Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:23 (GMT +7)
10 ứng dụng ngốn nhiều dung lượng 4G nhất trên điện thoại
Thứ 6, 09/12/2022 | 15:34:08 [GMT +7] A A
Trong thập kỷ qua, smartphone đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Gần như mọi hoạt động thường ngày đều liên quan đến smartphone, dù là tương tác với bạn bè, làm việc nhóm chuyên nghiệp, hay giải trí vào dịp cuối tuần. Một lý do lớn giúp smartphone bùng nổ nằm ở tính đa dụng của nó: với khả năng kết nối internet dễ dàng, cùng phần cứng lẫn phần mềm luôn được cải tiến, nó cho phép các nhà phát triển phần mềm xây dựng vô số ứng dụng nhằm mang lại những trải nghiệm mà ai ai cũng thích thú.
Tuy nhiên, xét về mặt ngốn dữ liệu, một số ứng dụng lại hơi quá tay khi tìm cách phục vụ các “thượng đế”, gây lãng phí cả núi tiền vô ích. Theo thống kê, một người Mỹ chi ra gần 100 USD/tháng và khoảng 1.166 USD/năm chỉ để đăng ký các gói thuê bao internet và dịch vụ stream. Và với tần suất sử dụng dày đặc các ứng dụng lẫn dịch vụ ngốn dữ liệu như vậy, không ít người đã phải cắn răng chấp nhận nhìn lượng dữ liệu 4G tăng vọt lên gấp 3 lần so với mức trung bình.
Các ứng dụng smartphone gặm nhấm dữ liệu theo nhiều cách khác nhau. Các nền tảng như TikTok, vốn hiển thị một video chất lượng cao mới sau mỗi cú vuốt, tiêu thụ dữ liệu thông qua việc tải về các video ở tốc độ chớp nhoáng. Tương tự, các ứng dụng mạng xã hội phổ biến như Instagram hay Facebook thì lôi cuốn người dùng vào việc không chỉ xem nội dung đa phương tiện do người khác đăng tải, mà còn tự đăng tải nội dung chất lượng cao của chính họ. Chưa kể nhiều ứng dụng smartphone tiêu thụ dữ liệu khi chạy nền nữa. Dưới đây là danh sách một số ứng dụng phổ biến nổi tiếng về việc ngốn dữ liệu, và vài gợi ý nhỏ để kiểm soát chúng tốt hơn.
Instagram nổi tiếng nhờ tập trung vào ảnh mà người dùng đăng tải. Ứng dụng này hiện vẫn giữ một số tính năng cốt lõi xuất hiện từ phiên bản đầu tiên: chú trọng nội dung đa phương tiện hơn là văn bản, bao gồm video và ảnh độ phân giải cao, kết hợp các bộ lọc màu sắc. Chính vì vậy, Instagram hiển nhiên đòi hỏi phải tiêu thụ dữ liệu nhiều hơn Facebook, vốn được xem là chuẩn mực của mạng xã hội đương đại, nhằm đảm bảo trải nghiệm mượt mà hơn.
Với nhiều chức năng mới được thêm vào qua từng năm, và sự thay đổi trong cách sử dụng nền tảng, mức dữ liệu tiêu thụ của Instagram chắc chắn tăng theo. Về mặt chức năng, hiện nay người dùng có thêm Instagram Stories và Instagram Reels, nhiều bộ lọc hơn, các công cụ biên tập đa dạng hơn, và tích hợp chặt chẽ hơn với các ứng dụng bên thứ ba. Do đó, số lượng video được đăng tải trên nền tảng này thời gian qua tăng đáng kể, chưa kể đến cuộc chạy đua khốc liệt của những người nổi tiếng nhằm tìm một vị trí trên trang Explore của Instagram.
