Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 20:20 (GMT +7)
5 điều 'cấm kỵ' lớn EU đã phá vỡ do xung đột Nga - Ukraine
Thứ 4, 01/03/2023 | 15:17:24 [GMT +7] A A
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã buộc EU phải xem xét lại nhiều chính sách của mình, chẳng hạn như viện trợ sát thương, tị nạn và mở rộng liên minh.
EU được thành lập để ngăn chặn chiến tranh tàn phá lục địa châu Âu và điều đó đã mang lại hòa bình tương đối trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraine vào năm 2022 đã dẫn đến những sự thay đổi lớn ở Brussels, thách thức niềm tin và gây ra các phản ứng được coi là vượt quá giới hạn của họ.
Dưới đây là năm điều cấm kỵ lớn mà EU đã phá vỡ trong một năm xung đột ở Ukraine:
Viện trợ sát thương
Trong những năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và Liên Xô sụp đổ, chi tiêu quân sự trên khắp châu Âu sụt giảm khi các ưu tiên chuyển sang lĩnh vực khác và công chúng quên đi mối đe dọa tiềm tàng về một cuộc xung đột hạt nhân.
Trong thập kỷ trước khi xung đột nổ ra, hầu hết các quốc gia châu Âu đều chi ngân sách ở dưới mức mục tiêu của NATO, vốn yêu cầu họ phải chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng, khiến Nhà Trắng rất thất vọng. Đề xuất về việc thành lập một quân đội chung của EU vẫn hoàn toàn không có tiến triển.
Nhưng cú sốc khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine đã "mở ra một cánh cửa đã bị đóng" trong nhiều năm: 3 ngày sau khi Điện Kremlin phát động chiến dịch quân sự, EU đã quyết định tài trợ cho việc mua và chuyển giao các thiết bị sát thương cho một quốc gia có xung đột.
Điều này có nghĩa là lần đầu tiên, tiền của EU từ những người nộp thuế ở châu Âu sẽ trả cho vũ khí. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khi đó đã tuyên bố: “Đây là một thời điểm bước ngoặt".
Cụ thể, EU đã sử dụng Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF) để hoàn trả chi phí viện trợ quân sự và hỗ trợ hoạt động mà các nước thành viên cam kết với Ukraine.
Trong 1 năm xung đột, các quốc gia thành viên EU đã bơm 3,6 tỷ euro vào EPF. Trong một động thái tạo tiền lệ khác, họ đã thành lập một phái bộ hỗ trợ quân sự để huấn luyện binh lính Ukraine trên lãnh thổ EU. Nhìn chung, hỗ trợ quân sự do các quốc gia thành viên EU cung cấp ước tính khoảng 12 tỷ euro.
Tuy nhiên, viện trợ quân sự của EU vẫn còn mờ nhạt so với hơn 44 tỷ USD mà Mỹ đã cam kết cho Kiev cho đến nay.
Sự phụ thuộc về năng lượng
Trước ngày Moskva phát động chiến dịch quân sựcuộc xâm lược, xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch đóng góp 40% nguồn thu ngân sách của Nga. Các số liệu thống kê đã buộc Brussels phải công khai những điều bị che giấu từ lâu: sự phụ thuộc lâu dài và tốn kém vào dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga.
Năm 2021, EU đã chi hơn 70 tỷ euro để mua dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga. Về khí đốt, sự phụ thuộc vào Nga được ước tính là 40% tổng kim ngạch xuất khẩu, với một số quốc gia ở phía Đông châu Âu vượt quá tỷ lệ 90%.
Sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga sâu sắc và dữ dội đến mức vào tháng 12/2021, khi Nga tăng cường lực lượng dọc biên giới với Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn bảo vệ đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) gây tranh cãi là một dự án thương mại thuần túy.
Cho đến khi xung đột nổ ra, việc duy trì nguyên trạng là không thể và nhu cầu thoát khỏi sự phụ thuộc này đã trở thành ưu tiên chính trị số một.
EU sau đó đã tham gia một cuộc chạy đua với thời gian để đa dạng hóa cơ cấu năng lượng của mình. Than của Nga nhanh chóng bị cấm, dầu mỏ của Nga dần bị loại bỏ và khí đốt của Nga được thay thế bằng các nguồn đến từ Na Uy hoặc các tàu LNG từ Mỹ, Qatar, Nigeria và Algeria.
Song song đó, Ủy ban châu Âu đã soạn thảo các kế hoạch đầy tham vọng nhằm thúc đẩy việc triển khai năng lượng tái tạo và tiết kiệm điện. Việc chuyển đổi đi kèm với một mức đầu tư khổng lồ kèm những cáo buộc EU giàu có đang ép và đẩy các nước đang phát triển ra khỏi thị trường LNG cạnh tranh.
Tính đến thời điểm hiện tại, EU chỉ còn nhập khẩu hơn 12% lượng khí đốt mà họ cần từ Nga.
Vấn đề tịch thu tài sản
Kể từ ngày 24/2/2022, EU và các đồng minh của họ đã trừng phạt Nga với một danh sách ngày càng dài các biện pháp hạn chế quốc tế nhằm làm tê liệt nguồn thu ngân sách của Điện Kremlin.
Nhiều lệnh trừng phạt trong số này là chưa từng thấy, chẳng hạn như áp mức giá trần của G7 đối với dầu thô của Nga, ước tính khiến Điện Kremlin thiệt hại hơn 160 triệu euro mỗi ngày.
