Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:37 (GMT +7)
5 gợi ý giúp cha mẹ khen ngợi con đúng cách
Thứ 5, 24/06/2021 | 09:56:13 [GMT +7] A A
Theo chuyên gia, khen ngợi là công việc khó khăn và khắc nghiệt bởi những đứa trẻ lớn lên trong gia đình mà những mặt tốt được đề cao sẽ có khuynh hướng đương đầu với thử thách cuộc sống tốt hơn.
Những bà mẹ thích chất vấn, so sánh
Như bao người mẹ khác, chị Liên rất yêu thương con gái của mình. Mỗi sáng khi tỉnh giấc, chị Liên gọi: “Dậy đi, Nhím! Con lại muộn học nữa bây giờ”. Nhím tự mình đánh răng, rửa mặt rồi buộc tóc và mặc quần áo nhưng chưa đi tất và mang giầy.
Thấy vậy, mẹ em nói: “Tất con đâu? Con định đi giầy không đi tất à? Nhìn con mặc quần áo kìa, quần hoa đỏ, áo xanh nõn chuối. Mẹ muốn con thay hết sau bữa sáng. Này, cẩn thận đổ cốc sữa. Đừng có rót tràn ra như con vẫn hay làm…”.
Mặc dù mẹ cảnh báo, nhưng Nhím vẫn đổ sữa sánh ra ngoài. Nổi đóa lên, chị Liên vừa lau vừa cằn nhằn: “Mẹ không biết phải làm gì với con nữa”. Nhím làu bàu gì đó một mình. “Gì hả?” - Mẹ chất vấn. “Lại làu bàu nữa rồi” - Nhím hoàn tất bữa sáng trong im lặng.
Sau đó cô bé thay quần áo, đi tất, lấy sách vở rồi rời nhà đi học. Chị Liên gọi với theo: “Nhím, con quên sữa rồi! Nếu cái đầu mà không lúc lắc trên vai con thì mẹ chắc con cũng để quên nó ở nhà luôn”. Trong khi Nhím quay lại lấy sữa và hướng ra cửa thì mẹ em lại nhắc: “Hôm nay đi học phải ngoan, tập trung nghe giảng đấy nhé”.
Mặc dù là cô bé khá ngoan, học giỏi, nhưng Nhím thường trầm lắng, tự ti trước đông người. Bởi lẽ, ngay từ trong gia đình, Nhím đã bị nghi ngờ về khả năng của mình. Mẹ Nhím hay so sánh con mình với bạn lớp trưởng năng nổ, hoạt bát, thường xung phong trong các phong trào của lớp.
“Con nhìn bạn Bông kìa, giá như con được một chút nhanh nhẹn của bạn ấy”. Chị Liên đâu biết rằng, mẹ Bông thường xuyên đề cao, khuyến khích những mặt tốt của con. Và đương nhiên, em có khuynh hướng cảm thấy tốt về bản thân hơn.
Những đứa trẻ có khuynh hướng đương đầu thử thách
Câu chuyện ở nhà Bông cũng diễn ra theo trình tự như ở nhà Nhím, tuy nhiên, mẹ Bông có cách làm khác với chị Liên. Điều đầu tiên Bông nghe mỗi sáng là: “6 rưỡi rồi, Bông ơi. Con muốn dậy ngay hay 5 phút nữa?”. Bông lăn lộn một vòng, vừa ngáp vừa lẩm bẩm: “5 phút nữa ạ”. Sau đó, em xuống nhà ăn sáng. Cũng như Nhím, Bông đã trang phục chỉnh tề, còn mỗi tất nữa thôi.
“Ơ, có đường rách ở váy con kìa. Con đứng im để mẹ khâu hay là con sẽ thay váy khác”. Bông ngẫm nghĩ một chút rồi nói: “Để ăn sáng xong rồi con thay quần ạ”. Xong rồi Bông ngồi vào bàn ăn, em cũng làm rớt một ít sữa xuống bàn.
“Giẻ lau ở bồn rửa bát đó con”, mẹ nói rồi quay sang chuẩn bị tiếp bữa sáng cho em. Bông lấy giẻ lau sạch chỗ sữa bị đổ. Hai mẹ con chuyện trò ríu rít trong khi Bông ăn sáng. Ăn xong, em lên nhà thay váy, lấy sách vở và rời nhà đi học… Bông quên mang theo sữa. Mẹ em gọi với theo: “Bông ơi, sữa của con”. Bông chạy lại lấy sữa và không quên cảm ơn mẹ. Mẹ Bông nói: “Hẹn gặp lại con chiều nay”.
