Tất cả chuyên mục

Cách đây dễ đã gần một năm, tôi tình cờ đọc trên báo thấy nói ở xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên) có thầy giáo Bàn Văn Ba đã 2 lần hiến đất (tổng cộng là 1.600m2) cho xã xây trường học và làm đường dân sinh. “Trong thời buổi “tấc đất tấc vàng” hiện nay lại có người “vô tư” đến vậy ư?” - Tôi tự hỏi và nhất quyết một lần về Hải Lạng thăm người đó xem sao...
Từ chuyện “ông khùng”...
Cứ tưởng với cái địa chỉ “vu vơ”, lại chưa quen biết nhau, chưa có số điện thoại của nhau để hẹn hò… mà đường đột lần tìm thì sẽ khó lắm; hoá ra mọi chuyện lại rất đơn giản. Vừa xuống xe khách ở ngã ba Hải Lạng, hỏi một bà bán nước, bà đã đon đả: “Thầy giáo Ba hả? Cả xã này ai chẳng biết ông ấy! Cô cứ theo con đường bê tông mới làm ấy, nhà thầy ở ngay cạnh đường, dễ nhận ra lắm!”.
Theo lời bà cụ bán nước chỉ, tôi tìm đến nhà thầy. Dọc đường, bọn trẻ thấy tôi hỏi thăm nhà thầy giáo Ba, cũng đi theo với vẻ vừa tò mò, vừa hào hứng. “Thầy giáo Ba bố thằng Nhân hả chị? Nhà thầy ở kia kìa…”. Dường như không phải chúng đang chỉ đường mà là đang “khoe” với tôi về thầy giáo Ba thì đúng hơn. “Thầy giáo Ba đã được chụp ảnh đăng báo rồi đấy chị ạ!” - Một đứa nhanh nhẩu nói. “Mày biết gì, tao còn nghe thầy phát biểu trên Đài truyền thanh huyện nữa kia!” - Đứa khác vặc lại, tỏ ra mình còn biết về thầy giáo Ba nhiều hơn. Tôi cảm thấy vui vui vì sự nhiệt tình của bọn trẻ…
![]() |
Thầy Ba và cậu con trai út Bàn Thế Nhân. |
Ngôi nhà nhỏ của gia đình thầy Ba nằm sát trục đường dân sinh thôn Thanh Hải. Một ngôi nhà cấp 4 đơn sơ; đồ đạc trong nhà cũng không có gì gọi là đắt tiền, nhưng được sắp xếp khá gọn gàng. Và đặc biệt, ở vị trí trang trọng nhất của gian giữa có treo 11 tấm bằng khen, nào là bằng khen học sinh giỏi của các con, rồi bằng khen gia đình hiếu học, gia đình văn hoá v.v.. Thấy tôi cứ ngó ngang khắp nhà, thầy Ba vừa pha nước (bằng bộ ấm chén cũ cọc cạch), vừa cười nhỏ nhẻ, nói như phân bua: “Nhà còn tuềnh toàng lắm! Vợ chồng tôi đã cố gắng lắm, nhưng cũng chỉ mới chồng được mấy viên gạch lên để ở tạm vậy thôi. Còn phải dồn tiền cho các cháu ăn học…”.
Tôi hỏi và được biết, vợ chồng thầy có ba con, 2 cô con gái đầu là con đẻ, còn cậu út tên Nhân (cái cậu mà bọn trẻ nhắc đến lúc tôi hỏi đường tới nhà thầy) là con nuôi. Cô chị hiện đang là sinh viên đại học năm thứ 2, còn cô em thì đang học lớp 9. Riêng cậu bé Nhân (tên đầy đủ là Bàn Thế Nhân) năm nay mới lên 5 tuổi. Trong lúc bố pha trà tiếp khách, Nhân cứ quấn lấy bố…
- Tôi nghe nói năm ngoái thầy đã hai lần hiến đất cho xã để xây trường học và làm đường dân sinh…? - Tôi gợi chuyện.
- Chuyện ấy có người đã đến đây hỏi rồi viết bài đăng báo rồi mà! - Thầy Ba cười, nói - Có gì để kể nữa đâu nhỉ? Thì xã dự định xây trường, đất nhà mình rộng nên mình ủng hộ. Đến khi xã làm đường, lại qua đất nhà mình, thì đương nhiên mình phải ủng hộ tiếp chứ sao?
