Cựu thủ tướng Pháp Georges Clemenceau từng nói "chiến tranh là chuỗi thảm họa dẫn tới chiến thắng". Tuy nhiên, với chiến tranh Iraq, nó bắt đầu bằng chiến thắng và kết thúc với hàng loạt thảm họa.
Cuộc chiến bắt đầu bằng cuộc không kích nhắm vào Dinh Tổng thống ở Baghdad ngày 20/3/2003. Sau đó, lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu tiến từ điểm tập kết ở biên giới Kuwait vào lãnh thổ Iraq, bắt đầu chiến dịch tấn công trên bộ.
Trong khi mũi tiến công trên bộ ồ ạt hướng xuống phía nam Iraq, những cuộc không kích quy mô lớn làm tê liệt hệ thống chỉ huy và kiểm soát của quân đội Iraq, khiến lực lượng vũ trang nước này rơi vào hỗn loạn và gần như không thể kháng cự.
Chưa đầy một tháng sau, ngày 9/4/2003, liên quân tiến vào thủ đô Baghdad, chế độ của tổng thống Saddam Hussein sụp đổ. Tổng thống Mỹ George W. Bush ngày 1/5/2003 tuyên bố "nhiệm vụ tác chiến hoàn thành", chuyển sang giai đoạn "xây dựng chế độ dân chủ" ở Iraq. Saddam Hussein bị bắt vào tháng 12/2003 và bị tử hình ba năm sau đó.
Khi lần đầu đặt chân tới Baghdad năm 2003, tướng Mỹ David Petraeus đặt câu hỏi: "Hãy cho tôi biết chuyện này sẽ kết thúc thế nào?". 11 năm sau, Petraeus có câu trả lời, khi Mỹ rút hoàn toàn lực lượng khỏi Iraq, để lại sau lưng một đất nước tràn ngập hỗn loạn, bạo lực và chia rẽ chính trị.
Trước khi cuộc chiến nổ ra, nhiều chuyên gia ở Anh và Mỹ, trong đó có giám đốc CIA hiện tại William Burns, đã cảnh báo về những rủi ro khi can thiệp quân sự vào Iraq. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Mỹ, trong đó có tổng thống George Bush, đã phớt lờ những cảnh báo này.
Chuyên gia người Anh Toby Dodge, khi đó mới trở về từ Iraq, thậm chí được mời đến Phố Downing để cảnh báo thủ tướng Tony Blair rằng chiến tranh ở Iraq sẽ là thảm họa. Dodge kể Blair từng nói với ông rằng "tôi biết ông nghĩ rằng tôi không nên làm điều đó, nhưng tôi phải làm. Tôi biết nó sẽ rất tồi tệ. Hãy cho tôi biết nó sẽ tồi tệ đến mức nào".
Dodge nói rằng Mỹ và Anh không biết sẽ tiến hành cuộc chiến như thế nào, nhưng "họ đã lên kế hoạch chiếm đóng và điều hành đất nước này. Đó là thái độ ngạo mạn ở cấp cao nhất".
"Trong suốt 20 năm qua, chúng tôi đã xem xét và cố gắng tìm hiểu những sai lầm đã mắc phải", Dodge nói. "Nhưng sai lầm lớn là tiến hành chiến dịch ở một đất nước mà bạn không biết gì về nó. Điều đó tất yếu sẽ dẫn đến thất bại".
Giới quan sát cho rằng Mỹ và đồng minh không lường trước được việc chấm dứt 24 năm cầm quyền của Saddam Hussein mà không có kế hoạch nhất quán về người thay thế đã châm ngòi cho cuộc đấu đá quyền lực giữa những người Hồi giáo dòng Shiite và Sunni trên khắp Trung Đông. Chiến tranh Iraq đã thúc đẩy phong trào nổi dậy của người Sunni ở Iraq và châm ngòi cho phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng xuất hiện trên khắp Syria và Iraq năm 2011.
Cuộc chiến cũng củng cố sức mạnh của Iran và các lực lượng ủy nhiệm trên khắp Trung Đông. Nó khiến phương Tây ngần ngại can thiệp quân sự vào Syria, tạo điều kiện để Nga đưa quân tới quốc gia này giúp Tổng thống Bashar al-Assad chống lại các nhóm nổi dậy và phiến quân Hồi giáo.
Dự án Chi phí Chiến tranh thuộc Đại học Brown, Mỹ ước tính số tiền Washington đã bỏ ra cho các cuộc chiến sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 là 8 nghìn tỷ USD, trong đó tổng chi phí cho cuộc chiến ở Iraq là hơn 3 nghìn tỷ USD. Khoảng 400.000 người Iraq đã thiệt mạng trong cuộc chiến.
Hậu quả của cuộc chiến tiếp tục ám ảnh nước Mỹ suốt hai thập kỷ sau đó. Chiến dịch rút quân khỏi Afghanistan đầy hỗn loạn của Mỹ năm 2021 được cho bắt nguồn từ nỗi cay đắng vì thất bại ở Iraq, theo Patrick Wintour, nhà phân tích của Guardian.
Khi Washington lên án chiến dịch của Moskva ở Ukraine, đề cao toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia và hiến chương Liên Hợp Quốc, Trung Quốc, Nga và nhiều nước khác đã cáo buộc Mỹ "tiêu chuẩn kép". Tiến sĩ Patricia Lewis của tổ chức nghiên cứu Chatham House nói rằng cuộc chiến của Mỹ ở Iraq đã trở thành cái cớ cho lập luận này.
Cuộc chiến Iraq nổ ra ba năm sau khi Vladimir Putin bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống Nga đầu tiên. Chủ nghĩa đơn phương của Mỹ ở Iraq đã khiến ông Putin tin vào những gì ông xem là "sự ngạo mạn không thể cứu vãn của Mỹ", dù trước đó Nga là đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố của tổng thống Bush.
