Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:12 (GMT +7)
Động lực phát triển bền vững từ những đột phá chiến lược
Thứ 7, 29/04/2023 | 08:07:39 [GMT +7] A A
Quảng Ninh thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh trong bối cảnh có nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 liên tiếp bùng phát, tác động hầu khắp các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Với sự đoàn kết, thống nhất, kế thừa và trách nhiệm, trong đó tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, làm động lực quan trọng hiện thực hóa các nhiệm vụ, kế hoạch trong tình hình mới.
Đồng bộ hạ tầng - dẫn dắt sự phát triển
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, với ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo, tỉnh Quảng Ninh đã vượt qua những khó khăn, thử thách, đạt nhiều thành công trong thực hiện “mục tiêu kép”; nhiều chỉ tiêu Nghị quyết đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Đến nay tỉnh đạt và vượt 10/16 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025. Đặc biệt, chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 đã đảm bảo mục tiêu tăng bình quân 10,2%/năm (chỉ tiêu Nghị quyết tăng trên 10%/năm) với tổng vốn dự kiến hết năm 2023 đạt gần 300.000 tỷ đồng. Quảng Ninh hiện sở hữu hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Bên cạnh sự chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và người dân trong tỉnh luôn chủ động, phát huy ý chí, truyền thống đoàn kết, tinh thần năng động, sáng tạo, kế thừa, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá... Từ đó mạnh dạn triển khai nhiều kế hoạch phát triển trong tình hình mới; từng bước kiểm soát tốt dịch bệnh, giữ đà tăng trưởng GRDP trên 2 con số, lập kỳ tích trong công cuộc đổi mới. Đặc biệt, tỉnh sở hữu hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Với tư duy luôn đổi mới, sáng tạo, khát vọng vươn xa, Quảng Ninh chưa bằng lòng với những kết quả đạt được, mà tiếp tục nhận diện những thách thức, hạn chế để có những kế hoạch, mục tiêu phát triển mới. Tỉnh nhận định rõ, các dự án hạ tầng trước đây chủ yếu là những dự án giao thông mang tính chất động lực, nằm tại các trung tâm kinh tế phát triển của tỉnh. Trong khi tỉnh có diện tích lớn, nhiều khu vực còn xa trung tâm, kết cấu hạ tầng vẫn còn những bất cập, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông mang tính chiến lược. Vì thế nhiệm vụ phát triển đột phá, đồng bộ hạ tầng vẫn là mục tiêu tỉnh ưu tiên thực hiện.
Với quan điểm đó, tỉnh tiếp tục kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP); tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng CNTT, viễn thông, hạ tầng các KCN, KKT, khu công nghệ, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển.
Trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã hoàn thành, đưa vào khai thác đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Tình Yêu, hệ thống các công trình đường giao thông kết nối 104 thôn, bản thuộc huyện Bình Liêu; hệ thống giao thông khu vực nông thôn, miền núi được tỉnh quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn lực... Qua đó tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng miền trong tỉnh.
Hạ tầng KCN, KKT tiếp tục được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện để triển khai các kế hoạch thu hút đầu tư, hình thành các trung tâm kinh tế trọng điểm, động lực. Hạ tầng đô thị được chỉnh trang đồng bộ, văn minh, hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, hướng tới mô hình đô thị thông minh. Tỉnh hiện có 13 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I là Hạ Long trực thuộc tỉnh, 3 đô thị loại II (Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí), 2 đô thị loại III (Đông Triều, Quảng Yên)... Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 68,5%, là một trong những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước.
Các hạ tầng khác như CNTT, viễn thông, y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa, thể dục thể thao... được tỉnh quan tâm đầu tư, hoàn thiện đồng bộ. Đến nay hạ tầng viễn thông của tỉnh đáp ứng yêu cầu triển khai chuyển đổi số toàn diện tỉnh, bảo đảm phục vụ tốt việc vận hành, sử dụng các ứng dụng của hệ thống chính quyền điện tử và nhu cầu tiếp cận thông tin của nhân dân. Tỉnh xây dựng Bệnh viện Lão khoa, cải tạo nâng cấp Bệnh viện Y dược cổ truyền, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần, trung tâm y tế tuyến xã. Đồng thời đầu tư Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, nâng cấp Bệnh viện Phổi Quảng Ninh... đảm bảo hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng y tế xã hội từ cấp tỉnh đến cấp huyện.