Kết quả là, mỗi ngày lướt Instagram một tiếng trong một tuần sẽ tiêu tốn của bạn 4.2 GB dữ liệu - đó là nếu bạn chỉ lướt trang feed của mình mà thôi. Ứng dụng sẽ tiêu thụ thêm dữ liệu nếu phát sinh upload, trung bình khoảng 2 MB/ảnh và nhiều hơn nữa với video. Người dùng Instagram có nhiều lựa chọn để hạn chế lượng dữ liệu tiêu thụ: ngừng tải trước video, xem nội dung độ phân giải cao chỉ khi có Wi-Fi, hoặc upload chất lượng thấp. Đổi lại, bạn phải từ bỏ một trải nghiệm mượt, nhanh, và thú vị vốn là điểm ăn tiền của Instagram.
TikTok
Trong lịch sử của ngành kiến tạo nội dung, định dạng video ngắn nổi lên như một tính năng đặc sắc và được ưa chuộng bởi các ứng dụng mạng xã hội. Instagram có Stories và Reels, YouTube có Shorts, và các video Snapchat thì đã ngắn ngay từ đầu bởi thiết kế của nền tảng này. Dẫu vậy, hiện nay chưa có ứng dụng nào vượt qua được TikTok, một nền tảng có tốc độ tăng trưởng siêu nhanh, trên thị trường video ngắn. Theo ước tính, lượng người dùng TikTok hàng tháng đạt hơn 1 tỷ, vượt mục tiêu đặt ra đến năm 2025!
Tương tự như Instagram, TikTok khuyến khích người dùng upload video đều đặn như cách họ xem chúng vậy. Với đam mê mang đến niềm vui cho mọi người từ khắp nơi trên thế giới, và sở hữu hàng triệu người theo dõi, các TikToker không ngần ngại dành phần lớn thời gian trong ngày hoạt động tích cực nhằm cho đi và nhận lại trên nền tảng. Nhưng nếu bạn nghĩ định dạng video ngắn của TikTok sẽ giúp giảm lượng dữ liệu tiêu thụ, thì sai rồi: trên thực tế, nền tảng này đứng top đầu, vượt nhiều ứng dụng mạng xã hội khác, về mức độ ngốn dữ liệu!
Số liệu thống kê cho thấy, một giờ lướt feed TikTok tiêu thụ khoảng 840MB dữ liệu. Tính theo tuần, con số này sẽ là 10 GB! Và những người dùng thường xuyên upload video chắc chắn còn dùng dữ liệu nhiều hơn thế. Tóm lại, nhu cầu dữ liệu rất lớn của TikTok là minh chứng rõ rệt nhất những thách thức trong quản lý dữ liệu mà người dùng smartphone phải đối mặt, không chỉ với một ứng dụng và với toàn bộ các ứng dụng đang có trên thiết bị của họ.
YouTube
Với 500 giờ video được upload lên YouTube mỗi phút, nền tảng này hiện phục vụ hơn 2 tỷ người dùng mỗi tháng. Một đặc điểm đáng chú ý của người dùng YouTube là thói quen xem lướt video về một chủ đề - hoặc của một tác giả nào đó - trong suốt hàng giờ liền không chán. Và dù những video đó là về những món đồ công nghệ mới nhất, hay những món ăn khiến bạn thèm chảy dãi, thì người xem YouTube đều không ngần ngại đánh đổi một lượng lớn dữ liệu để thỏa mãn trí tò mò của họ.
Nhưng sự hứng khởi với YouTube sẽ nhanh chóng tan biến khi bạn nhận thông báo sắp hết dữ liệu di động. Và với nhiều người dùng, thông báo này đến sớm hơn so với dự kiến. Một thử nghiệm về mức độ tiêu thụ dữ liệu chi tiết của YouTube xác nhận rằng ứng dụng này ngốn đến 2,7 GB mỗi 60 phút xem video ở độ phân giải 720p và bitrate cao. Con số này tăng lên 23 GB/giờ ở độ phân giải 2160p (4K), và thậm chí ở chất lượng thấp nhất là 144p, ứng dụng vẫn sử dụng hơn 1 MB/phút video.
