Hoạ sĩ Nguyễn Hoàng hiện trú tại ngõ 4, khu Đồi cao văn hoá, phường Hà Lầm, TP Hạ Long là hoạ sĩ trưởng thành từ người thợ mỏ.
Ông vốn là công nhân Mỏ Than Hà Lầm (nay là Công ty cổ phần Than Hà Lầm) từ năm 1955 đến 1961. Là người có năng khiếu và yêu thích hội hoạ, ông thường xuyên được giao nhiệm vụ vẽ báo tường, khẩu hiệu, trang trí đại hội... Sau đó, ông được điều chuyển về làm việc ở Ban Thi đua tuyên truyền của Công ty rồi được đi học thêm một số lớp bồi dưỡng về hội hoạ.
Nguyễn Hoàng vẽ nhiều tranh với nhiều đề tài khác nhau, trong đó có tranh về Bác Hồ. Ông nhớ lại: “Tôi bắt đầu vẽ tranh về Bác Hồ từ năm 1964. Khi đó, tôi mới chỉ vẽ Bác Hồ từ những bức ảnh có sẵn. Thường thường, đó là những bức tranh khổ lớn được treo trong các kỳ đại hội, ngày lễ lớn của cơ quan, thị xã và tỉnh...”.
Bức tranh vẽ Bác Hồ lớn nhất được hoạ sĩ Nguyễn Hoàng vẽ có khổ cao 10m x 8m. Để vẽ được bức tranh này, người ta đã phải tạo một khoảng sân rộng, trên căng bạt dưới trải nền để ông vẽ. Bức tranh Bác Hồ ấy đã được treo trang trọng giữa TX Hồng Gai trong những ngày đất nước vừa thống nhất hai miền Nam - Bắc. Trong gần 3 năm, người dân Hồng Gai thời ấy ai đi trên đường cũng ngước nhìn bức tranh vẽ vị Cha già của dân tộc.
Năm 1972, hoạ sĩ Nguyễn Hoàng tham gia trại sáng tác ở suối Đồng Giang, huyện Hoành Bồ. Mỗi người đến trại sáng tác đều phải chuẩn bị sẵn phác thảo, ký hoạ cho bức tranh của mình. Nguyễn Hoàng băn khoăn lắm bởi ông chưa tìm được ý tưởng cho mình. Rồi ông chợt nhớ đến lần được vinh dự nhìn thấy Bác Hồ. Đó là Tết ất Tỵ 1965, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với nhân dân Quảng Ninh. Giữa sân Trường cấp 3 Hòn Gai rộng lớn, đúng vào sáng mồng một Tết, hàng nghìn người tập trung từ sáng sớm để một lần được nhìn thấy Bác, được nghe giọng Bác. Nguyễn Hoàng cũng đứng ở đó, cách Bác Hồ đến 100m, lặng người khi nghe giọng nói ấm áp của Bác vang lên... Ký ức ấy bỗng hiện lên trong ông, và ông quyết định sẽ vẽ một bức tranh về Bác với người dân Vùng mỏ. Nghe nhiều người kể về tác phong nhanh nhẹn, lối sống giản dị của Bác Hồ, Nguyễn Hoàng càng xúc động. Ông sang Bãi Cháy, đến tận nơi Bác Hồ đã nghỉ trong những ngày ở Quảng Ninh để thăm căn phòng Bác đã ở. Căn phòng đơn sơ với giường mây, ghế mây, bàn mây nhìn ra một khu vườn cây cối xanh tốt. Những người phục vụ Bác còn kể: Bác Hồ thường đọc báo vào thời gian rảnh rỗi, trong đó có Báo Quảng Ninh. Khi đọc báo, Bác thường cầm cây bút chì, đánh dấu vào những chỗ cần lưu ý... Tất cả những điều này gợi cho hoạ sĩ Nguyễn Hoàng một ý tưởng: vẽ bức tranh Bác Hồ đang ngồi đọc báo Quảng Ninh. Ông đã ký hoạ ở ngay căn phòng Bác đã ở và đăng ký đềtài này để hoàn thành ở trại sáng tác. Bức tranh sơn dầu Bác Hồ đọcbáo Quảng Ninh của ông đã ra đời như thế. Trong tranh, Bác cầm tờ Báo Quảng Ninh, tay phải cầm cây bút, đôi mắt chăm chú nhìn vào tờ báo. Sau lưng Bác thấp thoáng hình ảnh núi non xanh xanh của Vịnh Hạ Long. Trên chiếc bàn bên cạnh Bác là một lọ hoa đào rực rỡ. Hoạ sĩ Nguyễn Hoàng tâm sự: “Bác Hồ về Quảng Ninh vào mùa xuân, nghĩa là đem đến một mùa xuân đẹp cho nhân dân toàn tỉnh”. Những bông hoa đào là tượng trưng cho mùa xuân, cho niềm vui của nhân dân Quảng Ninh được gặp Bác. Bức tranh Bác Hồ đọc Báo Quảng Ninh của tôi được triển lãm ở Bảo tàng tỉnh, sau đó được Báo Quảng Ninh mua lại...''.
Bức tranh Bác Hồ về thăm công nhân mỏ than Đèo Nai.
Ngoài kỷ niệm về bức tranh Bác Hồ đọc Báo Quảng Ninh, hoạ sĩ Nguyễn Hoàng còn kể nhiều về bức tranh Bác Hồ về thăm công nhân mỏ than Đèo Nai ông vẽ vào năm 1982. Với chất liệu sơn dầu, Nguyễn Hoàng đã khắc hoạ hình ảnh Bác Hồ trong bộ quần áo ka ki giản dị đang nói chuyện với các anh chị em công nhân mỏ giữa công trường bộn bề xẻng cuốc. Hình ảnh Bác Hồ hiện lên vừa gần gũi vừa thân thương. Niềm vui được gặp Bác Hồ thể hiện rõ trên từng gương mặt mỗi người công nhân mỏ. Bức tranh này được chọn đi tham dự triển lãm ở Ba Lan. Tuy nhiên, sau đó do nhiều nguyên nhân, bức tranh mà hoạ sĩ đã dày công vẽ trong hơn hai tháng này đã bị mất. Rất may là hoạ sĩ Nguyễn Hoàng đã chụp ảnh bức tranh gốc để giữ lại. Sau này, ông có vẽ lại, tạo ra hai phiên bản mới. Hiện nay, một bức đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh, một bức được treo ở Bảo tàng huyện Yên Hưng.
Đến tận bây giờ, hoạ sĩ nguyễn Hoàng cũng không thể nhớ mình đã vẽ được bao nhiêu bức tranh, trong đó có bao nhiêu bức vẽ về Bác Hồ. Người hoạ sĩ đã qua tuổi ''thất thập cổ lai hy'', vẫn hàng ngày miệt mài sáng tác. Nhưng theo ông, những kỷ niệm về Bác Hồ, những bức tranh vẽ về Bác Hồ vẫn luôn là những kỷ niệm sâu sắc nhất và đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông...
Ý kiến ()