Bằng việc huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể..., năm 2022 Quảng Ninh đứng đầu trong danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam. Đây là động lực quan trọng để tỉnh có thêm những đột phá mới, thực hiện thắng lợi, hiệu quả các nội dung tại Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh.
Nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư
Tháng 4/2023, Quảng Ninh vinh dự lần thứ 2 xuất sắc đứng đầu ở 4 bộ chỉ số: PCI, PAR Index, PAPI và SIPAS. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh luôn nằm trong vị trí nhóm dẫn đầu cả nước về các chỉ số này. Đây cũng là chỉ tiêu quan trọng được tỉnh xác định trong Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, được thực hiện thành công và sớm nhất.
Quảng Ninh xác định rõ, tham gia cuộc đua đánh giá các chỉ số cải cách, mục tiêu không phải là giành điểm số, vị trí cao, mà quan trọng nhất là hướng đến xây dựng hình ảnh địa phương đi đầu đổi mới sáng tạo, xây dựng văn hóa cam kết, văn hóa đồng hành, văn hóa thực thi của chính quyền địa phương. Từ đó đưa những chỉ số của Quảng Ninh không chỉ là thương hiệu ở cấp tỉnh mà ở tầm quốc gia.
Việc duy trì nằm trong vị trí nhóm dẫn đầu về các chỉ số có ý nghĩa rất quan trọng, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, thực hiện thành công các đột phá chiến lược, phát triển toàn diện, ổn định của tỉnh; thể hiện rõ lòng tin của nhà đầu tư, của doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đối với việc thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực, gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số của tỉnh.
Trên hành trình cải cách, tỉnh không chủ quan, thỏa mãn với kết quả đã đạt được, mà luôn nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, khó khăn, thách thức của người dân và doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ, giải quyết với tư duy “chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ”; mạnh dạn thí điểm áp dụng những mô hình quản trị mới; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện... góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong thực hiện cung cấp các dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân và xã hội với chất lượng ngày càng tốt hơn.
Đến nay tỉnh đã hoàn thành kết nối Hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực hiện số hóa TTHC và 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và trung tâm hành chính công cấp huyện. 100% các cơ sở khám, chữa bệnh, trường học, thanh toán điện, nước... triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; đưa 186 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử…, góp phần đơn giản hóa thủ tục và thuận lợi cho người dân.
Song song với đó, tỉnh xây dựng hoàn thiện đồng bộ các cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực, gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số. Đến nay tỉnh đã hoàn thiện nhiều Đề án: Phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành Than, KCN, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông giai đoạn 2023-2025; phát triển giáo dục mầm non tư thục tỉnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030; đang hoàn thiện Đề án Phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội...
Quảng Ninh đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu cung ứng và phát triển của nhân dân và doanh nghiệp. Điều này lý giải vì sao những năm qua Quảng Ninh được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm và lựa chọn, với mong muốn phát triển bền vững và thịnh vượng. Dòng vốn đổ về tỉnh tăng đều qua từng năm. Trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025, tổng thu hút đầu tư ngoài ngân sách của tỉnh đạt 430.736 tỷ đồng, trong đó thu hút mới 26 dự án FDI với số vốn đăng ký 3.614,5 triệu USD. Một số dự án FDI lớn đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo, như: Tấm quang năng và tấm silicc của Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam (tổng vốn đăng ký 863,6 triệu USD); Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh (1,998 tỷ USD)... Riêng năm 2022 Quảng Ninh đứng thứ 3 trong top 10 địa phương thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất nước với tổng vốn 2,186 tỷ USD (tương đương trên 51.777 tỷ VND).
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()