Tổng thống Vladimir Putin ngày 19/11 duyệt tài liệu Những nguyên tắc cơ bản về Chính sách Nhà nước trong lĩnh vực Răn đe Hạt nhân, thông qua hàng loạt điều chỉnh về học thuyết vũ khí hạt nhân của Nga, quốc gia có kho vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới với khoảng 1.558 đầu đạn hạt nhân chiến thuật, theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS).
Thời điểm Điện Kremlin công bố học thuyết hạt nhân mới gây chú ý, vì nó trùng với mốc 1.000 ngày chiến sự Nga - Ukraine và căng thẳng Moskva - phương Tây leo thang đáng kể, sau khi Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa mà Mỹ viện trợ để tập kích sâu trong lãnh thổ Nga.
"Tôi có phần kinh ngạc về nội dung chi tiết và những kịch bản được đề cập trong tài liệu", Hans Kristensen, giám đốc dự án thông tin hạt nhân tại FAS, trụ sở ở thủ đô Washington, nói với Newsweek. "Nó vượt xa những gì chúng tôi đã đọc từ tài liệu của các quốc gia hạt nhân khác".
Theo giới quan sát, học thuyết hạt nhân mới của Nga có 26 đoạn được điều chỉnh, trong đó có 4 sửa đổi có nội dung đáng chú ý nhất so với phiên bản được công bố tháng 6/2020.
Điểm sửa đổi quan trọng đầu tiên là học thuyết mới mở rộng phạm vi Moskva sử dụng vũ khí hạt nhân để tung đòn đáp trả, từ "hành động gây hấn nhằm vào Nga" thành "hành động gây hấn nhằm vào thành viên khác trong Nhà nước Liên minh", gồm Nga và Belarus.
Điều này về cơ bản đã đưa Belarus vào trong "chiếc ô hạt nhân" của Nga và coi bất cứ đòn tấn công nào vào quốc gia này cũng là hành động tấn công Nga, khiến Moskva kích hoạt vũ khí hạt nhân để đáp trả.
Kể từ khi chiến sự Ukraine bùng phát, Nga và Belarus, hai thành viên trong Nhà nước Liên minh, đã tăng cường đáng kể quan hệ về mọi mặt, trong đó có vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hồi tháng 4 thông báo Nga đã triển khai hàng chục đầu đạn hạt nhân đến Belarus, động thái mà Moskva cho là tương tự những gì Washington từng làm trên lãnh thổ các đồng minh. Moskva vẫn giữ quyền kiểm soát số khí tài trên.
Khi nhắc đến đề xuất sửa đổi mở rộng phạm vi học thuyết hạt nhân của Nga hồi tháng 9, ông Lukashenko đã cảnh báo "một cuộc tấn công nhằm vào Belarus sẽ châm ngòi Thế chiến III". Tổng thống Lukashenko hồi năm ngoái cũng tuyên bố các quốc gia gia nhập Nhà nước Liên minh Nga - Belarus cũng "sẽ được chuyển giao vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ".
Điểm đáng chú ý thứ hai là Nga đã hạ ngưỡng kích hoạt vũ khí hạt nhân trong học thuyết mới. Trước đây, Nga tuyên bố sẽ dùng vũ khí hạt nhân đáp trả "nếu sự tồn vong của đất nước bị đe dọa". Tài liệu mới được điều chỉnh thành "khi có mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền cũng như toàn vẹn lãnh thổ" của Nga và Belarus.
Đoạn 10 của tài liệu cho biết Nga sẽ coi hành động tấn công từ quốc gia thành viên trong một liên minh là hành động tấn công của "cả liên minh đó", dường như để ám chỉ NATO.
Đoạn 11 nêu rõ "các cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường nhằm vào Nga và/hoặc đồng minh của Nga nhưng được hỗ trợ bởi một nước sở hữu vũ khí nguyên tử sẽ được coi là một cuộc tấn công chung" và Moskva có thể kích hoạt vũ khí hạt nhân đáp trả. Học thuyết năm 2020 chỉ tập trung vào các cuộc tấn công trực tiếp từ những bên sở hữu vũ khí hạt nhân.
Khi vạch ra những sửa đổi trong học thuyết hạt nhân hồi tháng 9, ông Putin không nhắc cụ thể quốc gia nào. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại cho thấy điều chỉnh này dường như nhắm đến Ukraine, quốc gia phi hạt nhân đang nhận sự hỗ trợ từ Mỹ và các nước phương Tây khác.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev thẳng thắn hơn, nói rằng việc Ukraine sử dụng tên lửa NATO tấn công lãnh thổ Nga "có thể được phân loại là cuộc tấn công của cả khối" vào Moskva và đủ điều kiện kích hoạt đòn phản công hạt nhân.
Học thuyết mới của Nga còn mở rộng danh sách các yếu tố mà Moskva coi là mối đe dọa về mặt quân sự có thể cần phải đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.
Theo đó, Nga sẽ coi bất kỳ bên nào "sở hữu các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể được dùng để nhắm vào Nga", "tập trận gần biên giới Nga" và "âm mưu tấn công các cơ sở gây nguy hiểm cho môi trường hoặc cô lập một phần lãnh thổ Nga" là mối đe dọa quân sự nghiêm trọng.
Học thuyết cập nhật của Nga không còn coi vũ khí hạt nhân "chỉ là biện pháp răn đe", mà thêm rằng Moskva có thể sử dụng chúng nhằm vào kẻ địch "tiềm tàng".
Theo đó, Nga có thể kích hoạt vũ khí hạt nhân nhắm vào các quốc gia cho phép một bên sử dụng lãnh thổ, không phận và hải phận cùng nguồn lực khác mà họ kiểm soát "để chuẩn bị và phát động đòn tấn công vào Nga".
Mark Episkopos, nhà nghiên cứu tại Chương trình Âu - Á, Viện chính sách Quincy, trụ sở thủ đô Washington, cho rằng với những điểm sửa đổi này, Nga cho thấy họ sẵn sàng "leo thang hạt nhân" dựa trên rất nhiều yếu tố với những cách phân loại không thực sự rõ ràng, hoàn toàn có thể phụ thuộc vào cách suy nghĩ của một người duy nhất là Tổng thống Putin.
"Có nhiều điều chúng ta chưa biết về cách ông Putin nhìn nhận cuộc chiến ở Ukraine và các lằn ranh đỏ liên quan đến ngưỡng Nga có thể kích hoạt vũ khí hạt nhân", Episkopos bày tỏ lo ngại.
Theo giới chuyên gia, ông Putin bắt đầu đưa ra các cảnh báo hạt nhân sau khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine tháng 2/2022, nhưng những lằn ranh này thường bị phương Tây xem nhẹ. Lần này, Nga đã gia tăng yếu tố mơ hồ trong học thuyết hạt nhân sửa đổi, nhằm tăng cường sức răn đe phương Tây, ngăn họ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine.
"Một mặt, Nga nêu khả năng dùng vũ khí hạt nhân nếu lãnh thổ bị đe dọa. Mặt khác, Nga vẫn mập mờ về mức độ đe dọa khiến Moskva phải hành động", Maxim Starchak, chuyên gia về chính sách hạt nhân của Nga tại Đại học Queen's, Canada, nói với AFP.
"Những diễn biến hiện tại không đồng nghĩa ngón tay đã được đặt lên nút bấm hạt nhân, nhưng chúng ta đang ngày càng cận kề một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và các nước NATO", ông Starchak lưu ý.
Ý kiến ()