![]() |
Điểm trường tiểu học ở thôn Thanh Hải (xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên) nay đã được xây dựng kiên cố, khang trang trên phần đất gia đình thầy Ba hiến tặng. |
Tôi bật cười bởi cái cách lập luận của thầy giáo Ba. Bởi tôi biết diện tích đất mà gia đình thầy tự nguyện hiến cho xã hội không nhỏ. Năm 2007, để xây dựng Trường Tiểu học ở thôn, thầy đã hiến hơn 900m2 đất; không lâu sau đó, xã làm con đường bê tông vào thôn Thanh Hải này, gia đình thầy lại hiến thêm 700m2 đất ruộng nữa. Cho dù giá đất ở đây không đắt đỏ như ở các đô thị, thành phố, nhưng chí ít với diện tích ấy, nếu chuyển nhượng cho người khác, cũng lên tới hàng chục, trăm triệu… Với một gia đình nghèo như nhà thầy giáo Ba, số tiền ấy là cả một tài sản không nhỏ. Thế nên có nhiều người anh em trong họ hàng bảo thầy: “Sao anh dại thế, nhà mình đã dư dả gì đâu!”. Thậm chí có người nói thẳng thừng là “-Đồ hấp! Đồ khùng!”...
Mặc dù vậy, thầy Ba vẫn làm theo ý mình. Thầy bảo: “Mình đã quyết định rồi là không tính toán, so đo cái gì nữa. Trường xây lên thì con cháu mình đi học đỡ khổ; đường làm ra thì nhà mình, con cháu mình cũng đi chứ có phải là chỉ cho người khác đi không thôi sao?”. Suy nghĩ của thầy chỉ giản đơn như thế, nhưng quả thực tôi nghĩ không phải ai cũng làm được như thầy.
Nhân nói chuyện hiến đất, thầy Ba tâm sự: “Sinh ra và lớn lên trên đất này, trước đây tôi đã phải học ở một ngôi trường rất tồi tàn, tranh tre vách nứa. Ngày nắng thì nắng rọi xuống đầu, ngày mưa thì phải chạy đi tìm một chỗ ngồi để không bị ướt. Lên cấp 2 được đi học ở trường chính, nhà cửa kiên cố hơn, nhưng lại ở xa, phải cắt rừng, cắt ruộng mà đi học. Khổ lắm. Mãi sau này, khi tôi tốt nghiệp trường sư phạm, được phân công về đây dạy thì trường vẫn như xưa. Từng là học trò, rồi sau lại là một giáo viên ở ngôi trường này, tôi thấu hiểu hết nỗi vất vả của con em khi đến trường học chữ. Vậy nên khi nghe thông tin Nhà nước đầu tư tiền xây trường, tôi rất mừng. Thấy nhiều lần cán bộ huyện, xã vào khảo sát tìm chỗ xây trường mãi vẫn chưa có mặt bằng, rồi nghĩ đến cảnh đi học ngày xưa, nếu giờ không có trường kiên cố thì con cháu mình lại khổ như mình, nhiều em lại phải bỏ học… Nghĩ vậy nên tôi bàn với vợ quyết định nhượng phần đất nhà mình. Vả lại tôi nghĩ nếu cứ dây dưa chuyện tìm mặt bằng, biết đâu trên thấy khó khăn mà rút dự án xây dựng ngôi trường ở thôn Thanh Hải này thì sẽ mất đi một cơ hội và con em dân Thanh Hải sẽ phải chờ đến bao giờ mới có trường học ngay gần nhà đây?.
“-Thế còn với chuyện hiến đất làm đường dân sinh thì thế nào, thưa thầy?” - Tôi hỏi. Thầy giáo Ba bảo: “Thì cũng thế thôi! Chủ trương xây dựng nông thôn mới của nhà nước là một cơ hội cho xã, cho thôn; nếu không giải phóng mặt bằng để làm thì chẳng biết đến bao giờ mới có đường tốt để đi. Mà không có đường thì làm sao bà con dân tộc ở miền núi mở mày mở mặt ra được?”.
Đến chuyện về cậu con trai...
Nếu việc thầy giáo Ba hiến đất xây trường học, làm đường dân sinh được mọi người trong thôn nhắc đến như là một tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, thì việc thầy nhận cậu bé, mà thầy đặt tên là Bàn Thế Nhân, làm con nuôi lại theo một hướng khác. Thầy bảo đây “trời cho” thầy… Thầy kể:
- Chuyện thằng bé này về nhà tôi cứ như là “cái duyên trời định” ấy. Tôi nhớ năm 2007, nhân chuyến đi công tác ở xã Hà Lâu, ngày chủ nhật tôi tranh thủ lên nhà bạn ở xã Đồng Văn (Bình Liêu) chơi. Anh bạn ở xã Đồng Văn kể có một gia đình người Dao trong xã mới sinh cậu con trai được 3-4 ngày, nhưng lại đang muốn tìm người để… cho con đi! Tôi ngạc nhiên quá. Người ta cầu mong có con còn không được, chỉ có những trường hợp “lỡ làng” thì mới làm liều vứt bỏ con đi thôi chứ. Đằng này, đây lại là hai vợ chồng có hôn thú đầy đủ, đã sống với nhau lâu rồi cơ mà? Vậy nên tôi cố dò hỏi, mới hay gia đình họ đã có 5 đứa con, trong đó có 3 cậu con trai rồi. Đến thằng Nhân (lúc ấy cháu chưa được đặt tên đâu) là đứa con trai thứ 4. Mà cô biết không, người Dao không muốn có nhiều con trai đâu. Có nhiều con trai thì sau này cưới vợ cho chúng tốn kém lắm. Bởi theo tục lệ của người dân tộc Dao Thanh Phán, nhà trai phải chịu mọi chi phí cho đám cưới, cả bên nhà mình và bên nhà gái, lại thêm sính lễ cũng khá nặng nề nữa… Trong khi đó, sinh con gái không những không phải lo gì mà còn “bán được tiền” ấy chứ”!”.
