Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:11 (GMT +7)
6 thói quen làm tăng nguy cơ gout, cần thay đổi sớm
Thứ 3, 29/10/2024 | 15:29:07 [GMT +7] A A
Một số thói quen hàng ngày của bạn tưởng chừng vô hại nhưng có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu - nguyên nhân chủ yếu gây bệnh gout.
Gout là loại viêm khớp xảy ra khi các tinh thể axit uric tích tụ trong khớp, dẫn đến viêm. Tình trạng này dẫn đến đau dữ dội, sưng tấy, tấy đỏ và cảm giác nóng rát ở những vùng bị ảnh hưởng.
Trong khi ngón chân cái là khớp bị ảnh hưởng phổ biến nhất, bệnh gout cũng có thể tác động đến đầu gối, mắt cá chân và cổ tay.
Mặc dù yếu tố di truyền và tuổi tác đóng vai trò quan trọng trong nguy cơ phát triển bệnh gout, một số thói quen hàng ngày cũng có thể góp phần gây ra bệnh.
Ăn thực phẩm chứa nhiều purin
Theo Mayo Clinic, nguyên nhân chính gây ra bệnh gout là chế độ ăn giàu purin. Purin là hợp chất tự nhiên được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm khác nhau, bao gồm thịt đỏ, nội tạng, động vật có vỏ, tôm và một số loại cá.
Một số loại rau như rau bina, măng tây và nấm cũng chứa hàm lượng purin cao. Trong khi cơ thể cần purin, việc tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến tăng sản xuất axit uric, làm tăng nguy cơ bị bệnh gout tấn công.
Uống nhiều rượu bia
Tiêu thụ rượu có thể làm tăng đáng kể nồng độ axit uric. Rượu ức chế khả năng đào thải axit uric của thận, khiến axit này tích tụ trong máu. Hơn nữa, một số đồ uống có cồn, đặc biệt là bia, có hàm lượng purin cao. Uống bia rượu quá mức có thể gây ra các cơn đau do gout.
Thiếu hoạt động thể chất
Lối sống ít vận động có thể làm chậm quá trình trao đổi chất, ảnh hưởng đến khả năng xử lý và đào thải axit uric của cơ thể hiệu quả. Tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên như đi bộ, đạp xe hoặc bơi lội có thể cải thiện lưu thông máu và giúp thận loại bỏ axit uric dư thừa ra khỏi cơ thể.
Uống ít nước
Không uống đủ nước có thể dẫn đến nồng độ axit uric cao. Khi cơ thể bị mất nước, thận phải "vật lộn" để loại bỏ các chất thải, bao gồm axit uric, qua nước tiểu. Sự tích tụ này có thể dẫn đến sự hình thành các tinh thể trong khớp.
Duy trì độ ẩm thích hợp là rất quan trọng. Uống đủ nước không chỉ ngăn ngừa tình trạng mất nước mà còn làm giảm nguy cơ phát triển bệnh gout.
Ăn quá nhiều thực phẩm và đồ uống có đường
Ngoài thực phẩm có hàm lượng purine cao, tiêu thụ quá nhiều đường cũng có thể dẫn đến bệnh gout. Fructose, thường được sử dụng làm chất tạo ngọt trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống, có thể làm tăng sản xuất axit uric trong cơ thể.
Thường xuyên thưởng thức đồ ăn và đồ uống có đường tưởng chừng như vô hại nhưng theo thời gian, nó có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh gout, tiểu đường và các tình trạng khác.
Thức khuya hoặc ngủ không đủ giấc
Thời điểm ngủ là lúc các cơ quan nội tạng trong cơ thể bắt đầu quá trình tự phục hồi và đào thải độc tố. Tuy nhiên, thức khuya có thể làm đảo lộn đồng hồ sinh học của cơ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của gan và thận.
Thức khuya cũng gây ra sự chuyển hóa bất thường của axit uric trong thận và làm tăng axit uric trong cơ thể. Lượng axit uric trong cơ thể tăng cao dẫn đến bệnh gout.
Theo znews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()