Tất cả chuyên mục

“Chát chình chình, bố thằng Ình, đi Liên Xô, trúng xổ số, mua ô tô…”. Giọng the thé của thằng Tũn ngân vang khắp xóm. Ê a nhấn nhá, ê a vung tay múa chân như người diễn tuồng trên ti vi. Đàn chó chỉ chờ có thế để sủa vang. Mà chả hiểu sao chó trong xóm ghét nó thế không biết. Cứ thấy bóng nó ở đâu là y như rằng có vài con chạy theo. Béc giê, kiến, Nhật, đến cả con phốc trụi lông, cụt đuôi, người chỉ bằng cái nắm tay cũng lăng xăng sủa.
Người nó đầy sẹo, riêng mông đã có ba nhát, toàn chiến tích những trận chinh chiến nảy lửa với bầy chó dữ. Bố mẹ luôn trong tâm trạng nơm nớp lo. Còn nó, nó vừa sợ, vừa mong bị cắn để được đến bệnh viện. Đến bệnh viện được mượn cái ống nghe của bác sĩ nghe tim, nghe phổi. Mượn cái mũ trắng của cô y tá đội vào soi gương. Cái mũ bằng vải đẹp hơn cái mũ ca lô gấp bằng giấy cô giáo dạy ở trường trong giờ thủ công.
“Nhà Tũn nghèo nhất xóm, chỉ mặc toàn quần áo vá”. Mấy bà ngồi buôn chuyện thấy nó qua y như rằng phải trêu, phải chọc. Nó tức chu mỏ chửi. Chửi chán lại chổng mông, chổng mông chán lại vạch chim tè ồ ồ. Thế mà mấy bà cũng chẳng chừa, cứ nhăn răng ra cười. Thua cuộc lủi thủi bước về. Suy cho cùng cũng chỉ tại mấy con chó. Chưa có bộ quần áo nguyên lành nào tồn tại được một tuần. Lâu nhất thì ba bốn ngày, không thì chỉ một hai ngày là tan. Ngày nào tắm cho nó mẹ cũng phải kiểm tra xem có vết răng nào trên người, vết rách trên quần áo không để còn vá.
“Dỉn dìn din…” cái động cơ mồm vận hành hết công suất, động cơ chân bắt đầu quay. Đích đến là quán nước bà Hô. Bà Hô có hàm răng chín sáu ba không chẳng giống ai ở cái xóm này. Hai cái trước cửa vều ra hứng mặt trời, những cái xung quanh nhảy tăng gô cái ngược cái xuôi. Vì thế bà hay cười, cười cả trong lúc mếu. Tũn yêu bà nhất, bà hay cho Tũn bim bim. Nhà chỉ có một mình, bà bảo thèm được vá quần áo cho ai đó.
- Chạy nào. Vụt…
Cái động cơ đoạn đầu vận hành tốt, đoạn sau ì ạch vì hết xăng. Đàn chó vẫn lẵng nhẵng đằng sau. Chúng chờ cái xe người dừng hẳn là lao vào xực. Con to nhất rình gặm tay, hai con bé hơn rình gặm chân, con phốc đứng ngoài sủa cổ vũ tinh thần. Công việc chiến đấu được phân công rõ ràng. Nhưng nay đàn chó không đạt được ý nguyện vì Tũn đã leo lên xe mẹ chỗ gần đầu xóm. Mẹ đi làm về sớm hơn mọi ngày.
Dưới ánh mắt trong veo của một đứa trẻ nhìn vào thế giới người lớn đầy phức tạp. Chiến tranh đã tàn phá từng thân phận người, huỷ hoại từng gia đình, chia cắt dân tộc... Chỉ với một truyện ngắn, tác giả trẻ Đinh Phương đã khắc họa rất sinh động đời sống của cả một xã hội Việt Nam thời chiến tranh... (Nhà văn Dương Hướng giới thiệu) |
Căn nhà bi bô tiếng trẻ con, đứa con gái nhìn thấy Tũn chạy tót vào. Chiếc ghế gỗ nhuốm màu thời gian in hằn hai con người ngồi đối diện nhau. Bố, người đàn bà lạ đều im lặng. Phía sau cửa, đứa con gái vừa chạy vào đang mân mê, ngắm nghía những hòn bi trong có múi khế đủ màu sắc: Xanh, đỏ, tím, vàng, ba màu,… Hòn bi không có màu đó là hòn bi chứa cả một thế giới bên trong mà bao lần trong giấc mơ Tũn đi lạc.
Mẹ dựng xe, trên tay là một bó những bó bông hoa vàng, cánh trắng chấm đỏ. Loài hoa hái vội nơi bờ ruộng ở tít tận xóm xa. Cái xóm ngoằn ngoèo mẹ đưa Tũn đi không biết qua bao nhiêu khúc quanh, bao nhiêu đoạn rẽ, đường từ nhựa sang sỏi đá, rồi đất. Vừa hái hoa vừa có cảm giác như bị ai đấy theo dõi, nhìn trộm.
