Bệnh viện E tiếp nhận nhiều nạn nhân nhất trong tai nạn, với 14 người, nhỏ nhất là một em bé 7 tuổi, người lớn nhất 42 tuổi.
Tối 5/4, TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E, cho biết xác định đây là cấp cứu thảm họa với số người bị nạn nhiều và nặng, viện báo động đỏ, huy động gần 50 nhân sự gồm điều dưỡng, bác sĩ tham gia cấp cứu bệnh nhân. Hơn 10 trưởng, phó khoa cấp cứu, tim mạch, hồi sức tích cực, chấn thương chỉnh hình, ngoại tổng hợp, thận tiết niệu, gây mê hồi sức trực tiếp xử trí cấp cứu.
Theo ThS.BS Phạm Xuân Hiếu, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện E, có 2 ca rất nặng, gồm một bệnh nhân nam 28 tuổi, quê Thái Bình, hôn mê sâu do chấn thương sọ não, theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực và chống độc. Người còn lại là nam 37 tuổi, ở Đống Đa, được mổ cấp cứu do sốc đa chấn thương, xương cẳng chân dập nát.
7 trường hợp khác bị nhiều tổn thương ở cẳng chân, cẳng tay, cánh tay và đa vết thương phần mềm. Họ đã được cấp cứu, theo dõi tại hai khoa Chấn thương chỉnh hình, Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và y học thể thao.
5 bệnh nhân bị xây xước nhẹ, không có tổn thương phần xương, sau khi xử lý vết thương được bác sĩ kê đơn thuốc về nhà. Trong số ra viện có cháu bé 7 tuổi.
Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị một bé 3 tuổi bị đa chấn thương rất nặng và một bé 9 tuổi bị gãy tay. Bác sĩ Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc bệnh viện, cho biết bé 3 tuổi bị chấn thương ổ bụng, vỡ lách, dập gan, rách cơ hoành, chấn thương lồng ngực, chấn thương sọ não. Bé đã được phẫu thuật, đang hồi sức.
"Hiện sau 2,5 tiếng phẫu thuật, bé phải theo dõi thêm, chưa thể nói được điều gì về sức khỏe", bác sĩ Tùng nói. Còn bé 9 tuổi bị gãy tay đã được bó bột, do rách da đầu nên cần theo dõi thêm não và theo dõi chấn thương ổ bụng.
Ý kiến ()