Theo Adele Faber và Elain Mazlish (người Mỹ), hai chuyên gia nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực giao tiếp giữa người lớn và trẻ em, những đứa trẻ lớn lên trong gia đình mà những mặt tốt nhất của chúng được đề cao thì sẽ có khuynh hướng cảm thấy tốt về bản thân hơn. Chúng cũng có khuynh hướng đương đầu với thử thách cuộc sống tốt hơn. Đồng thời, có khuynh hướng tự đặt ra cho mình những mục tiêu cao hơn so với những trẻ không được tôn trọng ở nhà.
Người có giá trị
“Mỗi khi chúng ta bày tỏ sự tôn trọng đến cảm xúc của trẻ, mỗi lần chúng ta cho trẻ cơ hội lựa chọn, hoặc cơ hội giải quyết vấn đề là trẻ đều phát triển lòng tự tin và lòng tự trọng”, Adele Faber và Elain Mazlish nói.
Bên cạnh đó, khen ngợi sẽ giúp con cái xây dựng một hình ảnh tự nhận thức về bản thân chúng tích cực.
Hầu hết, chúng ta hay mau chóng chỉ trích nhưng chậm khen ngợi. Là cha mẹ, chúng ta phải có trách nhiệm đảo ngược lại cái trật tự này. Lòng tự trọng của con cái là thứ có giá trị vô cùng lớn, chúng ta không được bỏ lỡ cơ hội vun đắp lòng tự trọng cho con mình, lại càng không nên giao phó việc đó cho người lạ.
Tuy nhiên, nếu không biết cách khen ngợi, cha mẹ có thể khiến trẻ: Nghi ngờ lời khen; gây lo lắng, hoặc buộc trẻ phải tập trung vào những khuyết điểm của mình; lời khen cũng có thể gây đe dọa và dẫn tới sự khước từ ngay lập tức… Adele Faber và Elain Mazlish tư vấn: Cách khen đúng – lời khen hữu ích gồm hai phần: Người lớn mô tả sự công nhận những gì họ nhìn thấy/cảm thấy; Sau khi nghe lời mô tả, trẻ sẽ có khả năng tự khen chúng.
Ví dụ, thay vì đánh giá: “Bài thơ này hay quá. Con làm thơ hay tuyệt” (điều này sẽ khiến trẻ nghi ngờ “mẹ có nói thật không nhỉ?). Hãy mô tả: “Mẹ rất xúc động vì bài thơ về đại bàng của con. Mẹ thích nhất là câu…” (trẻ sẽ nghĩ: Mình có thể làm thơ hay. Ngày mai mình sẽ làm bài khác).
Theo ông Harry Trịnh - Chuyên gia huấn luyện và phát triển con người (Giám đốc đào tạo Công ty Giáo dục và Đào tạo True Success): Trong mọi trường hợp, chúng ta luôn phải nhớ là việc khen ngợi là để thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và là để trẻ tiến bộ hơn chính mình. Mọi việc khen ngợi thái quá, không đúng sự thật, không đúng thời điểm, khen gây hại về lâu dài cho trẻ cần được chấm dứt.
“Bên cạnh lời khen ngợi đúng thì cách khen cũng rất quan trọng. Người khen cần phải chân thành với trẻ, lời khen nên giản dị, chân thành, cách khen truyền tải được thông điệp yêu thương thì sẽ phát huy được hiệu quả. Ngữ điệu, ngôn ngữ cơ thể khi khen cần tỏ sự hài lòng, vui mừng, tôn trọng trẻ. Cách khen ngợi không chân thành, đôi khi sẽ trở thành sự chế giễu, làm cho trẻ cảm thấy thiếu tôn trọng, bị tổn thương và sẽ phản tác dụng” - Chuyên gia Harry Trịnh nhấn mạnh.
5 lưu ý cha mẹ khi đưa ra lời khen
- Lời khen thích hợp với độ tuổi và tầm hiểu biết của con.
- Tránh kiểu khen ngụ ý đến những khiếm khuyết hay thất bại trong quá khứ.
- Hãy cẩn thận, lời khen nồng nhiệt quá mức có thể can thiệp vào khao khát hoàn tất công việc của trẻ.
- Sử dụng lời khen một cách chọn lọc.
- Có thể đúc kết lời khen thành một từ. Ví dụ: Con nói con về nhà lúc 5 giờ và bây giờ là 5 giờ. Mẹ gọi đó là sự “đúng giờ”.
Theo giaoducthoidai.vn
Liên kết website
Ý kiến ()