Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 06/01/2025 17:47 (GMT +7)
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long: Cần những cơ chế mới, đặc thù
Thứ 5, 13/12/2012 | 05:06:05 [GMT +7] A A
Vịnh Hạ Long (VHL) là di tích quốc gia đặc biệt, hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới và được bầu chọn là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới cần được bảo vệ vững chắc và lâu dài. Vì vậy, việc ứng xử và bảo vệ với kỳ quan là việc làm quan trọng, đòi hỏi cần có những chính sách, cơ chế đặc thù riêng biệt.
Cán bộ, công chức Ban Quản lý VHL tham gia dọn vệ sinh môi trường ở bãi tắm Soi Sim trên Vịnh. |
Thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của VHL luôn được Quảng Ninh coi trọng. Tỉnh luôn xác định, VHL là một tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người và vùng đất nơi đây, nếu môi trường VHL ngày càng sạch hơn, cảnh sắc của Vịnh ngày càng đẹp thêm, các giá trị của di sản được bảo vệ, thì việc khai thác về kinh tế thông qua các hoạt động du lịch càng có hiệu quả. Chính vì vậy, kể từ khi VHL được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (1994) cho đến nay, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Theo đó, các cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản từng bước được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện. Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động chuyên đề về VHL, trong đó có nhiều giải pháp quyết liệt và tích cực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nâng cao vị thế và sự hấp dẫn của VHL ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới VHL vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện. Cơ chế, chính sách một số lĩnh vực quản lý di sản còn chưa phù hợp và đồng bộ. Việc thực hiện triển khai thực hiện các văn bản quy phạm liên quan đến VHL còn chưa hiệu quả, triệt để. Mặc dù, thời gian qua công tác bảo vệ môi trường VHL đã được tăng cường, nhưng ý thức của một số bộ phận cộng đồng dân cư chưa cao, những vi phạm ảnh hưởng đến môi trường Vịnh vẫn còn tồn tại. Đối với công tác quản lý, giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dân cư nhà bè, tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn tình trạng nhà bè neo đậu không đúng nơi quy định, nhà bè mới phát sinh, bán hàng rong, hải sản trái phép gây mất an toàn, an ninh trật tự, ảnh hưởng tới mỹ quan, môi trường sinh thái, môi trường VHL… Những tồn tại này đã phần nào làm giảm đi tính hiệu quả trong việc bảo tồn, phát huy giá trị Di sản, chưa tương xứng với giá trị, tiềm năng thế mạnh của VHL.
Để khắc phục những tồn tại, nâng cao hơn nữa vai trò và hiệu quả quản lý nhà nước đối với di sản, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp, ngành và cộng đồng dân cư đối với việc giữ gìn, bảo vệ di sản; đồng thời tăng cường những giải pháp cụ thể để bảo tồn tốt các giá trị di sản, hoàn thiện triển khai quy hoạch đầu tư, tôn tạo, phát huy các tiềm năng thế mạnh của di sản một cách hiệu quả thì, cần phải có những chính sách, cơ chế đặc thù riêng biệt. Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ xem xét thông qua Nghị quyết v/v quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới VHL giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn đến năm 2020. Trong đó đưa ra những mục tiêu cụ thể, như giải quyết triệt để tình trạng đeo bám, bán hàng rong, ăn xin, cò mồi, ép giá đối với khách du lịch; năm 2013, trên 90% rác thải trên Vịnh được thu gom và đưa về bờ xử lý; đến hết tháng 6-2014 hoàn thành việc sắp xếp, di dời dân cư nhà bè sinh sống trên Vịnh, 100% các nhà bè nổi và các công trình nổi được phép hoạt động trên Vịnh phải sử dụng vật liệu bền vững, không gây ô nhiễm môi trường; năm 2015, 100% các nguồn gây ô nhiễm môi trường Vịnh được kiểm soát và xử lý; hoàn thành việc quy hoạch hệ thống cảng, bến tàu du lịch…
Với những mục tiêu cụ thể, cơ chế đặc thù, phù hợp với tình hình thực tế, đây sẽ là cơ sở quan trọng để VHL phát huy được vẻ đẹp kỳ vĩ của mình.
Minh Thu
Liên kết website
Ý kiến ()