Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 01:24 (GMT +7)
"2 tăng, 3 giảm" trong bữa ăn để chặn đứng mầm mống ung thư
Thứ 6, 17/06/2022 | 11:39:52 [GMT +7] A A
Giảm thiểu được quá trình viêm cũng là một vai trò chính của chế độ ăn lành mạnh trong phòng chống ung thư.
Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, những đợt viêm kéo dài có thể gây tổn hại đến các tế bào khỏe mạnh cũng như các mô cơ thể và làm suy yếu hệ miễn dịch. Một khi hệ miễn dịch suy yếu sẽ khiến các căn bệnh có cơ hội phát triển những mầm mống đầu tiên. Trong đó, các tế bào quá sản có thể dẫn đến hình thành những tế bào ung thư sau này. Do vậy giảm thiểu được các đợt viêm trong cơ thể là yêu cầu cơ bản trong việc phòng chống ung thư.
Các chất dinh dưỡng hoặc những hoạt chất sinh học đều rất quan trọng với sức khỏe con người và đều bị ảnh hưởng bởi hệ vi sinh đường ruột. Hiểu được những ảnh hưởng của quá trình trao đổi chất của vi sinh vật đường ruột lên con đường chuyển hóa chất trong cơ thể con người có thể giúp định hướng những hướng dẫn trong chế độ ăn và có kế hoạch ngăn ngừa ung thư.
Một số yếu tố thức đẩy quá trình viêm mạn tính trong cơ thể là: béo phì, hút thuốc, stress, lười vận động và chế độ ăn không đa dạng.
Một chế độ ăn lành mạnh vừa chống viêm vừa có tác dụng ngăn ngừa ung thư có một số đặc điểm sau:
- Có nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật hữu cơ và nhiều thực phẩm lên men: Tối thiểu 2/3 số món trong bữa ăn của bạn phải là thức ăn có nguồn gốc thực vật và tối thiểu bạn phải ăn một phần nhỏ những đồ ăn lên men (dưa cà muối, kim chi, sữa chua, phô mai…). Thực phẩm lên men cũng được công nhận như một phương thức hỗ trợ điều trị ung thư chính thức. Các lợi khuẩn có trong các thực phẩm lên men đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư gan, ung thư ruột non…
- Tăng cường bổ sung axit béo omega 3: Bạn nên ăn nhiều thức ăn chứa omega 3 có nguồn gốc động vật như các loại cá hồi, cá mòi, cá thu hoặc các loại hạt dinh dưỡng.
- Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn: Hạn chế các loại đồ ăn được chế biến sẵn như các loại mì ăn liền, thịt đóng hộp… Nên ăn các loại thực phẩm toàn phần, tươi sống.
- Tránh uống các loại nước ngọt, đồ uống thể thao, nước ép hoa quả đóng hộp.
- Hạn chế ăn thịt đỏ và tránh các loại thịt chế biến sẵn (thịt xông khói, xúc xích, thịt muối…). Tiêu thụ một cách vừa phải các loại protein có nguồn gốc từ thịt đỏ là yếu tố quan trọng để hạn chế quá trình tế bào tiền ung thư thành tế bào ung thư; thay thế bằng các loại thịt trắng như cá, thịt gia cầm.
Theo dantri.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()