Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 02:08 (GMT +7)
30% công chức "ngồi không" chỉ là ý kiến… dư luận
Thứ 5, 21/11/2013 | 07:08:58 [GMT +7] A A
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình không làm rõ được “dư luận ở đâu” và “thực hư con số 30%” như thế nào.
Trong buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay (20/11), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã nhận được nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu về vấn đề chất lượng công chức, thi tuyển, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ.
30% công chức “ngồi không” không phải ý kiến của Phó Thủ tướng
Đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu ý kiến: Việc thực hiện tinh giảm số lượng cán bộ, công chức trong thời gian vừa qua không đạt được kết quả như mong muốn. Số cán bộ, công chức nghỉ chế độ từ năm 2010 – 2012 là 28.132 người, so với số tuyển mới là 69.800 người, tăng hơn 41.000 người, bằng 148% so với số người nghỉ và 10,5% so với số cán bộ, công chức. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Nội vụ trước tình trạng số lượng cán bộ, công chức, viên chức không những không giảm mà thậm chí còn tăng hơn 20% sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 132 về tinh giảm biên chế? Trong thời gian tới, Bộ có kế hoạch gì để tiếp tục tinh giảm biên chế?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình |
Đại biểu Huỳnh Nghĩa cũng đặt vấn đề: Đến ngày 21/12/2012, cả nước có khoảng 1,7 triệu viên chức và hơn 535.000 cán bộ công chức, trong đó trình độ chuyên môn có hơn 64.000 cán bộ công chức chưa qua đào tạo, đây là việc rất đáng buồn. Trong khi đó Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết có tới 30% cán bộ công chức không làm được việc, con số này thực hư như thế nào? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong tham mưu đào tạo, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ công chức, viên chức? Bộ trưởng sẽ làm gì để hạn chế tình trạng này?
Trong phần trả lời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng, những kiến nghị, đòi hỏi, mong muốn cần đổi mới, cải cách công vụ nhiều hơn là rất xác đáng. Tuy nhiên, để tìm được tiếng nói chung cần phải có các biện pháp đổi mới, đồng bộ để tổ chức thực hiện đổi mới công tác công chức, viên chức.
Chính phủ đã ban hành nghị quyết chương trình tổng thể hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, trong đó có nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án công vụ công chức từ nay đến năm 2015. Việc đánh giá về cán bộ công chức, viên chức trong thời gian qua đã được phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương.
Về giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định sẽ hoàn thiện tổ chức, tinh gọn bộ máy; mô tả công việc, xác định vị trí việc làm trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, trên cơ sở đó định ra số công chức làm việc trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp; đồng thời bổ sung tiêu chuẩn ngạch đối với công chức và tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.
Bên cạnh đó, hoàn thiện, bổ sung các tiêu chí đánh giá cán bộ công chức, viên chức hàng năm và phương pháp đánh giá. Trên cơ sở đó, thực hiện từ Trung ương đến địa phương với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu, để tìm ra tiếng nói chung về tình trạng công chức, viên chức như đại biểu nêu.
Về nguyên nhân biên chế “tăng đều” hằng năm, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết chính sách tinh giảm biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nâng cao chất lượng đội ngũ là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Bộ trưởng dẫn số liệu biên chế công chức năm 2007 là 238.668 người, năm 2012 là 274.694 người, tăng 15,09%; đối với viên chức, năm 2007 là 1.490.544 người, năm 2012 là 1.872.044 người, tăng 25,59%. Năm 2013 và năm 2014 không tăng cán bộ công chức; đối với viên chức, Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đang xem xét để cân đối. Nguyên nhân tăng do bổ sung các đơn vị mới được thành lập; các đơn vị cũ nhưng được bổ sung chức năng, nhiệm vụ…
Về câu hỏi “30% công chức ngồi không”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết trong cuộc họp tổng kết ngành Nội vụ năm 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói có ý kiến cho rằng có 30% công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, ngành xem như thế nào. “Đây không phải là ý kiến của Phó Thủ tướng mà Phó Thủ tướng chỉ dẫn ý kiến dư luận” – Bộ trưởng Nội vụ khẳng định. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thái Bình cũng không làm rõ được “dư luận ở đâu” và “thực hư con số 30” như thế nào.
Thi tuyển vấn chú trọng bằng cấp
Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho biết: Một trong những nội dung thi tuyển vẫn chú trọng bằng cấp, chưa thực sự quan tâm đến thực lực của người được tuyển dụng. Mặc dù Bộ đã triển khai nhiều kế hoạch, nhiều đề án song đến nay đội ngũ công chức, viên chức trong bộ máy Nhà nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết: Tiêu chuẩn thi tuyển phải có yêu cầu về chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ, tin học. Việc chú trọng bằng cấp là một nội dung được Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ đang tập trung nghiên cứu chuyên đề, song trước mắt thi cử vẫn phải đảm bảo quy định của pháp luật.
Gần đây trong công tác tuyển dụng đã đổi với việc thi tuyển công chức, có 4 môn, 5 bài thi. Hình thức thi mới có 3 bài thi được thực hiện trên máy vi tính là tin học, ngoại ngữ, trắc nghiệm chuyên môn và 2 bài thi viết.
Tham nhũng trong công tác cán bộ là chuyện “tế nhị”
Về câu hỏi bằng giả, học giả, chạy chỉ tiêu biên chế trong công tác cán bộ; có tham nhũng trong đội ngũ công chức làm trong công tác cán bộ không? liệu có thuốc nào chữa không và chữa như thế nào? Bộ trưởng Nội vụ khẳng định: Trong những năm gần đây, cá nhân Bộ trưởng và Bộ Nội vụ rất quan tâm tới vấn đề này. Đây là vấn đề “nhạy cảm”, “tế nhị” mà Nghị quyết của Đảng cũng đã chỉ rõ vẫn chưa khắc phục triệt để nạn chạy chức, chạy quyền.
Bộ trưởng cho biết, hai dự án luật Công chức và Viên chức đã nói rõ nội dung phòng chống tiêu cực, tham nhũng; bên cạnh đó nhiều thông tư, nghị định cũng nói về việc này. “Chúng tôi dự kiến trình Chính phủ xây dựng nghị định phòng chống tiêu cực trong việc tổ chức, cán bộ, thi đua khen thưởng để các Bộ, ngành Trung ương, địa phương thực hiện. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về phòng chống tiêu cực trong vấn đề tổ chức, cán bộ, khen thưởng” – Bộ trưởng Nội vụ nói.
Về vấn đề bằng giả, Bộ trưởng Nội vụ đề nghị Bộ Giáo dục cùng các cơ quan hữu quan tham gia làm rõ.
Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ tiếp tục trả lời những câu chất vấn của đại biểu Quốc hội, trong đó có câu hỏi của đại biểu Hà Minh Huệ cho rằng, việc bổ nhiệm cán bộ dựa theo tình hơn theo tiêu chuẩn.
Theo VOV
Liên kết website
Ý kiến ()