YouTube còn tiêu thụ dữ liệu trước cả khi bạn xem video khi liên tục tải về trước nội dung nhằm ngăn tình trạng lag, tức là 5 hoặc 10 phút đầu tiên của video sẽ luôn có sẵn trên thiết bị của bạn dù bạn mới chỉ xem đến phút thứ 2 mà thôi. Thêm nữa, kết quả này chưa tính đến lượng dữ liệu khổng lồ cần để upload video, vốn giao động tùy thuộc vào độ phân giải của từng video.
Netflix
Cũng là một nền tảng stream video, Netflix vượt trội YouTube xét về nhiều khía cạnh. Nền tảng này chuyên về nội dung dài bao gồm phim ảnh và các series truyền hình, vừa hoạt hình, vừa phim live-action, và thậm chí là cả game nữa. Trong một thị trường stream cạnh tranh khốc liệt, Netflix vẫn duy trì được sự lôi cuốn và độ phổ biến: tính đến quý III/2022, Netflix ghi nhận hơn 220 triệu người đăng ký trên toàn cầu.
Tuy nhiên, đúng như dự đoán, Netflix vượt trội YouTube cả về mức độ sử dụng dữ liệu. Nếu dùng Netflix trên trình duyệt, ở độ phân giải tiêu chuẩn, các video Netflix ngốn đến 1 GB/giờ; và khi tăng độ phân giải lên Full HD hoặc 4K, con số này tăng lên 3 - 7 GB/giờ. Trên ứng dụng di động, xem nội dung ở thiết lập sử dụng dữ liệu di động “Maximum Data” có thể khiến bạn bay 1 GB mỗi 20 phút. Và ở thiết lập “Automatic”, tức vừa đảm bảo độ phân giải video và vừa hạn chế mức tiêu thụ dữ liệu, Netflix cũng ngốn gần 1GB/giờ video.
Giống YouTube, Netflix cũng hướng đến trải nghiệm người dùng không giật lag. Một hệ quả lớn của việc tải trước các phần video chưa xem là người xem dù không xem hết video cũng phải tiêu tốn nhiều dữ liệu hơn cần thiết. Để hạn chế mức tiêu thụ dữ liệu, Netflix cung cấp các tùy chọn giảm chất lượng video và nội dung tải về, xem video ở chất lượng định trước, hoặc kích hoạt thiết lập “Save Data” để tự động cấu hình ứng dụng sử dụng ít dữ liệu hơn.
Google Chrome
Có mặt cả trên Android lẫn iOS, trình duyệt Chrome là công cụ tối thượng của Google dành cho thần dân internet. Và với vai trò là trình duyệt web phổ biến nhất thế giới, Chrome làm được mọi thứ một trình duyệt phải làm và còn hơn thế nữa. Mặc định, trình duyệt này sử dụng rất nhiều dữ liệu để truy cập internet - dù là lướt các trang web, đọc tài liệu, hay xem đa phương tiện. Nền tảng của Google được tối ưu cho tốc độ, và trải nghiệm mượt mà đi kèm buộc người dùng phải đánh đổi bằng lượng dữ liệu tiêu thụ. Và với những cải tiến trong phần cứng và phần mềm smartphone, Chrome sẽ còn tiến hóa “hung hăng” hơn nữa.
Tùy thuộc vào website bạn đang ghé thăm hoặc tác vụ đang chạy, Chrome sẽ tiêu thụ dữ liệu theo mức độ khác nhau. Trình duyệt cũng sẽ sử dụng dữ liệu trong việc theo dõi lịch sử duyệt web, khuyến nghị các bài viết tin tức trong feed, và chạy các tiến trình nền để giữ các tab trình duyệt luôn mở. Người dùng có thể giảm mức tiêu thụ dữ liệu của Chrome thông qua thiết lập “Data Saver” trong ứng dụng Chrome. Và dù điều đó có thể gây ảnh hưởng đến tốc độ lướt web và độ mượt mà, nó chắc chắn giúp bạn tiết kiệm được đáng kể dữ liệu di động quý giá.
