Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:40 (GMT +7)
5 dấu hiệu tay chân miệng chuyển nặng
Thứ 4, 21/06/2023 | 17:08:04 [GMT +7] A A
Theo các chuyên gia, dự báo trong thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều ca tay chân miệng nặng nếu không tích cực triển khai các giải pháp phòng chống dịch và điều trị hiệu quả.
Theo các chuyên gia, dự báo trong thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều ca tay chân miệng nặng nếu không tích cực triển khai các giải pháp phòng chống dịch và điều trị hiệu quả.
Nhiều ca biến chứng mắc chủng EV71
Theo báo cáo của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến hết tuần 23 vừa qua, toàn khu vực phía Nam ghi nhận 9.028 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 4 ca tử vong với chẩn đoán tay chân miệng độ 4 và có xét nghiệm Enterovirus 71 (EV71) dương tính.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch, do virus đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71).
Bệnh có biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như: niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối.
Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71.
Bệnh tay chân miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, đến các nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, chuyên khoa nhi (từng làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM) cho biết, tay chân miệng là bệnh lành tính, đa phần sẽ tự khỏi trong vòng 7-10 ngày. Tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ mắc tay chân miệng chuyển nặng thì cần phải nhập viện ngay. Điều trị kịp thời sẽ không để lại biến chứng.
Trẻ mắc tay chân miệng thường có các dấu hiệu như: tiết nước bọt nhiều, không ăn; có thể sốt nhẹ hơn 38 độ C; nổi nốt trong miệng, lòng bàn tay, bàn chân…
Theo bác sĩ Sang, năm nay chủng EV71 ghi nhận nhiều ca biến chứng. Chủng EV71 thường gây ra các trường hợp biến chứng nặng.
Bác sĩ Sang cho biết trẻ bị mắc tay chân miệng có thể chăm sóc tại nhà, tuy nhiên cần phải lưu tâm tới các dấu hiệu chuyển độ (mức độ nặng). Vì khi trẻ chuyển độ, virus có thể tấn công vào não gây ra những di chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Trong quá trình chăm sóc trẻ cần lưu ý các dấu hiệu:
- Trẻ đã cắt sốt nhưng vẫn bỏ ăn, trẻ đờ hơn bình thường, gọi không trả lời hoặc tiếp xúc không phản ứng.
- Trẻ sốt cao trên 39 độ C và không thể hạ sốt trên 2 ngày.
- Trẻ thở nhanh hơn bình thường (trẻ không sốt nhưng thở nhanh).
- Trẻ có giật mình chới với, trẻ đang ngủ giật bắn mình mở mắt trong vài giây. Sau khi giật mình xong, trẻ mắt lim rim sau đó lại bị giật mình tiếp.
- Trẻ run tay, chân đi yếu hơn bình thường.
Bác sĩ Sang cho biết khi trẻ có một trong những dấu hiệu trên, cần đưa trẻ đi khám ngay. Ngoài ra, nếu chăm sóc tay chân miệng tại nhà, trẻ cần phải tái khám 2 ngày/lần. Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng để dễ tiêu hoá, thức ăn cần để nguội.
Phòng bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa, có thể diễn tiến nặng nhanh đe dọa tính mạng, ngành Y tế vận động mọi người dân, đặc biệt là các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh như sau:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc trẻ.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày.
- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhất.
- Theo dõi sát khi trẻ bệnh để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chuyển nặng như giật mình, sốt cao liên tục, quấy khóc liên tục, mạch nhanh, yếu tay chân.
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()