Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 03:52 (GMT +7)
4 chỉ số sức khỏe dễ tăng vào mùa lạnh và cách kiểm soát
Thứ 5, 12/10/2023 | 09:53:35 [GMT +7] A A
Một số chỉ số sức khoẻ dễ tăng vào mùa lạnh và có thể làm tăng nguy cơ gặp một số vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng như đau tim, đột quỵ,...
Kiểm soát thường xuyên các chỉ số sức khoẻ sẽ giúp bạn phát hiện kịp thời những bất thường mà cơ thể đang gặp, từ đó có những biện pháp xử lý và kiểm soát tốt. Dưới đây là 4 chỉ số sức khoẻ dễ tăng vào mùa lạnh mà mọi người nên lưu ý.
1. Huyết áp
Huyết áp thường tăng cao vào mùa lạnh. Đó là vì nhiệt độ thấp khiến các mạch máu tạm thời bị thu hẹp. Điều này làm tăng huyết áp vì cần nhiều áp lực hơn để đẩy máu đi qua các tĩnh mạch và động mạch bị thu hẹp.
Huyết áp cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi đột ngột của thời tiết, chẳng hạn như thời tiết xấu hoặc bão. Cơ thể và các mạch máu có thể phản ứng với những thay đổi đột ngột về độ ẩm, áp suất khí quyển, mây che phủ hoặc gió theo cách tương tự như cách nó phản ứng với cái lạnh. Những biến đổi huyết áp liên quan đến thời tiết này phổ biến hơn ở những người từ 65 tuổi trở lên.
Các nguyên nhân theo mùa khác gây ra huyết áp cao bao gồm tăng cân, ăn nhiều muối và giảm hoạt động thể chất thường gặp vào mùa lạnh.
Huyết áp tăng cao được coi là yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Do đó, mọi người nên có chế độ kiểm soát huyết áp tốt, đặc biệt người trung niên và người già.
Cách kiểm soát huyết áp vào mùa lạnh
Để kiểm soát huyết áp vào mùa lạnh, mọi người nên bắt đầu thay đổi từ những thói quen đơn giản như:
- Chú ý đến chế độ ăn uống. Những người bị huyết áp cao nên hạn chế ăn quá nhiều muối, bổ sung nhiều rau củ quả, đặc biệt mọi người có thể tham khảo chế độ ăn DASH. Đây là chế độ ăn ít muối và giàu trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo và protein nạc.
Ngoài ra, người bị tăng huyết áp cần kiêng bia rượu và caffeine vì chúng có thể khiến cơ thể mất nhiệt nhanh chóng.
- Đảm bảo giữ cho làn da ít tiếp xúc với thời tiết bên ngoài trong những ngày lạnh giá hoặc mặc nhiều lớp để giữ nhiệt cho cơ thể.
- Xây dựng lối sống lành mạnh bằng cách thể dục thường xuyên, điều này sẽ giải phóng các chất làm giãn mạch máu và giúp hạ huyết áp.
- Đo huyết áp thường xuyên, tốt nhất là bạn nên mua một chiếc máy đo huyết áp tại nhà.
- Sử dụng thuốc nếu như được bác sĩ chỉ định hoặc khuyến khích.
2. Đường huyết
Thời tiết lạnh cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu - tình trạng thường diễn ra ở người bị tiểu đường. Vì khi nhiệt độ lạnh có thể khiến cơ thể căng thẳng. Để đáp lại, cơ thể bạn sẽ giải phóng các hormone gây căng thẳng như cortisol để tăng cường năng lượng. Những hormone này làm giảm sản xuất insulin. Bởi vì insulin giúp các tế bào của cơ thể hấp thụ glucose (đường trong máu) từ máu, nên có ít insulin hơn có nghĩa là lượng glucose còn lại trong máu sẽ nhiều hơn. Các hormone gây căng thẳng cũng kích thích gan tạo ra và giải phóng nhiều glucose hơn. Kết quả là lượng đường trong máu của bạn tăng lên.
Hơn nữa, vào mùa lạnh sẽ bị cúm hơn thông thường. Bệnh cúm cũng có thể khiến cơ thể bạn giải phóng hormone gây căng thẳng để tăng cường năng lượng và chống nhiễm trùng, khiến lượng đường trong máu tăng lên.
Ngoài ra, mùa lạnh có thể khiến bạn ăn ngon miệng và dẫn tới việc bổ sung nhiều nguồn thực phẩm, trong đó có cả các nguồn giàu glucose kết hợp với việc bạn lười vận động, thể dục hơn vào mùa lạnh cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng lượng đường trong máu.
Lượng đường trong máu cao trong thời gian dài sẽ gây ra rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu, gây chít hẹp các mạch máu nhỏ và làm tổn thương hệ thống thần kinh.
Cách kiểm soát đường huyết vào mùa lạnh
Người bệnh bị tiểu đường nên có có những biện pháp chủ động kiểm soát lượng đường huyết để bảo vệ sức khoẻ và tránh những biến chứng nguy hiểm:
- Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên nếu bạn bị tiểu đường hoặc có triệu chứng lượng đường trong máu thấp.
- Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc đủ áo, uống nước hoặc trà ấm. Người bị tiểu đường nên uống một số loại trà như trà xanh, trà nghệ, trà hoa cúc, trà quế,...
- Tập thể dục thường xuyên sẽ làm giảm lượng đường trong máu, giúp cơ thể sử dụng insulin tốt hơn, giữ ấm và thậm chí có thể cải thiện tâm trạng. Một số bài tập phù hợp trong mùa lạnh như yoga, leo cầu thang, khiêu vũ hoặc đến phòng tập.
- Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng bằng cách hạn chế tiêu thụ những loại thức ăn giàu tinh bột và nhiều đường, đồ ăn nhanh, đồ chế biến sẵn nhiều dầu mỡ và các loại nước sốt. Thay vào đó, bạn nên bổ sung ngũ cốc tự nhiên, rau quả, trái cây, thịt nạc, khoai sắn, ưu tiên các món hầm hoặc súp để làm ấm cơ thể.
- Sử dụng thuốc nếu được bác sĩ chỉ định
3. Cholesterol
Theo một nghiên cứu, Mức LDL, hay cholesterol "xấu" thay đổi đáng kể, trung bình 7 mg/dL từ mùa đông sang mùa hè. Lý do là vì thứ nhất là chế độ ăn uống và tập luyện trong mùa lạnh thường kém hơn. Vào mùa đông mọi người thường ăn nhiều hơn, nhất là các món ăn như nướng, chiên dầu,... việc tập thể dục cũng không thường xuyên do chúng ta ở trong nhà nhiều hơn.
Ngoài ra, việc ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào mùa lạnh cũng có thể làm tăng lượng cholesterol xấu, vì vitamin D được biết là có tác dụng cải thiện tỷ lệ HDL so với LDL.
Cholesterol "xấu" tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đây cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim vào mùa lạnh.
Cách kiểm soát hàm lượng cholesterol
Để kiểm soát hàm lượng cholesterol cũng như phòng ngừa các bệnh tim mạch vào mùa lạnh, bác sĩ khuyến khích mọi người nên thực hiện một số biện pháp sau:
- Tập thể dục thường xuyên: thời tiết lạnh giá có thể khiến mọi người lười vận động hoặc thể dục. Nhưng để thuận tiện, mọi người có thể thực hiện các bài tập trong nhà như yoga, chạy bộ tại chỗ hoặc có thể mua máy chạy bộ, tập thể dục nhịp điệu. Bạn cũng có thể tăng cường vận động nhiều hơn bằng cách leo cầu thang, làm việc nhà nhiều hơn.
Các chuyên gia thường khuyến khích mọi người nên tập thể dục vừa phải ít nhất 2,5 giờ mỗi tuần.
- Chế độ ăn uống phù hợp: bạn nên bắt đầu bằng cách tránh hoặc tiêu thụ ít chất béo bão hòa, thường có trong thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa có nhiều chất béo. Tránh các thực phẩm có chứa chất béo chuyển hóa bao gồm bơ thực vật, bánh nướng xốp và bánh ngọt mua sẵn ở cửa hàng, lòng đỏ trứng và thịt xông khói. Hạn chế ăn quá nhiều muối cũng giúp kiểm soát huyết áp và cholesterol.
Tăng lượng thức ăn như cá hồi, hạnh nhân và dầu thực vật có nhiều axit béo omega-3. Bổ sung nhiều trái cây, rau, thịt nạc, bột yến mạch, đậu và các loại rau củ khác.
4. BMI - chỉ số khối cơ thể
Chỉ số khối cơ thể BMI thường có xu hướng thay đổi nhiều vào mùa lạnh. Nguyên nhân cũng là do lối sống ít vận động và chế độ ăn uống chưa cân bằng, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm có chứa chất béo. Chỉ số khối cơ thể tăng quá cao có thể dẫn tới thừa cân, béo phì.
Theo CDC, thừa cân hoặc béo phì có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường loại 2 cao hơn và cũng có thể liên quan đến nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư nội mạc tử cung, thực quản, gan, thận, tuyến tụy, đại trực tràng, vú, buồng trứng và tuyến giáp, cùng nhiều loại khác.
Cách kiểm soát chỉ số BMI
Không chỉ vào mùa lạnh, chỉ số BMI nên được kiểm soát liên tục trong năm bằng một số cách như:
- Ăn uống lành mạnh, bạn nên bổ sung nhiều rau củ quả và hạn chế chất béo không lành mạnh, đặc biệt nên nạp vào cơ thể một lượng calo vừa đủ.
- Tập thể dục và vận động thường xuyên, bạn nên đến phòng tập hoặc tham gia các bài tập có cường độ vừa phải đến cường độ cao.
- Ngủ đủ giấc, tránh để cơ thể căng thẳng, vì đây cũng là yếu tố làm tích tụ mỡ.
Trên đây là 4 chỉ số cơ thể mà mọi người nên quan tâm và có biện pháp kiểm soát khi có dấu hiệu tăng cao. Chế độ ăn uống và lối sống đều là yếu tố ảnh hưởng đến các chỉ số trên, dó đó mọi người nên thay đổi và xây dựng thành một chế độ lành mạnh và cân bằng.
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()