Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 11/01/2025 07:53 (GMT +7)
8 dấu ấn sáng tạo kỳ quặc mà LG từng mang đến thị trường smartphone
Thứ 6, 08/04/2022 | 22:29:43 [GMT +7] A A
Khi còn tham gia thị trường smartphone, LG mang đến nhiều sự sáng tạo, nhưng không phải lúc nào cũng thành công.
Đã một năm kể từ khi LG quyết định rời khỏi mảng kinh doanh smartphone mà họ tham gia hơn một thập kỷ. Trong suốt thời gian tham gia thị trường, LG đã mang đến một số cải tiến ấn tượng trên sản phẩm của họ, bao gồm camera góc siêu rộng, chế độ video thủ công và điện thoại đầu tiên có màn hình cảm ứng điện dung.
Tuy nhiên, công ty Hàn Quốc cũng có một số sáng tạo không mấy thành công và đây là 8 dấu ấn sáng tạo kỳ quặc mà LG từng mang đến thị trường smartphone.
Điện thoại module
Với chiếc LG G5 ra mắt năm 2016, LG đã thực hiện thay đổi lớn so với những smartphone truyền thống của các hãng khác, công ty chuyển sang sử dụng thiết kế module. Phần dưới của điện thoại có thể kéo ra ngoài để thay pin, nhưng không chỉ có thể, chiếc điện thoại này còn mang đến nhiều điều khác nữa.
Người dùng có thể gắn một số module vào khe cắm này, chẳng hạn như tay cầm hỗ trợ chụp ảnh và DAC Hi-Fi. Đáng tiếc, số lượng module là không nhiều và LG nhanh chóng từ bỏ hướng phát triển này vì doanh số kém.
Các công ty khác, chẳng hạn như Motorola, cũng cung cấp smartphone module, nhưng tất cả đều chọn sử dụng nam châm thay vì cách trượt ra để thay thế module. Nhưng xu hướng này không kéo dài và ngày nay chỉ có dòng Fairphone tiếp tục sử dụng module.
Màn hình phụ
LG lần đầu tiên thử nghiệm màn hình phụ với V10 năm 2015, máy có màn hình nhỏ nằm tách biệt phía trên màn hình chính và có một số chức năng tiện dụng. V20 ra mắt năm 2016 vẫn được trang bị màn hình này. Các chức năng của màn hình này bao gồm hiển thị phím tắt ứng dụng, thông báo, lịch, điều khiển nhạc, tab trình duyệt, chữ ký, v.v.
Vào thời điểm phát hành G6 vào năm 2017, rõ ràng là LG đã nhận ra màn hình phụ không hấp dẫn người dùng. G6 đã ra mắt với màn hình tỷ lệ 18:9 mà không có màn hình phụ.
Tuy nhiên, ý tưởng về màn hình phụ vẫn còn được sử dụng đến ngày nay, nhưng khác với cách làm của LG. Ví dự chiếc Mi 11 Ultra có màn hình phụ ở cụm camera sau, giúp người dùng chụp ảnh selfie chất lượng cao với hệ thống camera mạnh mẽ, hay Z Fold3 có màn hình phụ tiện lợi để xem nhanh thông tin khi đang gập máy lại.
Công ty đã thử cách áp dụng khác vào năm 2019 khi ra mắt LG V50 với ốp Dual Screen. Ốp lưng đặc biệt này này chứa một màn hình khác, mang đến cho người dùng trải nghiệm giống như Surface Duo. Công ty đã tiếp tục cung cấp màn hình này trên G8X và V60.
Dự án smartphone hai màn hình cuối cùng của LG là chiếc Wing xấu số, được giới thiệu cuối năm 2020. Điện thoại có màn hình phụ hình vuông nằm phía dưới mà bạn phải xoay màn hình chính phía trên để nó hiện ra. Đây là một ý tưởng mới lạ, cho phép bạn chạy một ứng dụng trên mỗi màn hình (ví dụ: nhắn tin trên màn hình nhỏ và xem YouTube trên màn hình lớn).
Nút nguồn và volume ở mặt sau
Một sự đổi mới đáng nhớ khác của LG là quyết định chuyển nút nguồn và volume ra phía sau một số điện thoại. Công ty đã ra mắt cách bố trí này trên LG G2 vào năm 2013, với nút nguồn nằm giữa hai nút volume.
Đó là một ý tưởng khá tiện lợi và đã trở thành nét đặc trưng của những dòng G đầu tiên. LG tiếp tục sử dụng cách bố trí này cho đến LG G5 (2016), khi đó, công ty đã chuyển các phím âm lượng sang một bên nhưng để lại nút nguồn ở mặt sau và thêm cảm biến vân tay vào đó.
LG G7 cho thấy công ty đã chấp nhận thay đổi để phù hợp hơn với thị hiếu người dùng, tất cả các nút nguồn và volume đã được chuyển sang cạnh bên. Tuy nhiên, các nút nguồn và volume được bố trí phía sau vẫn là dấu ấn của LG trong nhiều năm.