Snapchat
Ra mắt năm 2011, một năm sau Instagram, Snapchat bước chân vào lĩnh vực mạng xã hội với ý tưởng mới lạ không đụng hàng. Những bộ lọc thông minh và khả năng gửi nội dung đa phương tiện tự động biến mất của nó đã thu hút được sự chú ý của người dùng internet đang tìm kiếm những thứ mới mẻ tiếp theo. Và nhiều tính năng của Snapchat đã trở thành nền tảng để các ứng dụng mạng xã hội khác học theo, như Instagram Stories cùng các bộ lọc bên trong tính năng này. Snapchat đạt được mức tăng trưởng đột phá xét về lượng người dùng qua từng năm, và hiện tại nền tảng này có khoảng 363 triệu người dùng mỗi ngày - một bằng chứng cho thấy sự phổ biến của nó trong nhóm người dùng trẻ tuổi chưa bao giờ giảm sút.
Đối với những người dùng ứng dụng Snapchat trên di động, họ sớm nhận ra nó là một phần mềm cực kỳ tiêu tốn dữ liệu. Muốn tận dụng những tính năng được cung cấp để vừa thể hiện bản thân, vừa kết nối với người dùng khác, bạn phải đánh đổi bằng dung lượng dữ liệu của mình. Quan trọng hơn, Snapchat mặc định sẽ chạy dưới nền để tải trước các Snaps và Stories. Tất cả khiến ứng dụng này dễ dàng ngốn khoảng… 20 GB dung lượng mỗi tháng!
Snapchat giúp người dùng quản lý dữ liệu bằng cách cung cấp tùy chọn “Data Saver” nhằm tắt khả năng tải trước nói trên. Khi tùy chọn này được kích hoạt, người dùng chỉ có thể tải về và xem các Snaps khi trực tuyến và nếu chúng có liên quan đến họ. Trên thực tế, tùy chọn này nên được kích hoạt nếu bạn không có gói dữ liệu vô tận, hoặc nếu muốn duy trì mức tiêu thụ dữ liệu dưới ngưỡng đặt ra.
Là ứng dụng làm bùng nổ thời đại mạng xã hội, Facebook liên tục tiến hóa để cạnh tranh với các đối thủ. Hành trình kéo dài gần 20 năm của nó đã chứng kiến nền tảng đi từ chỗ chỉ là một mạng lưới bạn bè thành một trang web chia sẻ thông tin, một khu chợ để người dùng phát triển hoạt động kinh doanh, và là lựa chọn hàng đầu cho những người muốn tạo sức ảnh hưởng trên lĩnh vực mạng xã hội. Dù đã “cao tuổi”, Facebook vẫn phổ biến với người dùng internet: tính đến quý III/2022, Facebook có gần 3 tỷ người dùng mỗi tháng - biến nó thành nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất hành tinh.
Nhằm cải thiện tính năng, Facebook cũng thường xuyên giới thiệu nhiều bổ sung mới mẻ trong vài năm trở lại đây, bao gồm giao diện linh hoạt với trải nghiệm mượt mà hơn, các tính năng tích hợp thêm như Facebook Stories và Reels, và thậm chí cung cấp địa điểm để người dùng họp mặt trực tuyến với Facebook Rooms. Facebook còn đi theo Instagram khi cung cấp khả năng upload ảnh độ phân giải cao, tự động phát video, và tải trước nội dung video. Dù những tính năng này chắc chắn giúp nâng tầm Facebook, nó cũng khiến người dùng than trời vì lượng dữ liệu tiêu thụ quá lớn.
Theo đó, cuộn trang feed của bạn sẽ ngốn gần 50 MB mỗi 5 phút và 480 MB/giờ. Nếu feed có nhiều video hơn thông thường, người dùng sẽ phải tiêu tốn nhiều dữ liệu hơn. Và giống các nền tảng mạng xã hội khác, upload và chia sẻ nội dung đa phương tiện hiển nhiên đòi hỏi dữ liệu. May thay bạn có thể quản lý tất cả bằng cách cấu hình các thiết lập dữ liệu được Facebook cung cấp sẵn.
