Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:30 (GMT +7)
75% dân số thế giới sẽ sống trong nắng nóng chết người
Thứ 3, 20/06/2023 | 07:39:42 [GMT +7] A A
Các nhà khoa học đang gióng lên hồi chuông báo động cho sự sống còn của nhân loại vào cuối thế kỷ này.
Hiện tại, có khoảng 30% dân số thế giới đang phải đối mặt với những đợt nắng nóng có khả năng gây chết người từ 20 ngày một năm trở lên.
Các nhà khoa học cho biết, nắng nóng ngày nay giống như một vụ cháy rừng có tính lan nhanh và biến đổi khí hậu đang thúc đẩy sự lan rộng của sức nóng dữ dội này.
Nghiên cứu cảnh báo, trong trường hợp Trái Đất không giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính, đặc biệt là khí carbon dioxide (CO2) thì cứ bốn người trên thế giới sẽ có ba người có nguy cơ tử vong do nhiệt vào năm 2100.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Nature Climate Change hé lộ một con số đáng chú ý khác. Cụ thể, cứ hai người trên thế giới thì sẽ có một người có khả năng tiếp xúc với nắng nóng chết người, ít nhất 20 ngày một năm vào cuối thế kỷ này.
Đáng chú ý, vấn đề này vẫn sẽ xảy ra ngay cả trong trường hợp phát thải khí nhà kính giảm mạnh, nghiên cứu giống như một lời cảnh báo cho nhân loại về việc con người phải học cách thích nghi với nhiệt độ ngày càng cao trên hành tinh.
Tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư Camilo Mora, Đại học Hawaii (Mỹ) bày tỏ: "Sóng nhiệt ngày càng phổ biến trên hành tinh, nhưng thực tế xã hội của chúng ta không quan tâm nhiều đến những hậu quả nặng nề mà nó gây ra cho con người ở hiện tại và tương lai".
Trong quá khứ, vào năm 2003 tại châu Âu, một đợt sóng nhiệt lớn đã tấn công các quốc gia ở khu vực này khiến 70.000 người thiệt mạng. Con số tử vong cao gấp hơn 20 lần số người chết trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Hoa Kỳ.
Hay cuối tháng 5 vừa qua, hai quốc gia Ấn Độ, Pakistan ghi nhận hàng chục người chết vì nắng nóng với nhiệt độ đạt kỷ lục 53,3 độ C và tại Hoa Kỳ cũng đã xuất hiện các trường hợp tử vong liên quan đến nhiệt độ cao trong mùa hè.
Con số báo động
Nghiên cứu hé lộ, những người đang sinh sống tại các vùng nhiệt đới ẩm ướt có nguy cơ tử vong cao hơn khi nhiệt độ hoặc độ ẩm trung bình tăng nhẹ.
"Đặc biệt, sức nóng có thể gây chết người ngay cả khi nhiệt độ dưới 30 độ C, miễn là chúng kết hợp với độ ẩm rất cao", giáo sư Camilo Mora giải thích.
Theo giáo sư Richard Keller, Đại học Wisconsin (Mỹ), cái nóng giết chết nhiều người ở Hoa Kỳ cao hơn gấp 10 lần so với lốc xoáy hoặc các thảm họa thiên nhiên khác.
Trẻ nhỏ và người già là những nhóm người dễ tổn thương vì họ thiếu nguồn lực hỗ trợ và bị cô lập về mặt xã hội nhiều hơn.
Theo Richard Keller, trong đợt nắng nóng châu Âu vào năm 2003, đại đa số những người chết trong đợt nắng nóng ở Pháp là từ 75 tuổi trở lên và họ sống một mình.
Ngoài ra, nhiệt độ trung bình toàn cầu nóng lên còn dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng xã hội kéo theo số ca tử vong cao do đỉnh nhiệt.
Khu vực nào trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng?
Mặc dù nắng nóng không được coi là một vấn đề lớn ở Ấn Độ, Pakistan và các nước phía nam, nhưng các đợt sóng nhiệt chưa từng có hiện đang trở nên thường xuyên và dữ dội hơn ở những khu vực này do biến đổi khí hậu.
Trong những năm gần đây, hàng nghìn người đã chết vì những đợt nắng nóng ở Ấn Độ.
Một nghiên cứu gần đây khác được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances tiết lộ, sóng nhiệt đã làm gia tăng số người chết ở Ấn Độ gấp 2,5 lần so với khoảng thời gian từ năm 1960-2009.
Steven Davis, tác giả của nghiên cứu và là giáo sư tại Đại học California (Mỹ) cho biết sự gia tăng này là do biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, nhiệt độ trung bình của Ấn Độ chỉ tăng 0,5 độ C trong 50 năm qua, một mức tăng nhỏ hơn so với các khu vực khác trên thế giới.
Các phép đo nhiệt độ không khí bề mặt cho thấy sự nóng lên của Trái Đất là một độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, nhưng sự gia tăng này không được phân bổ đồng đều.
Đặc biệt, Bắc Cực đang trải qua mức tăng trung bình 2,5 độ C và vào tháng 11/2016, trên một phần lớn Bắc Băng Dương đã ghi nhận con số tăng kỷ lục là 20 độ C.
Steven Davis chỉ ra, nhiệt độ trung bình tăng nhẹ có thể gây ra hậu quả đáng kể ở các nước nhiệt đới, đặc biệt là đối với những người nghèo cực kỳ dễ bị tổn thương.
"Ở Chicago (Mỹ), mọi người có thể thoát khỏi cái nóng nhưng điều này không xảy ra với nhiều người nghèo ở Ấn Độ," Davis giải thích.
Theo ông, đây là tác động của biến đổi khí hậu trên thực địa và hiện nay chúng ta không có gì phải ngạc nhiên khi có khoảng 60 đợt nắng nóng chết người mỗi năm, nhiệt độ tăng khiến mọi người phải rời bỏ nhà cửa và di cư.
Giáo sư Camilo Mora kết luận: "Đối với sóng nhiệt, nó thường được phân chia thành hai cấp độ "tồi tệ nhất" đến "ít tồi tệ hơn" và nhiều người trên khắp thế giới đã phải trả hậu quả từ việc chúng ta không bảo vệ môi trường dẫn đến hành tinh bị tổn thương".
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()