Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 05/01/2025 05:50 (GMT +7)
Bắt đúng ’bệnh’ mới sửa được tật nói ngọng
Thứ 6, 25/11/2011 | 01:38:55 [GMT +7] A A
Nhiều gia đình đưa con đến viện nhất quyết yêu cầu bác sĩ cắt thắng lưỡi để chữa nói ngọng. Nhưng khi hỏi ra mới biết, khi nựng con bố mẹ hay nói "iu con nắm cơ" thay vì "yêu con lắm cơ", khiến trẻ bắt chước theo mà thành.
Thạc sĩ Hoàng Đình Ngọc, Phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương cho biết, trong trường hợp trên chính cách phát âm không chuẩn của cha mẹ khiến trẻ học theo, và nói ngọng chứ không phải do mắc bệnh. Việc cắt thắng lưỡi sẽ không thể giúp trẻ chữa nói ngọng được.
Thắng lưỡi là một màng rất mỏng ở phía dưới lưỡi, nếu ngắn quá sẽ khiến lưỡi khó cử động. Nhiều người quan niệm trẻ có thắng lưỡi ngắn, dính dây thắng lưỡi (lớp màng mỏng niêm mạc dưới lưỡi) nên nói ngọng. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng.
"Việc phát âm là sự cộng hưởng của nhiều bộ phận, từ khu vực tiếp nhận âm thanh (tai) cho đến các phần góp vào sự phát âm: miệng, lưỡi, răng, môi, thanh quản... Lưỡi quá to, quá dày, răng cửa trên bị khe hở... đều có thể gây ra lỗi phát âm", thạc sĩ Ngọc nói.
Cũng theo ông, ngạt mũi cũng làm biến đổi giọng của trẻ, nếu không điều trị ngạt mũi dứt điểm, trẻ nói giọng mũi thành quen, khó sửa. Việc cắt thắng lưỡi chỉ là một tiểu phẫu, song cần hạn chế tối đa can thiệp ngoại khoa vì vẫn ẩn chứa những rủi ro nhất định. Bên cạnh đó, không phải trẻ nào cắt thắng lưỡi xong cũng khỏi nói ngọng.
Thực tế, nhiều cha mẹ thấy con nói không được tròn vành rõ chữ nên sốt ruột đưa con đi chữa nói ngọng từ rất sớm, khoảng 2-3 tuổi. Chẳng hạn nhiều trẻ không nói được phụ âm "kh" nên "con khỉ, quả khế" đều đọc thành "con hỉ, quả hế". Tuy nhiên, việc này là không cần thiết, vì ở lứa tuổi này trẻ đang trong quá trình phát triển về âm, nếu được sửa trẻ có thể tự điều chỉnh nói cho đúng. Thường khoảng 5-6 tuổi, trẻ đã định hình cách phát âm.
Cũng về vấn đề này, Phó giáo sư -Tiến sĩ ngữ văn Phạm Văn Tình, Phó Tổng biên tập Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, nói ngọng là cách phát âm không bình thường so với cách cộng đồng vẫn nói. Có 2 dạng: nói ngọng sinh lý, cơ quan phát âm có lỗi bẩm sinh như ngắn lưỡi, đầy lưỡi... và nói ngọng mang tính xã hội, phát âm lệch so với chuẩn, nghe thấy lạ.
"Trong tiếng Việt hiên nay, cách viết (chính tả) thì tương đối thống nhất, còn cách phát âm (chính âm) thì chúng ta chưa có chuẩn, mà chia theo 3 vùng phương ngữ là: Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ, hình thành chuẩn ngôn ngữ của từng vùng. Bản thân mỗi vùng lại có cách nói mang tính bản địa khác nhau, ngay như Hà Nội, Hà Tây cũ cũng đã khác nhau", phó giáo sư Tình nói.
Chẳng hạn, như "vui vẻ", người miền Nam có thể phát âm thành "giui giẻ", Huỳnh Đức phát âm thành "Guỳnh Đức", miên man" thành "miêng mang"..., người Hà Nội thì không có thói quen đọc cong lưỡi để phân biệt phụ âm tr/ ch hay s/ x , r/d/gi. Trong khi người miền Nam thì đọc rất rõ. Đấy không gọi là nói ngọng.
Cũng theo phó giáo sư Tình, mỗi vùng đều có chuẩn ngôn ngữ riêng, nhưng có điểm chung là đa số chấp nhận cách nói nhầm lẫn giữa "l/ n" là nói ngọng. Khi có người nói "lập luận" thành "nập nuận", "xôi nóng" thành "xôi lóng", "Hà Nội ngàn năm" thành "Hà Lội ngàn lăm", người nghe thấy phản cảm, lạc lõng. Đó là những hiện tượng phát âm sai, phải có sự điều chỉnh lại cho phù hợp.
"Có những hiện tượng nói ngọng do thói quen phát âm, hay bị nhầm, người Trung Quốc hay một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam cũng nhầm hai từ này. Đây là thói quen không được sửa từ bé, có khi cả cộng đồng, 'cả làng nói thế' nên họ không hề nhận thức được là mình nói sai", phó giáo sư Tình nhận xét.
Ngoài lỗi này, một số vùng của Hà Tây còn bỏ thanh điệu huyền. Chẳng hạn, "con bò vàng" thì lại thành "con bo vang", "hiền lành" thì thành "hiên lanh"... Hay như vùng Hải Hậu, Nam Định thì phụ âm tr hay bị đọc thành t, "con trâu trắng" thành "con tâu trắng" thay s đọc thành th, "thái khoai" thành "sái khoai"... Đây cũng là một dạng nói ngọng.
Cũng theo ông, hiện chưa có chuẩn chính âm, nên nhiều người coi tiếng Hà Nội là căn cứ. Lý do không chỉ vì đây là thủ đô, mà tiếng Hà Nội "hội" được nhiều nét chung của các vùng miền hơn cả.
Để sửa tật nói ngọng, vai trò của nhà trường rất quan trọng. Trước hết phải để bản thân trẻ nhận thức được rằng cách nói đấy là sai, nghe buồn cười, phải tập phát âm lại nhiều lần để uốn nắn lại... Bên cạnh đó, cũng cần phải có sự phối hợp từ phía cộng đồng (gia đình, xã hội).
"Nếu chỉ cô giáo sửa lỗi ở trường thì chưa đủ nếu về nhà ông bà, bố mẹ không lưu ý sửa. Áp lực của cộng đồng nhiều khi rất lớn. Nó có thể làm mất đi các kỹ năng ngôn ngữ mà trẻ học được từ lớp học. Bởi cộng đồng mới là môi trường sinh ngữ chính của trẻ", phó giáo sư Tình khuyến cáo.
Theo VnExpress
Liên kết website
Ý kiến ()