Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:03 (GMT +7)
5 triệu chứng cảnh báo sỏi túi mật bạn cần biết
Thứ 4, 20/09/2023 | 14:09:47 [GMT +7] A A
Sỏi túi mật là bệnh phổ biến ở nữ nhiều hơn nam. Sỏi túi mật nhỏ thường không gây ra triệu chứng gì nên khó phát hiện.
Theo ThS.BS Hoàng Minh Đức, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, sỏi túi mật là những tinh thể rắn hình thành trong túi mật do sự mất cân bằng các thành phần trong dịch mật.
Sỏi có kích thước đa dạng, những viên sỏi lớn có thể gây tắc nghẽn con đường vận chuyển mật tự nhiên, dẫn đến nhiều vấn đề đáng lo ngại cho sức khỏe.
Trong một số trường hợp, sỏi mật liên quan trực tiếp đến các bệnh lý nguy hiểm như viêm túi mật, thủng túi mật, ung thư túi mật… Sỏi túi mật gặp ở nữ nhiều hơn nam và tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo tuổi.
Nguyên nhân gây ra sỏi túi mật?
Sỏi túi mật hình thành do những nguyên nhân sau đây:
- Dịch mật chứa quá nhiều cholesterol
Dịch mật tham gia hỗ trợ quá trình tiêu hóa đồng thời có khả năng hòa tan cholesterol. Tuy nhiên, sỏi có thể hình thành nếu cholesterol dư thừa không được hòa tan hết.
- Dịch mật chứa quá nhiều bilirubin
Các tình trạng như xơ gan, nhiễm trùng, rối loạn lipid máu có thể khiến gan sản xuất quá nhiều bilirubin, dẫn đến hình thành sỏi túi mật.
- Dịch mật cô đặc, tạo thành sỏi mật.
Triệu chứng của sỏi túi mật?
Theo BS Đức, sỏi túi mật kích thước nhỏ có thể không gây ra triệu chứng, rất khó phát hiện cho đến khi đi khám sức khỏe. Tuy nhiên, nếu sỏi kích thước lớn chặn con đường vận chuyển dịch mật tự nhiên, túi mật và tuyến tụy có thể bị tổn thương, gây ra các triệu chứng sau:
- Đau bụng trên rốn bên phải lan ra vai phải hoặc lưng.
- Đau thường xuất hiện sau khi ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, hay bị về đêm nhiều hơn.
- Vàng da, vàng mắt có thể gặp ở số ít bệnh nhân.
- Buồn nôn và nôn.
- Sốt, ớn lạnh, nước tiểu màu nâu nhạt.
Sỏi túi mật được điều trị như thế nào?
Hiện tại, có 2 phương pháp thường được chỉ định trong điều trị sỏi túi mật bao gồm:
- Điều trị nội khoa
Phương pháp điều trị nội khoa sẽ được chỉ định cho trường hợp sỏi túi mật nhỏ, túi mật không viêm, sỏi không kẹt cổ túi mật, không có các yếu tố nguy cơ gây viêm túi mật hoại tử…, người bệnh đang mắc bệnh lý nghiêm trọng, không thể can thiệp phẫu thuật.
Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh uống thuốc ursodiol NIH và chenodiol NIH (những loại thuốc chứa axit mật) để phá vỡ sỏi cholesterol kích thước nhỏ. Người bệnh thường phải dùng thuốc hàng tháng hoặc hàng năm để đạt hiệu quả cao trong điều trị.
- Ngoại khoa
Đây là phương pháp điều trị phổ biến đối với tình trạng sỏi túi mật. Trong quá trình thực hiện, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân. Sau khi cắt bỏ túi mật, dịch mật sẽ chảy ra khỏi gan qua ống gan và ống mật chủ, trực tiếp đi vào tá tràng. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật nội soi hay mổ mở để cắt bỏ túi mật.
Bên cạnh can thiệp điều trị y tế, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp hỗ trợ điều trị sỏi túi mật tại nhà như sau:
- Uống nước ép táo: Nước ép táo có thể làm mềm sỏi mật, từ đó đào thải ra ngoài một cách dễ dàng hơn.
- Uống/ăn hoa atiso: Atiso có lợi cho chức năng túi mật và gan.
- Dùng thảo dược kim tiền thảo: Cây kim tiền thảo có liên quan đến quá trình ức chế hình thành sỏi mật và làm mềm sỏi.
Các biến chứng sỏi túi mật
Sỏi túi mật nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng đáng lo ngại như:
- Viêm túi mật: Sỏi mật mắc kẹt ở cổ túi mật có thể gây viêm túi mật, xuất hiện với những cơn đau dữ dội kèm sốt.
- Tắc nghẽn ống mật chủ: Sỏi mật có thể làm tắc nghẽn con đường vận chuyển dịch mật từ ống mật trong và ngoài gan đến ruột non, gây vàng da, đau bụng, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng ống mật.
- Tắc nghẽn ống tụy: Ống tụy vận chuyển dịch tụy hỗ trợ tiêu hóa, có thể bị tắc nghẽn do sỏi mật, dẫn đến viêm tụy, gây đau bụng dữ dội. Trong trường hợp này, người bệnh buộc phải nhập viện thường xuyên để theo dõi và điều trị.
- Ung thư túi mật: Những trường hợp có tiền sử mắc sỏi mật sẽ đối mặt với nguy cơ ung thư túi mật cao hơn người bình thường.
Theo dantri.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()