Sĩ tử nên uống đủ nước, cân bằng dinh dưỡng, không dùng thực phẩm đóng hộp, giữ tinh thần thoải mái để tránh gặp rắc rối tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm khi thi.
Bác sĩ Hoàng Nam, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ăn uống lành mạnh tốt cho sức khỏe, nhất là với sĩ tử cần tập trung cao độ để có kết quả tốt. Sĩ tử nên lưu ý một số thói quen dưới đây để đường ruột khỏe, phòng ngừa bệnh tiêu hóa.
Cân bằng dinh dưỡng
Bữa ăn hàng ngày cho sĩ tử cần đảm bảo cung cấp đủ các nhóm chất bao gồm bột đường (60-65%), đạm (10-15%), chất béo (20-25%), vitamin và khoáng chất. Hạn chế thực phẩm ít dinh dưỡng cung cấp calo rỗng như bánh ngọt, thịt chế biến, kem, khoai tây chiên...
Sĩ tử nên ăn thực phẩm tươi sạch, chọn nguồn năng lượng tốt từ ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả, rau, đậu. Chế độ ăn giàu chất xơ giúp thúc đẩy nhu động ruột, giảm nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, trĩ hoặc viêm ruột thừa.
Uống đủ nước
Mất nước là nguyên nhân phổ biến gây táo bón. Để ngăn ngừa tình trạng này, các sĩ tử nên uống đủ khoảng 1,5-2 lít nước mỗi ngày, tăng lượng nước khi nắng nóng. Nên chọn nước lọc hoặc trà thảo mộc, các loại đồ uống không chứa caffein. Không sử dụng rượu, bia hay nước ngọt có gas vì các chúng không tốt cho hệ tiêu hóa, dễ gây khát và mất nước. Ăn rau, quả mọng nước cũng cung cấp nước cho cơ thể.
Hoạt động thể chất đều đặn
Tập thể dục thường xuyên tăng sức khỏe tổng thể và hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tối ưu. Thời gian thi cử dù bận rộn song các sĩ tử nên giữ thói quen ăn uống khoa học kết hợp với vận động vừa phải như đi bộ, đạp xe, chạy bộ chạy... Nhờ đó, thức ăn di chuyển qua hệ thống tiêu hóa dễ dàng hơn, hạn chế táo bón.
Tập thể dục còn có tác dụng chống viêm nhờ khả năng làm giảm các hợp chất gây viêm trong cơ thể và ngăn ngừa viêm ruột.
Không dùng thực phẩm đóng hộp
Đồ ăn đóng hộp và thức ăn chế biến sẵn chứa nhiều carbohydrate tinh chế, chất béo bão hòa và phụ gia dễ gây ra rối loạn tiêu hóa. Chất béo chuyển hóa có nhiều trong các loại thực phẩm này có thể dẫn đến viêm loét đại tràng nếu sử dụng thường xuyên và lâu dài.
Đồ uống đóng chai chứa chất làm ngọt nhân tạo làm tăng số lượng vi khuẩn có hại trong đường ruột, dễ gây đầy hơi, tiêu chảy.
Tập trung trong bữa ăn
Nhiều người trẻ có thói quen vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại dẫn đến ăn quá nhanh. Thời gian từ khi bắt đầu đưa thức ăn vào miệng cho đến khi não bộ tiếp nhận thông tin no khoảng 20 phút. Một bữa ăn quá nhanh chưa đầy 10 phút khiến cơ thể mất kiểm soát lượng thức ăn nạp vào trước khi não bắt được tín hiệu. Ăn quá nhiều và quá no là yếu tố nguy cơ dẫn đến đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu.
Mỗi người nên nhai chậm và tập trung thưởng thức bữa ăn. Khi nhai càng lâu, nước bọt tiết ra càng nhiều. Nước bọt hỗ trợ tiêu hóa một phần thức ăn trong miệng và trở thành chất lỏng giúp trộn thức ăn ởdạ dàytrước khi chuyển vào ruột non trơn tru, ngăn ngừa khó tiêu, ợ nóng. Nhai không cẩn thận làm giảm hấp thu chất dinh dưỡng. Trong khi đó, nhai chậm rãi còn hạn chế căng thẳng và bảo vệ hệ tiêu hóa.
Giữ tinh thần thoải mái
Căng thẳng liên tục ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý khi thi. Căng thẳng cũng là yếu tố gây ra các vấn đề tiêu hóa như loét dạ dày, tiêu chảy, táo bón và hội chứng ruột kích thích.
Trước kỳ thi, sĩ tử nên học cách kiểm soát căng thẳng thông qua các bài tập yoga hoặc ngồi thiền, nghe nhạc, đọc sách hoặc đi dạo. Các bài tập, vận động có tác dụng thư giãn đầu óc, cải thiện các triệu chứng ở người mắc hội chứng ruột kích thích vàrối loạn tiêu hóa.
Ý kiến ()