Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 07/01/2025 16:53 (GMT +7)
Bãi cọc Đồng Má Ngựa
Thứ 7, 13/04/2013 | 05:27:24 [GMT +7] A A
Nằm trong tổng thể Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng 1288, bãi cọc Đồng Má Ngựa (phường Nam Hoà, TX Quảng Yên) được phát hiện muộn nhất nhưng lại có vị trí quan trọng hé lộ những thông tin về dấu vết các dòng chảy cổ, những con tàu chiến năm xưa - điều đang được giới khoa học đặc biệt quan tâm. Bãi cọc cũng được công nhận là di tích quốc gia và địa phương tổ chức đón Bằng công nhận vào 15-4 này, nằm trong tổng thể dịp lễ trọng của Quảng Yên gắn với đón Bằng di tích quốc gia đặc biệt, kỷ niệm 725 năm Chiến thắng Bạch Đằng và tổ chức lễ hội Bạch Đằng 2013.
Bãi cọc Đồng Má Ngựa được khai quật năm 2010, nằm giữa khu vực nuôi trồng thuỷ sản và canh tác lúa của người dân. Ảnh: Nguyễn Văn Dũng (CTV) |
Bãi cọc Đồng Má Ngựa (nằm trong xứ Đồng Má Ngựa) được phát hiện từ năm 2005 khi người dân đào ao thả cá làm phát lộ cọc, nhưng đến 2009 mới được thăm dò khảo sát lần đầu tiên và khai quật vào năm 2010. Kết quả khảo sát cho thấy, bãi cọc được cắm trong lòng một nhánh của dòng sông Kênh cổ, nằm giữa các gò đất cao và gò đá thuộc khu vực làng Hải Yến (phường Yên Hải) và làng Hưng Học (phường Nam Hoà) ngày nay. Mật độ cọc phân bố không đều, độ cao của cọc cũng khác nhau phụ thuộc vào địa hình lòng sông, có chứa nhiều mảnh hầu, hà nhỏ. Ở đây, cũng là lần đầu tiên phát hiện hình thức cắm cọc thành dãy như tường thành dày đặc theo một hướng. Các cọc gỗ ở đây được chọn và cắm cọc rất đa dạng, từ lim xẹt, hoàng linh, chò chỉ, chò nâu, chẹo tía, giẻ đỏ...
Khu vực di tích là khu vực lòng sông cổ, qua khai quật cho thấy có thể xu hướng lòng sông có bờ cao dần về phía đông. Các mảnh gỗ vụn, vỏ cây và cành cây trôi dạt tạo thành lớp khá rõ. Về phía bắc ao nuôi trồng thuỷ sản, dấu vết của dòng chảy cổ xuất lộ ngay trong các cánh ruộng trũng, có thể ăn vào sông Cửa Đình trước mặt đình Hưng Học. Các lớp chứa vỏ hầu hà với một số loại hà sú ở phía trên, lớp dưới chứa các loại nhuyễn thể lớn hơn, một số thuộc loại hà cồn. Đây là một trong những minh chứng cho thấy môi trường từ ngập mặn chuyển dần sang nước lợ nhiều hơn do quá trình lòng sông bị bồi lấp dần dần.
Không giống với các bãi cọc đã được phát hiện trước, trong khu vực bãi cọc Đồng Má Ngựa đã phát hiện nhiều loại hình di vật gỗ, trong đó có một mái chèo rồi đồ kim loại, đồ gốm sứ, sành và gạch ngói. Trong đó, đáng chú ý có các mảnh sành sứ Việt Nam và sứ men ngọc Trung Quốc thế kỷ 13. Những hiện vật này không chỉ cho thấy khả năng nơi đây từng là bãi chiến trường ác liệt mà rất có thể, đây chính là “cái rốn” của dòng sông cổ, tức là nơi các hiện vật dưới dòng sông trôi về và tụ lại xưa kia. Ở cuộc thăm dò khảo cổ dưới nước do Tiến sĩ Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học) tiến hành cuối tháng 11-2012 còn cho thấy, ở độ sâu từ 1,6 đến 2,4m, nhiều mẩu gỗ chắc, mịn được phát hiện, một số mảnh có hình dạng được gia công, từ đây sơ bộ dự đoán có khả năng là các mảnh tàu đắm(!?). Những phát hiện này đã loé lên hy vọng sẽ tìm thấy ở đây không chỉ hệ thống các bãi cọc với những chiếc cọc gỗ lớn mà có thể sẽ thấy những mảnh gươm, đao hay xác những con thuyền chiến xưa kia, câu hỏi về di vật chiến trường Bạch Đằng đến nay vẫn chưa có lời giải.
Tuy có ý nghĩa như vậy, nhưng hiện nay toàn bộ khu vực bãi cọc phần lớn nằm trong diện tích ao đang được người dân nuôi trồng thuỷ sản và canh tác lúa. Đất đã giao cho người dân canh tác, việc mất mát có thể xảy ra. Và liệu có thể đảm bảo về môi trường nước trong sạch để duy trì sự bền vững của cọc; liệu các ao có luôn đầy nước sạch, ngập hết cọc, người dân có đổ rác, chất thải, nước thải sinh hoạt vào ao không là điều không ai dám chắc. Vì vậy, việc thu hồi diện tích nuôi trồng thủy sản nằm trong vùng bảo vệ của di tích này cần được làm sớm. Cùng với đó, hiện nay, đường ra bãi cọc mới chỉ là đường đất nhỏ, mọi người vì thế chưa biết đến di tích nên rất cần sự vào cuộc tích cực của cộng đồng, các đơn vị chức năng trong việc quảng bá, bảo vệ, giữ gìn để phát huy giá trị của di tích trong tương lai.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()