Spotify
Nếu YouTube thống trị lĩnh vực video, Spotify là ông hoàng của lĩnh vực stream nhạc. Nền tảng này chứa đủ loại nhạc, mang lại những khoản thu khổng lồ cho các ca sỹ, nhạc sỹ, podcaster… Spotify nhanh chóng đạt đến đỉnh cao khi cung cấp cả gói miễn phí lẫn premium, và điều đó giải thích tại sao nền tảng này hiện có 456 triệu người dùng, trong đó có đến 195 triệu tài khoản premium.
Kể từ khi lộ diện năm 2006, Spotify liên tục cải thiện trải nghiệm người dùng trên nền tảng. Từ giao diện ứng dụng cho đến chất lượng video, đến khả năng tích hợp vào các hệ thống âm thanh trên ô tô, người dùng có thể nghe nhạc mọi lúc, mọi nơi, theo bất kỳ cách nào họ muốn. Nhưng xét về mức tiêu thụ dữ liệu, Spotify cũng gặp vấn đề giống như các nền tảng stream video là YouTube và Netflix. Nhạc về cơ bản sẽ được tải xuống lại mỗi lần stream, và trừ khi người dùng lưu bài hát đó để nghe offline, mỗi lượt nghe cùng một bài hát sẽ khiến dữ liệu tiêu tốn không cần thiết. Đó là lý do tại sao Spotify cung cấp tùy chọn lưu offline cho người dùng premium.
Thêm nữa, mức độ tiêu thụ dữ liệu còn tùy thuộc chất lượng nhạc: nghe ở chất lượng thường (96kbps) ngốn 40 MB/giờ; chất lượng cao (160kbps) ngốn 70 MB/giờ, và chất lượng cực cao (320kbps) ngốn 150 MB/giờ. Spotify cũng cho phép người dùng quyết định chất lượng nhạc muốn nghe. Chỉ cần vào phần Settings của ứng dụng và tìm tùy chọn “Automatic quality”.
Twitter là một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất thế giới, và có lẽ là nền tảng gây tranh cãi nhất. Chú chim xanh thu hút người dùng từ khắp nơi trên thế giới, mở ra cơ hội để họ tự bộc lộ bản thân chỉ bằng vài từ ngắn ngủi. Với gần 400 triệu người dùng toàn cầu và hơn 500 triệu tweet được đăng mỗi ngày, Twitter là nền tảng phải biết nếu bạn muốn xem tin tức, cập nhật xu hướng, nắm thông tin giải trí và chính trị… Và tất cả đi kèm cái giá phải trả là lượng dữ liệu tiêu tốn khá cao, mà người dùng có thể quản lý trong các thiết lập do Twitter cung cấp.
Với giới hạn 280 ký tự mỗi tweet, Twitter hướng người dùng chia sẻ thông tin sao cho không tiêu tốn quá nhiều tài nguyên. Cho đến nay, có vẻ họ đã đạt được mục đích, xét cả về việc giữ người dùng tương tác và duy trì được lượng người dùng trên nền tảng. Nhưng đừng nhầm, vì như đã nói ở trên, Twitter vẫn có mức tiêu thụ dữ liệu cao, cho thấy người dùng thực sự hào hứng với ứng dụng trên smartphone.
Đối với Twitter, sự hiện diện của nội dung đa phương tiện - và tất cả những tính năng liên quan - là cú lật mặt lớn nhất của nền tảng này. Người dùng Twitter ngày nay đã quen với việc chia sẻ nhiều hình ảnh và dữ liệu hơn, và trải nghiệm lướt feed cũng ngày càng giống Instagram hơn. Twitter cũng mặc định kích hoạt tính năng tự động phát, khiến ảnh và video ngay lập tức hiện ra rõ nét khi bạn cuộn đến, bất kể chất lượng hay độ phân giải. May thay, ứng dụng này có nhiều tùy chọn để giảm mức tiêu thụ dữ liệu bằng cách tắt tự động phát, chỉ xem video chất lượng cao với Wi-Fi, hoặc không bao giờ xem video chất lượng cao.