Knock code
Khi xác thực sinh trắc học vẫn chưa phải tiêu chuẩn trên smartphone, các nhà sản xuất đã dựa vào mở khóa bằng hình vẽ hoặc mã PIN để giữ an toàn cho điện thoại, nhưng LG đã có một giải pháp thay thế khá kỳ lạ dưới dạng mã gõ.
Tính năng bảo mật này cho phép mở khóa điện thoại bằng cách chạm vào một số vùng nhất định trên màn hình theo trình tự. Không giống như các tính năng bảo mật bằng mã khác, knock code vẫn hoạt động khi màn hình tắt.
Knock code của LG nhanh chóng bị lu mờ sau sự xuất hiện của cảm biến vân tay, nhưng đó vẫn là một ý tưởng tuyệt vời vào thời điểm xác thực sinh trắc học không phổ biến hoặc không đáng tin cậy.
Màn hình cong theo chiều dọc
Màn hình cong là điều thường thấy trên các smartphone cao cấp - Samsung, OnePlus, Xiaomi và nhiều hãng khác sử dụng màn hình cong. Tuy nhiên, tất cả các điện thoại này đều có màn hình cong ở cạnh trái và phải. LG đã có một ý tưởng rất khác.
Chiếc LG G Flex có màn hình OLED cong nhẹ từ cạnh trên xuống cạnh dưới, mang lại cho chiếc điện thoại một vẻ ngoài độc đáo. LG tiếp tục sử dụng màn hình này trên G Flex 2 và G4, nhưng có độ cong ít hơn. Tuy nhiên, LG không theo đuổi công nghệ này quá lâu. Màn hình cong theo chiều dọc đã biến mất sau G4.
Hand ID
Đến năm 2019, ngành công nghiệp smartphone đã chấp nhận xác thực vân tay, mở khóa bằng khuôn mặt. Tuy nhiên, LG nhận thấy vẫn còn chỗ cho một loại xác thực sinh trắc học khác trên LG G8.
G8 đã giới thiệu công nghệ Hand ID, sử dụng camera 3D ToF và cảm biến IR ở mặt trước. Công nghệ này hứa hẹn sẽ đọc các tĩnh mạch trong lòng bàn tay của bạn để xác minh danh tính và mở khóa điện thoại.
Đáng tiếc, quá trình mở khóa diễn ra khó khăn và chậm chạp khi bạn phải từ từ hạ tay xuống điện thoại. Theo AndroidAuthority, tính năng này chỉ hoạt động khoảng 20% số lần sử dụng. Nói cách khác, không có lý do gì để sử dụng tính năng này vì đã có mở khóa bằng vân tay hoặc mở khóa bằng khuôn mặt 3D, cả hai đều nhanh hơn và chính xác hơn.
LG cũng sử dụng camera 3D ToF cho tính năng Air Motion, tương tự như những gì Galaxy S4 từng làm, bằng cách cho phép bạn tương tác với điện thoại mà không thực sự chạm vào máy. Nhưng công nghệ này cũng phức tạp như Hand ID, yêu cầu người dùng trước tiên phải giữ tay cách xa 10 cm và sau đó thực hiện thao tác xoay bàn tay cách đó 15 cm.
Loa “Boombox”
Loa Boombox ra mắt cùng với LG G7 ThinQ, chiếc điện thoại chỉ có một loa duy nhất dưới đáy, nhưng nó sử dụng không gian bên trong máy như một buồng cộng hưởng để tăng âm lượng khi điện thoại được đặt trên một hộp rỗng hoặc một bề mặt cứng.
Đó là một ý tưởng tuyệt vời và hoạt động hiệu quả trong thực tế, mang lại sự gia tăng đáng kể về âm lượng. Tuy nhiên, chất lượng âm thanh không thể tốt bằng loa stereo. Nếu tính năng này xuất hiện trên những smartphone cấp thấp vốn không được trang bị loa stereo thì có lẽ sẽ rất được hoan nghênh.
Mặt lưng tự phục hồi
Một chiếc điện thoại có thể tự xóa những vết xước nghe có vẻ giống như khoa học viễn tưởng, nhưng LG đã biến ý tưởng này thành hiện thực không chỉ một mà hai lần với LG G Flex và LG G Flex 2.
Công nghệ tự phục hồi của G Flex giúp các vết xước nhẹ từ từ biến mất trong khoảng thời gian vài phút. Công nghệ này đã được cải tiến trên G Flex 2, mất dưới 30 giây để xóa các vết xước nhẹ. Nó không hoạt động trên các vết xước sâu và hư hỏng nặng, nhưng chắc chắn đây là một tính năng giúp điện thoại của LG giữ được vẻ đẹp sau thời gian dài sử dụng.
Đáng tiếc là tính năng này không đi đúng xu hướng của ngành smartphone và đã bị loại bỏ.
Thật tiếc khi ngành smartphone đã không còn sự có mặt của LG, vì rõ ràng công ty không ngại thử những điều mới. Dù một số đổi mới có thể không thành công, nhưng cũng mang đến nhiều thú vị cho ngành công nghiệp di động.
Theo genk.vn
Liên kết website
Ý kiến ()