Alastair Campbell, thư ký báo chí của thủ tướng Anh Blair, trong nhật ký riêng đã ghi lại cuộc trao đổi giữa ông Putin và thủ tướng Blair tại họp buổi họp báo hồi tháng 5/2003. "Ông Putin nói toàn bộ phản ứng của phương Tây sau vụ khủng bố 11/9 đều nhằm phô diễn sức mạnh của Mỹ", Campbell kể.
Khi Blair định giải thích, ông Putin cắt ngang: "Đừng trả lời. Không có câu trả lời nào cả. Đó là sự thật. Có những người hành xử tệ trong chính quyền Mỹ, Tony, và ngài biết điều đó".
Theo tiến sĩ Lewis, Tổng thống Putin cho rằng mọi thứ Mỹ làm sau cuộc chiến Iraq, như ủng hộ lật đổ lãnh đạo Gaddafi ở Libya, hậu thuẫn các nhóm nổi dậy ở Syria hay phong trào biểu tình Maidan ở Ukraine năm 2014 đều là những dấu hiệu cho thấy Washington không phân biệt giữa "trật tự dựa trên luật lệ" và chủ nghĩa bá quyền.
Arab Saudi, đồng minh lâu năm của Mỹ trong khu vực, cũng cảm thấy bị phản bội vì cuộc chiến Iraq, khi họ đã cảnh báo ông Bush về những nguy cơ của chính sách "xây dựng nền dân chủ" ở quốc gia này.
Saud al Faisal, cựu ngoại trưởng Arab Saudi, từng phàn nàn rằng Mỹ "đã trao Iraq cho Iran một cách dễ dàng". Saddam Hussein được coi là "kẻ thù" của Iran và sau khi ông bị lật đổ, các nhóm dân quân được Tehran hậu thuẫn đã nhanh chóng trỗi dậy, tận dụng khoảng trống quyền lực ở Baghdad.
Iran giành ảnh hưởng ở Iraq thông qua các nhóm như Jaish al-Mahdi, lực lượng dân quân có liên hệ với giáo sĩ Muqtada al-Sadr thuộc dòng Shiite. Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran sau đó thành lập lực lượng Quds trên lãnh thổ Iraq và phát triển mạng lưới ở đây.
Lầu Năm Góc cho rằng khoảng 600 trong số 4.000 lính Mỹ chết ở Iraq là do các vụ tấn công của những nhóm được Iran hậu thuẫn. Cơ quan này đánh giá trong vòng hai năm sau cuộc bầu cử năm 2005, các nhóm dân quân thân Iran đã kiểm soát 2/3 số ghế trong quốc hội Iraq.
Mỹ đã chọn Nour al-Maliki làm thủ tướng Iraq vào năm 2006 với niềm tin rằng ông sẽ không hành động theo bè phái hoặc ngả về Iran quá mức. Trước khi Saddam bị lật đổ, Maliki từng sống lưu vong ở Iran, nhưng rời đi để phản đối việc Tehran ép ông phải thề trung thành với lãnh tụ tối cao Ayatollah Khomenei. Khi trở thành thủ tướng Iraq, ông đã chọn Arab Saudi là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong nỗ lực củng cố vị thế của Badgdad trong thế giới Arab.
Với sự khích lệ của Mỹ, Maliki thực sự muốn có quan hệ tích cực với Arab Saudi và theo đuổi chính sách thoát khỏi ảnh hưởng của Iran. Năm 2008, Maliki phát động chiến dịch trấn áp lực lượng dân quân dòng Shiite ở Barsa và Baghdad, động thái được xem là bước lùi với Iran.
Song khi mối quan hệ với Arab Saudi ngày một xấu đi và Maliki không giành được kết quả như mong đợi trong các cuộc bầu cử năm 2010, ông ngày càng phụ thuộc vào Tehran để duy trì quyền lực.
Tổng thống Bush cũng đưa ra những lời giải thích mâu thuẫn về động cơ của ông ở Iraq, phản ánh sự chia rẽ của chính quyền Mỹ, theo nhà phân tích Patrick Wintour.
Ban đầu, ông Bush cho rằng Saddam Hussein đang trang bị vũ khí cho những kẻ thực hiện vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Nhưng đến tháng 8/2002, ông thông qua tài liệu mật do cố vấn an ninh quốc gia Condoleeza Rice đề xuất, cho thấy Mỹ có thể giúp xây dựng một nhà nước Iraq mới dựa trên nền dân chủ và trở thành mô hình tốt cho khu vực.
Trong bài phát biểu nhậm chức lần hai hồi tháng 1/2005, ông Bush biến vấn đề dân chủ thành một phần quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. "Sự tồn tại của tự do trên đất nước chúng ta ngày càng phụ thuộc vào sự thành công của tự do ở những vùng đất khác. Hy vọng tốt nhất cho hòa bình thế giới là mở rộng tự do trên toàn cầu", ông nói.
Rice đã lần nữa nhấn mạnh quan điểm này trong bài phát biểu ở Cairo hồi tháng 6/2005. "Chúng tôi ủng hộ khát vọng dân chủ của mọi người", bà nói.
Song chiến tranh Iraq đã trở thành rào cản cho nỗ lực mở rộng nền dân chủ. Giám đốc CIA Burns thừa nhận "thất bại ở Iraq đã làm tổn hại hình ảnh và uy tín của Mỹ. Nếu đây là cách Mỹ thúc đẩy nền dân chủ, rất ít người Arab muốn tham gia vào nỗ lực đó".
Ý kiến ()