“-Nhiều khi những tục lệ lạc hậu vẫn đè nặng lên cuộc sống bà con người dân tộc ở miền núi như vậy đấy!” - Ngừng một lát, thầy Ba kể tiếp - “Với thằng bé Nhân hồi ấy cũng thế. Vì trên nó đã có nhiều anh trai rồi nên bố mẹ nó chán nản, bỏ mặc, không đoái hoài gì cả. Tội nghiệp thằng bé đói sữa khóc ngằn ngặt. Họ bảo sẽ không cho cháu bé bú để đến khi nào chết thì đem vào rừng chôn(!). Tôi nghe thấy thế xót xa quá, nên quyết định sẽ nhận đứa trẻ tội nghiệp này về nuôi. Lúc ấy không mang theo nhiều tiền trong người, tôi gửi lại cho gia đình mấy trăm ngàn đồng để người nhà họ mua thức ăn, quần áo và chăm sóc đứa trẻ. Khi thằng bé đầy tháng thì gia đình tôi lên đón cháu về...”.
Và ngày 5-2-2007, cậu bé chính thức được trở thành đứa con thứ 3 của vợ chồng thầy Ba với cái tên nhiều ý nghĩa: Bàn Thế Nhân. Thầy Ba bảo, thầy muốn đặt tên con như vậy để sau này thằng bé lớn lên luôn nhớ phải sống cho nhân đức, bởi con người ta cần nhất vẫn là chữ NHÂN…
Ngồi tiếp chúng tôi cùng với chồng, vợ thầy Ba kể: “-Thời gian đầu thằng bé mới về, cũng vất vả lắm. Cháu mới đầy tháng lại phải “nuôi bộ” nên không được như con cái nhà người ta. Trong khi đó, nhà có 5 miệng ăn mà chỉ trông chờ vào đồng lương giáo viên ba cọc ba đồng của anh ấy, với mấy sào ruộng. Đã thế, mấy năm đầu thằng bé ốm đau liên miên, tiền thuốc thang cũng tốn không ít. Tôi nhớ hồi đang làm nhà, hôm ấy cháu chơi một mình ở dưới bếp. Vì mải công việc nên không ai để ý, đến lúc thấy cháu nằm bẹp xuống đất, co giật, sốt cao, chân tay cứng đơ… Vợ chồng tôi hoảng hồn, vội vàng bế con chạy ra trạm xá, chân còn không kịp mang dép. Cũng may, vài năm trở lại đây cháu càng lớn càng ít ốm đau, có da có thịt hơn…”.
Tôi nghe vợ chồng thầy Ba kể, lại nhìn cảnh cậu bé quấn quýt bên bố mẹ mình, chợt nghĩ, đúng như thầy Ba nói, dường như giữa họ có một “mối duyên” nào đó thì phải. Vợ chồng thầy Ba mới chỉ có 2 cô con gái, giờ có thêm cậu bé nên “có nếp, có tẻ”… Còn cậu bé được về với gia đình này thì khỏi nói, cứ xem ánh mắt cậu nhìn bố mẹ thì biết…
Thay lời kết
Chia tay vợ chồng thầy giáo Ba trở về, nhìn ngôi trường học khang trang đang lùi dần phía sau và con đường bê tông phẳng lì từ thôn Thanh Hải ra trục đường chính phía trước, lòng tôi thật thanh thản, ấm áp. Cuộc sống dẫu còn nhiều vất vả gian khó, nhưng vẫn tươi đẹp làm sao! Bỗng dưng tôi thấy yêu hơn công việc làm báo. Bởi nhờ có nó mà tôi đã có dịp để được gặp, được tiếp xúc với những con người hồn hậu, tốt bụng và chân chất như thầy giáo Ba…
Phương Thuý - Trung Luận
Ý kiến ()