Bạn Tũn không biết loài hoa ấy là gì. Mẹ cũng không nói. Vào cái ngày này trong năm, mẹ thường buồn buồn. Ánh mắt cứ thẫn thờ đặt vô định đâu đâu. Tũn phải tự tắm lấy, quần áo thay ra để trong chậu hôm sau mới bị kiểm tra. Đầu óc, người ngợm nhoe nhoét xà phòng mẹ cũng kệ. Mẹ trong hai tư giờ bị biến đổi hoàn toàn thành một người khác. Cái khăn có hình ông mặt trời đỏ cười xòa mẹ chấm mắt liên tục như có một đập nước chực bốc hơi khi người ta kéo nó trong cơn mưa đặt xuống giữa sa mạc nóng bức.
Người đàn bà lạ chào mẹ, đứa con gái chào mẹ, bố cũng chào mẹ. Cái vồn vã không tự nhiên. Có sợi dây nào đó vừa đứt, sợi dây nào đó vừa được nối lại. Những cái nhìn ngường ngượng, đau đớn soi vào bát hương nghi ngút khói. Người đàn ông trong tấm ảnh trên bàn thờ mím chặt môi như đang đau. Cái vết nhàu nơi khóe môi nhìn không kỹ tưởng chảy máu. “Ảnh cũng đau sao?”. Thằng Tũn giật mình vì đứa con gái bật ra câu hỏi giống ý nghĩ nó. Ba người lớn đứng như trời chồng giữa nhà, mấy chiếc ghế chỏng chơ vô tác dụng. Gió nồm ve vẩy, mơn trớn năm khuôn mặt và một bức ảnh. Li ti nước, li ti vết tàn nhang dưới mắt con bé gái giống bố.
“Loài hoa ấy tên là hoa Đốm Tử. Hoa chỉ nở khi hơi nước giăng đầy trời, chìa tay ra cũng vơ được nước vào. Cái thời của bà, của mẹ cháu lấy hoa ấy làm biểu tượng, làm nỗi đau. Giọt máu đầu tiên chảy trong đêm tân hôn, giọt máu thứ hai khi sinh nở, còn lại là những giọt máu cho sự chờ đợi mòn mỏi. Bà không có được đủ nguyên vẹn ý nghĩa của một bông hoa.
Khi gió Lào về xé nát bông hoa là ngày bà nhận được giấy báo tử ông ấy, cùng một ba lô, một quần đùi, một may ô. Bạn ông ấy bảo bộ quân phục của ông ấy được mặc cho thi hài cô y sĩ ở chiến trường. Bom tước đi sự sống, tước đi quyền làm đẹp của người phụ nữ khi đang tắm, lại tước thêm hình dạng của người lớn. Chết trần truồng như đứa trẻ sơ sinh. Bao đêm bà mơ thấy cô ấy không rõ mặt hiện về, mái tóc dài buông chấm gót. Con gái Việt thời chiến tóc ai cũng dài cháu ạ. Cô ấy cảm ơn bà, cám ơn bà đã chia cho cô ấy chút hơi đàn ông đầu tiên thời con gái”.
Bà Hô lại khóc, khóc mà như cười, nước mắt lăn nhanh theo những rãnh chân chim trên mặt. Vết thương mấy chục năm trời chưa bao giờ liền miệng lại tiếp tục chảy máu. Loài hoa Đốm Tử ác thế, buồn thế, đau thế.
- Thế bà sợ cô ấy không?
- Con gái thời chiến ai cũng là chị em của nhau. Chung nỗi đau, chung chồng, chung duyên phận. Cái giống đàn ông như dây leo, vòng quanh người này sang người khác không sao dứt ra được.
Đứa con gái đi theo Tũn khóc nấc lên. Bà Hô đang nói chuyện với hai đứa nó hay độc thoại với chính mình? Mái tóc bạc phơ của bà chẳng còn đủ dài, dày để vấn thành quả ổi bo trên đầu. Nó chỉ còn được một nắm xác xơ như râu ngô cuối vụ. Cây bàng trước quán trổ thêm một mùa lá mới bủa vây lấy tầng mái ngói cũ kỹ. Loài rêu mốc cứ hiên ngang tồn tại, dày thêm như minh chứng cho thời gian. Người đàn bà còm cõi trong cái góc quán mấy bước chân với vài chai bia, nước khoáng, bim bim, kẹo lạc… Giọt máu thứ hai cho loài hoa mọc trong mùa nồm vẫn chưa trọn. Tũn chạy vụt về nhà rút trong bó vài bông hoa mang ra quán cắm vào cái lọ màu đỏ sứt miệng để trên thùng mì tôm trong góc.