Xếp trong nhóm nền tảng nhắn tin tức thời phổ biến nhất thế giới, WhatsApp được sử dụng bởi hơn 2 tỷ người mỗi tháng, và từ đó trở thành một trong các ứng dụng smartphone phổ biến nhất mọi thời đại. WhatsApp tự quảng cáo là nền tảng tiêu thụ ít dữ liệu, và xét một chừng mực nào đó thì họ đúng. Tin nhắn văn bản và tin nhắn giọng nói chỉ tiêu tốn 1 kilobyte, và thậm chí các cuộc gọi âm thanh cũng dùng chưa đến 1 MB mỗi phút. Bên cạnh đó, WhatsApp thường giảm chất lượng và kích thước đa phương tiện bằng thuật toán nến. Việc giảm chất lượng này còn áp dụng với cả video và các nội dung trạng thái của người dùng, và dù một số thích nó do giúp tiết kiệm dữ liệu, số khác tỏ ra hằn học do khiến những thứ họ đăng tải sụt giảm mạnh về chất lượng.
Tuy nhiên, các cuộc gọi video thì khác: theo ước tính, WhatsApp ngốn 5 MB mỗi phút gọi video 4G và 3,75 MB mỗi phút gọi video 3G. Chưa hết, dù một ảnh, video, hay cập nhật trạng thái không dùng dữ liệu nhiều, xem nhiều thứ hoặc xem cập nhật trạng thái của bạn bè suốt nhiều giờ liền - hoặc tự bạn đăng tải nội dung - có thể rút cạn dữ liệu của bạn. WhatsApp cũng tiêu tốn dữ liệu để sao lưu các đoạn chat và các nội dung đa phương tiện lên đám mây, và đây là một trong các tính năng có thể hạn chế bằng cách kích hoạt thiết lập “Low Data Usage”
Các thiết lập để giảm tiêu thụ dữ liệu trên smartphone và trong các ứng dụng
Xét việc khá nhiều ứng dụng kể trên có tùy chọn giảm dữ liệu tiêu thụ, bạn có lẽ phần nào an tâm trong quá trình sử dụng. Các tùy chọn này thường nằm trong mục “Settings” của từng ứng dụng, nhưng lưu ý rằng khả năng tiết kiệm dữ liệu sẽ khác nhau tùy thuộc nền tảng: một số hạn chế chất lượng nội dung bạn xem, số khác chỉ giới hạn chất lượng nội dung bạn upload. Và số khác nữa có thể chỉ tập trung vào việc lưu nội dung xuống thiết bị để bạn không phải liên tục tải về mỗi lần sử dụng. Ưu điểm chính của chúng là người dùng có thể tự mình tạo nên một trải nghiệm tối ưu phù hợp với tất cả.
Các hệ điều hành smartphone cũng cung cấp các thiết lập để hạn chế dữ liệu tiêu thụ. Trên iPhone, người dùng có thể tìm thiết lập “Low Data Mode” để ngăn các tiến trình ngốn dữ liệu khỏi chạy nền, tắt tự động tải về, và ngừng cập nhật các ứng dụng và dịch vụ Apple. Tùy chọn này có thể tìm thấy trong tab “Cellular Data Options” của thiết lập iPhone. Các thiết bị Android cũng cung cấp nhiều thiết lập nhằm giám sát và giảm dữ liệu tiêu thụ. Hãy vài tùy chọn “Networks & Internet” (hoặc tương tự vậy) trong phần thiết lập Android để tắt tự động đồng bộ và roaming, nhận cảnh báo về dữ liệu tiêu thụ, và tự động tắt dữ liệu di động khi đạt ngưỡng.
Theo Vnreview
Liên kết website
Ý kiến ()