu kiểm ngư đi “tuần biển” và chuyến nào tôi cũng làm việc khiến các anh kiểm ngư rất khó xử là xin không lập biên bản xử lý vi phạm cho một tàu nào đó. Bởi cảm giác tội tội khi nhìn chị vợ hoặc anh chồng cầm tờ biên bản xoay ngang, xoay dọc vì chưa biết điểm chỉ vào đâu khiến tôi lại phải làm khó các anh kiểm ngư. Cũng nhiều lần các anh nói vui “Nhà báo còn dễ mủi lòng như vậy không cho đi cùng nữa”.
Nói thì nói vậy thôi chứ tôi biết các anh còn chia sẻ, cảm thông với họ hơn tôi rất nhiều, ngoài tịch thu dụng cụ vi phạm, nhắc nhở, bất đắc dĩ lắm các anh mởi sử dụng đến biện pháp chấp pháp đối với những vi phạm này. Nhớ hồi đó bác Đông, thuyền trưởng tàu kiểm ngư nói với tôi: Ngư dân mình nghèo lắm, vì cuộc sống mưu sinh, vì nhận thức nên mới làm vậy, mình nhắc nhở, tuần tra, kiểm soát chặt để vừa ngăn ngừa, cảnh báo, vừa từng bước giáo dục, nâng cao nhận thức cho họ về bảo vệ nguồn lợi, về gìn giữ tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ sau.
Thời gian trôi đi, cùng với sự trưởng thành trong công việc, sự phân công của cơ quan, 5 năm gần đây tôi không còn chuyên trách ngành nông nghiệp, tưởng rằng những chuyến đi tiếp sát đến Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ, những ngày lòng vòng khu vực Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, vùng Hạ Mai, hòn Mỹ, hòn Miều, Thanh Lân, Cô Tô sẽ chỉ còn là hồi ức, những câu chuyện trong hàng trăm giờ trên biển với các anh kiểm ngư, với bà con ngư dân dần xếp vào nơi nào đó trong bộ nhớ. Nhưng hôm mới rồi đúng ngày mưa to, gió lớn, những con sóng trong lòng vịnh Bái Tử Long lớp lớp xô khiến con tàu nghiêng ngả, tôi có cơ hội được thực hiện lại chuyến “tuần tra biển”.
Dù rằng chuyến đi rất ngắn nhưng những hình ảnh 10 năm trước vẫn sống động trước mắt. Đó là, những con tàu chừng 20cv khá cũ kỹ, những cặp vợ chồng khỏe khoắn, thoăn thoắt tay lưới, những con tôm, con cá, con còn sống, con đã chết nằm phơi bụng trong những thùng xốp, những bộ dụng cụ kích điện dùng để đánh bắt cá được giấu kỹ trong khoang tàu bị lôi lên làm bằng chứng xử lý vi phạm…. rồi những lý lẽ rất đáng yêu “bộ dụng cụ này chỉ gây mê cá thôi không chết được” khiến tôi có cảm giác nghề biển của Quảng Ninh 10 năm trước và 10 năm sau dường như chưa có sự thay đổi.
Cậu em Phó Giám đốc Sở NN&PTNT phụ trách thủy sản nói: Trong gần 7.500 tàu khai thác thủy sản của toàn tỉnh thì trên 90% số đó là tàu công suất nhỏ như những tàu này, hoạt động gần bờ và chủ yếu tập trung khai thác ở khu vực Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và ngư trường quanh khu vực đảo Cô Tô, Hòn Mỹ, Hòn Miều (Hải Hà). Mà vùng gần bờ là khu vực sinh sản và sinh trưởng, cư trú của các nhóm loài thủy sản như cá trích, cá nục, cá lầm và mực ống, cá song, cá hồng, cá tráp, cá trai và các loại tôm he, tôm sắt, tôm bộp…
Tính trong 2 năm (2012- 2013) số lượng tàu đánh bắt thủy sản của tỉnh giảm đáng kể nhưng so với những năm của thập niên 90 thì vẫn tăng khoảng 200%, tổng công suất của đội tàu cơ giới tăng gấp nhiều lần đã tạo cường lực khai thác ở vùng ven bờ của tỉnh tăng nhanh chóng. Tàu nhiều, tôm, cá ngày càng ít nên con to, con bé đều bị khai thác, như bộ dụng cụ kích điện mà ngư dân sử dụng cá to thì bị tê dại đi, còn cá bé thì nổ mắt, nổ bụng chết. Hơn 20.000 lao động sống bằng nghề biển, cộng thêm tốc độ phát triển của khu vực bờ dọc ven chiều dài 250km bờ biển (lấn biển, xả thải ra biển…) đã khiến cho áp lực giữ được sự phong phú, đa dạng về giống loài thủy sản tăng theo cấp số nhân.
Quyết định cấm khai thác thủy sản trong vùng lõi Vịnh Hạ Long và dần dần cấm toàn bộ hoạt động khai thác thủy sản trên khu vực Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh xem xét, cân nhắc rất kỹ, không chỉ dựa trên con số báo cáo, thống kê của ngành NN&PTNT mà bằng những chuyến thị sát thực tế ở khu vực Hạ Mai (Vân Đồn), vùng cửa sông Tiên Yên, trong vùng vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, thậm chí sang tận khu vực nuôi cá lồng bè tập trung ở Cát Bà. Nhưng đây mới chỉ là sự bắt đầu của câu chuyện, ngư dân cần công việc để làm, để kiếm sống, biển cần những bóng tàu, biển cần những đàn tôm, cá bơi lội để thấy biển đang sống.
Đi cùng với quyết định cấm khai thác để bảo vệ, duy trì nguồn lợi, tạo vùng nước yên lành cho từng đàn tôm, cá quay trở về, sinh sôi nảy nở, cũng cần có những giải pháp phù hợp nhất để ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp với trình độ, nhận thức, với kỹ năng của họ, để họ thấy rằng họ yêu biển và có trách nhiệm với biển!
Ngọc Lan
Báo Quảng Ninh mong tiếp tục nhận được ý kiến của người dân, du khách, các chuyên gia, nhà quản lý… xung quanh việc dừng hoạt động khai thác thủy sản trong vùng lõi Vịnh Hạ Long nói riêng và công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh nói chung. Mọi ý kiến gửi về địa chỉ Email: baoquangninh@gmail.com hoặc Báo Quảng Ninh, tầng 2, tòa nhà Liên cơ quan số 4, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. |
Liên kết website
Ý kiến ()