Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:04 (GMT +7)
5 điều kiêng kỵ để tránh bị sốc nhiệt trong thời tiết nắng nóng
Thứ 6, 14/06/2024 | 11:38:04 [GMT +7] A A
Nắng nóng cực độ mùa hè dễ gây hại cho sức khỏe, con người cần phải thận trọng bảo vệ bản thân, ghi nhớ những điều kiêng kỵ để không bị sốc nhiệt.
Không làm việc với cường độ cao ngay lập tức
Neil Gandhi, bác sĩ tại Bệnh viện Houston Methodist, cho biết khi một đợt nắng nóng ập đến, cơ thể bạn cần thời gian để điều chỉnh và thích nghi. Do đó, bạn không nên làm việc với cường độ cao ngay lập tức.
Sau một thời gian thích nghi với khí hậu, cơ thể sẽ chống chọi tốt hơn với các bệnh liên quan đến nhiệt độ. Tuyến mồ hôi, lưu lượng máu dưới da hoạt động hiệu quả, khiến cơn khát tăng lên, giúp bạn ít khi bị mất nước.
Thông thường, việc thích nghi sẽ diễn ra vài ngày sau khi bắt đầu cơn nắng nóng. Trẻ em thích nghi với khí hậu chậm hơn nhiều so với người lớn, nên phải chú ý, không để chúng hoạt động quá sức, đặc biệt khi ở ngoài trời.
Không ngồi lâu trong ô tô
Có thể bạn không nhận ra, nhiệt độ trong xe ô tô nóng hơn bên ngoài rất nhiều. Eisenman giải thích: "Ô tô nóng lên rất nhanh ngay cả ở nhiệt độ thông thường do hiệu ứng nhà kính".
Ông nói: “Mặt trời chiếu qua cửa sổ ô tô, sau đó nhiệt bị dội ra xung quanh và mắc kẹt trong xe, liên tục tạo ra bước sóng nhiệt khác và không thể thoát ra ngoài”. Mức nhiệt trong xe có thể tăng cao hơn 25 độ F so với ngoài trời chỉ sau 25 phút.
Mỗi năm có khoảng 50 trẻ em tử vong khi bị bỏ quên trong ô tô. Ngay cả khi đang bật điều hòa, ô tô vẫn có thể nóng lên nhanh chóng và gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là con trẻ.
Không bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo của cơ thể
Một số dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn đang quá nóng rất đơn giản: đổ mồ hôi, mệt mỏi, chóng mặt và đau đầu. Bạn cũng có thể cảm thấy buồn nôn hoặc choáng váng. Điều đó cho thấy bạn đang kiệt sức vì nắng nóng.
Những dấu hiệu này dễ bị bỏ qua, tuy nhiên, tình trạng tồi tệ hơn có thể xảy đến rất nhanh. Nếu không tìm cách hạ nhiệt và uống đủ nước kịp thời, các triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn như chuột rút cơ, mệt mỏi nhiều hơn, nhịp tim tăng nhanh... gây nguy hiểm đến tính mạng.
Không mặc quần áo nặng nề, bó sát
Wafi Momin, bác sĩ tim mạch tại Hệ thống Y tế Memorial Hermann (Katy, Texas) cho biết, trang phục màu sáng có xu hướng phản xạ nhiệt tốt hơn màu tối, giúp cơ thể người mặc tránh hấp thụ nhiệt. Đặc biệt, không nên mặc trang phục có gam màu đen, tím than và xanh đậm.
Đồng thời, nên tránh xa quần áo chật, bó sát vì chúng có thể chặn luồng không khí làm mát cơ thể. Quần áo rộng rãi giúp nhiệt thoát ra khỏi cơ thể nhanh và dễ dàng hơn.
Không uống rượu bia
Theo chuyên gia, uống rượu sẽ khiến cơ thể mất nước nhanh hơn khi trời nóng. Do đó, bạn phải liên tục bù nước nếu không muốn bị mất sức, sốc nhiệt.
"Không chỉ vậy, uống rượu còn có thể làm giảm khả năng phán đoán cơ thể của bạn. Khi điều đó xảy ra, bạn có thể bỏ lỡ những dấu hiệu của bệnh lý liên quan đến nhiệt độ cao trong người", bác sĩ Wafi Momin nói.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()