Tuy nhiên, một động thái cụ thể đặc biệt táo bạo: Phương Tây áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với mọi giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga, đóng băng một nửa trong số hơn 600 tỷ USD dự trữ ngoại hối của nước này.
EU hiện đã sẵn sàng tiến một dài hơn với kế hoạch sử dụng các nguồn bị đóng băng này để tái thiết Ukraine. Ý tưởng này chưa có tiền lệ và đã được các chuyên gia pháp lý mô tả là "có vấn đề sâu sắc" vì dự trữ tiền tệ là tài sản nhà nước và được bảo vệ đặc biệt theo luật pháp quốc tế mà tất cả các quốc gia phải tôn trọng.
Nhưng Brussels khẳng định vẫn có cách mở ra con đường pháp lý hợp pháp và biến các khoản dự trữ bị đóng băng thành một kế hoạch chi tiêu đáng tin cậy. "Nga phải trả giá cho những gì họ đã gây ra ở Ukraine", bà Leyen nói.
Đồng thời, khối này đang lên kế hoạch tịch thu các tài sản tư nhân bị thu giữ từ các nhà tài phiệt Nga, chẳng hạn như du thuyền, biệt thự và các tài sản khác, sau đó bán chúng để gây quỹ bổ sung cho Ukraine.
Vấn đề tị nạn
Dù cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 đã qua từ lâu, nhưng vấn đề này vẫn ám ảnh các nhà hoạch định chính sách và các nhà ngoại giao ở Brussels. Bất chấp một số nỗ lực nhằm thống nhất chính sách di cư và tị nạn giữa 27 quốc gia thành viên, mục tiêu này vẫn quá khó khăn và dễ gây tranh cãi nhằm tìm ra điểm chung.
Nhưng khi rất nhiều người Ukraine bắt đầu di tản do xung đột, EU nhận thấy những biện pháp và chính sách đã được thử nghiệm và thực hành trong các cuộc khủng hoảng di cư trong quá khứ sắp sụp đổ.
Tuyệt vọng khi tìm kiếm một giải pháp thiết thực, EU đã hồi sinh Chỉ thị Bảo vệ Tạm thời, một đạo luật khó hiểu có từ năm 2001 nhưng chưa bao giờ được sử dụng. Theo chỉ thị, các quốc gia thành viên được phép bảo vệ ngay lập tức và đặc biệt cho một nhóm người di tản được lựa chọn, trong trường hợp này là người sơ tán Ukraine.
Điều này đã bỏ qua các hệ thống tị nạn quá tải truyền thống và thay vào đó đưa ra một cách thức đơn giản, nhanh chóng để cho phép tiếp cận giấy phép cư trú, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội và thị trường lao động – những điều kiện cơ bản mà người Ukraine cần để bắt đầu một cuộc sống mới.
Việc kích hoạt Chỉ thị Bảo vệ Tạm thời vào ngày 3/3/2022 được ca ngợi là "lịch sử" nhưng cũng bị một số nhà hoạt động và tổ chức chỉ trích vì phơi bày "thành kiến phân biệt sắc tộc cố hữu hay tiêu chuẩn kép" trong chính sách di cư của EU.
Tính đến nay, 4 triệu người sơ tán Ukraine đã được tái định cư trên toàn khối, trong đó Ba Lan và Đức tiếp nhận khoảng một triệu người ở mỗi nước.
Về mở rộng EU
Sau khi Croatia gia nhập vào năm 2013, mong muốn mở rộng khối ngoài 27 thành viên giảm đi rõ rệt. Bà Leyen đã cam kết đưa hoạt động mở rộng trở lại chương trình nghị sự hàng đầu khi trở thành Chủ tịch Ủy ban châu Âu, nhưng đã bị đại dịch COVID-19 làm chệch hướng.
Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã lật ngược tình thế và cung cấp cho Brussels lý lẽ chính trị mà họ còn thiếu để biện minh cho việc mở rộng.
Tổng thống Volodymr Zelensky của Ukraine đã nhanh chóng nắm bắt được động lực và ký đơn xin gia nhập EU của nước này chỉ 4 ngày sau khi xung đột nổ ra, thời điểm mà nhiều người ở phương Tây nghĩ rằng Kiev sẽ sớm thất bại.
Nhờ chiến dịch PR kiên trì của ông Zelensky và các quan chức Ukraine khác, tư cách thành viên EU của Ukraine đã đi từ phi thực tế đến khả thi trong khoảng thời gian 4 tháng, trong thời gian đó các thành viên EU đã có sự thay đổi đáng kinh ngạc và dám công khai nói về việc mở rộng sau nhiều năm im lặng.
Động lực lên đến đỉnh điểm vào ngày 23/6, khi Hội đồng châu Âu nhất trí trao cho Ukraine - và cả Moldova - tư cách ứng cử viên, phần mở đầu chính thức cho các cuộc đàm phán gia nhập.
Những điều cấm kỵ khác đang chờ bị phá vỡ
Bất chấp việc ra quyết định mạnh mẽ trong 12 tháng qua, EU vẫn chưa phá vỡ một số điều cấm kỵ đáng chú ý, chẳng hạn như lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực hạt nhân của Nga do lo ngại về an toàn từ một số nước Đông Âu.
Ngoài ra, lệnh cấm nhập khẩu kim cương của Nga cũng vẫn chưa được thảo luận do Bỉ có thị phần kinh tế ở thành phố kim cương Antwerp hay việc loại Gazprombank, ngân hàng Nga xử lý các khoản thanh toán năng lượng, khỏi hệ thống SWIFT.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()