Tất cả chuyên mục

Các ông bầu đã đề nghị giảm cổ phần của Liên đoàn bóng đá VN tại công ty VPF từ 35,6% còn khoảng 25%.
Ông Nguyễn Đức Kiên – đại diện các ông chủ bóng đá Việt Nam, trong buổi làm việc với VFF đã đề nghị tổ chức này giảm vốn góp vào Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Trong đề án ban đầu, VFF giữ 35,6% cổ phần nhưng theo đề nghị của ông Kiên, con số này giảm xuống còn khoảng 25%.
“Đề án thành lập VPF mà tôi trình bày về cơ bản đã được VFF thông qua. Cái khác có chăng chỉ là sự góp mặt của các đội hạng Nhất. Có 10 CLB hạng Nhất được tham gia VPF ngay từ đầu. 14 CLB V-League phải giảm vốn góp nhường cho 10 đội hạng Nhất. Về lâu dài, tôi đề nghị VFF giảm số cổ phần. Từ tỷ lệ 35,6% ban đầu xuống còn khoảng 25%. Nhưng việc này cần có thời gian”. Ông Kiên chia sẻ kết quả buổi làm việc với VFF.
![]() |
VFF và các ông bầu tranh luận quyền làm chủ V-League. Ảnh: An Nhơn. |
Phó chủ tịch VFF, Phạm Ngọc Viễn cho rằng, đề nghị của “bầu” Kiên là tất yếu bởi nó phù hợp với xu thế phát triển của VFF. “Ở tất cả các nước có nền bóng đá phát triển các Liên đoàn đều nắm giữ một lượng cổ phần nhất định khi công ty bóng đá chuyên nghiệp (tương tự như VPF) ra đời. Khi công ty đó phát triển đến một độ nhất định, Liên đoàn sẽ giảm số vốn xuống trả cho các CLB. VFF cũng làm theo cách này tức là giảm dần vốn ở VPF. Nhưng giảm bao nhiêu, giảm thế nào phải có lộ trình, thời gian nhất định”. Ông Viễn nói.
Theo đề án bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam, tới năm 2015 V-League sẽ được cải cách với số lượng các đội tham dự tăng từ 14 lên 16 đội. Sự góp mặt thêm hai đội bóng nữa khiến VFF sẽ phải chia sẻ lại phần của mình lại VPF.
Vấn đề mấu chốt còn lại hiện nay là những phản ứng đầu tiên từ phía các ông bầu đã dội ngược vào đề án mà VFF vừa ký với câu chuyện "tiếng nói của VFF tại VPF".
Tiếp theo phản hồi của ông Đoàn Nguyên Đức, tới lượt bầu Kiên kiên quyết giữ quan điểm độc lập cho VPF: "VFF không thể là cơ quan chỉ đạo VPF bởi Công ty hoạt động theo Luật doanh nghiệp. VFF chỉ là cổ đông sáng lập và có thể là cổ đông lớn nhất thì VFF có quyền cử các nhân sự đại diện tham gia phần vốn góp tại Công ty. Các nhân sự đó cùng với đại diện các CLB bầu tạo thành Hội đồng quản trị. Đại hội cổ đông là cơ quan quyền lực cao nhất của VPF chứ không phải VFF dù tổ chức này là cổ đông lớn nhất”.
Trao đổi với VnExpress.net, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói về mối quan hệ pháp lý giữa VPF và Liên đoàn: “Theo điều lệ của VFF được Bộ Nội vụ phê chuẩn thì thành viên của VFF bao gồm: các LĐBĐ tỉnh, thành phố, các CLB bóng đá chuyên nghiệp, hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, CLB bóng đá nữ, futsal…và BTC giải. VPF được thành lập để làm nhiệm vụ của Ban tổ chức giải nên VPF sẽ là thành viên của VFF”.
Trước đó, Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn giải thích: “VPF là thành viên không trực thuộc của VFF. Tính chất của VPF giống như một Công ty, chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ VH-TT-DL, quản lý về chuyên môn của VFF. Toàn bộ vấn đề chuyên môn của VPF, VFF có trách nhiệm quản lý, nhưng không mang tính chất quyết định vì còn có sự tham gia của các CLB. Các hoạt động kinh doanh của VPF tuân theo Luật doanh nghiệp
"VFF quản lý VPF về chuyên môn. Đó là điều tất yếu. Bởi VFF cần phải giám sát VPF đi đúng lộ trình, định hướng bóng đá chuyên nghiệp. Ví dụ như, các CLB phải trở thành doanh nghiệp hoặc chuyện hạn chế cầu thủ ngoại hay đòi hỏi các CLB phải có hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ…”, ông Phạm Ngọc Viễn nói.
Đồng thuận về vấn đề cổ phần, nhưng đến nay VFF vẫn chưa chấp nhận để VPF hoàn toàn độc lập theo quan điểm của các ông bầu.
Theo Vnexpress
Ý kiến (0)