Mẹ thịt gà, xé măng, nhặt rau nấu nướng một mình dưới bếp. Bố và người đàn bà vẫn ngồi đối diện trên nhà. Hai ánh mắt tưởng như lơ đễnh, không chú ý đến nhau nhưng thật ra lại đang chứa cả thế giới rối bời trong đó. Họ kể về ngày xưa. Về cái thời dậy từ ba, bốn giờ sáng, xếp hàng dài mua mắm muối. Về tấm chăn tiết kiệm làm từ hàng vạn, hàng triệu mảnh vải con con. Về món cá biển kho mặn đi với hàng rổ cà chua trồng bờ rào. Cái thời con người sống chỉ quan tâm duy nhất đến miếng ăn.
Tũn đứng ngoài cửa sổ nghe lắc đầu, lè lưỡi tưởng tượng mình phải đứng dưới cái nắng hè như thiêu như đốt để tới phiên lấy được miếng thịt lợn toàn mỡ. Tưởng tượng mình phải ngồi hàng đêm dài dưới ánh đèn dầu để khâu từng mảnh vải bằng hai ngón tay lại với nhau để được một cái vỏ chăn chằng chịt không rõ màu sắc. Tưởng tượng mình moi mãi, moi mãi trong xoong cá kho to đùng để được một miếng cá ươn thấm đẫm màu đỏ cà chua. Cuộc sống người lớn sao mà khổ đến thế: Từ bà Hô, bố, mẹ, người đàn bà lạ… Đến như bức ảnh người đàn ông trên bàn thờ kia. Mồm thì cười mà cái nhìn như mếu cứ xoáy lấy tất thẩy mọi người. Cái tay ghế phía người đàn bà lại nóng rẫy đổ mồ hôi. Bên cạnh Tũn, đứa con gái cũng há hốc mồm nghe mẹ nó và bố Tũn nói chuyện. Cuộc đối thoại như đang cố che giấu đi điều gì đó lớn lao lắm. Từ dưới bếp vẫn vang lên đều đều tiếng mẹ băm thịt làm bánh đa nem. Mùi thức ăn, mùi bếp than, mùi hương trầm bay hoang hoải trong căn nhà nhỏ.
Trời đột ngột đổ mưa. Con đường trước nhà mới vài phút trước chỉ ẩm ướt nay biến thành vũng lầy lội. Xỉ than lót làm đường cũng vẫn trương lên vô dụng. Nhưng loài hoa Đốm Tử thì vẫn khô ráo. Từng cánh hoa trắng như hút vào hơi nước. Bề mặt thì khô, nhưng bên trong thì căng mọng như chực vỡ oà. Đốm đỏ to mọng như giọt máu ướt. Cảm tưởng động nhẹ là vỡ.
- Không vỡ được đâu cháu à. Nếu lấy tay bóp mạnh thì nước sẽ thoát ra theo hai bên mép chứ không bao giờ vỡ ngang.
Người đàn bà lạ bước đến xoa đầu, đặt tay lên vai Tũn khi thấy nó đứng cạnh bình hoa Đốm Tử bên cửa sổ nhìn ra đường. Mẹ cắm một ít lên bàn thờ còn lại để đấy, như để mọi người thấy sức sống mãnh liệt của loài hoa.
- Sao cánh hoa tưởng mỏng mảnh mà lại dai thế ạ.
- Cánh hoa là đôi mắt. Đốm đỏ là nỗi đau nén lại trong lòng. Khi nỗi đau quá lớn chảy thành nước mắt rồi lại sống tiếp…
Sao cái sự sống trong thế giới người lớn lại đau đớn đến thế. Người đàn bà vẫn đứng nhìn trân trân bông hoa. Gió tiếp tục tạt hơi nước vào. Cái chấm mắt vội vàng để thay bằng nụ cười buồn. Những cánh hoa mọng đón nhiều nước nhất đang thoát nước qua hai bên mép lá để đón đợt nước mới, nỗi đau mới.
Đêm. Người đàn bà lạ kể chuyện cổ tích. Cô Tấm, cô Cám từ ngày xửa ngày xưa hiện về trong ký ức. Con bé mở đôi mắt to đen dõi theo. Nó kể hay người đàn bà lạ kể? Trong sự chập chờn hiện diện của giấc ngủ Tũn vẫn thấy hai cô trong câu chuyện sao mà khác mẹ kể đến thế. Cô Tấm đi hỏi vợ cho chồng. Mênh mang miền ký ức.
Bầu trời mùa xuân ùn đầy mây của mùa đông đọng lại. Cái lạnh vẫn lởn vởn đâu đó chực xồ ra. Trên cành mầm non bắt đầu nhú cho mùa lá mới. Manh áo lính bạc phếch co ro bố khoác lên thân hình mỏng manh của cô Tấm không đủ ấm. Tiếng nấc vang lên từng chập cùng những giọt nước mắt rơi lã chã. Hai bàn tay chai sạn thừa thãi đặt thật xa nhau. Nỗi buồn đặt ở giữa không trung. Nỗi buồn luồn nhanh qua thân cây ngô đồng rồi quay ngược trở lại. Tấm nhắm mắt bước đi trên con đường dài vô định. Cái xóm nhỏ ngập trong gió. Gió cắt nhanh từng khoảnh khắc cuối cùng con người ta bên nhau, bên cái nghĩa vợ chồng. Ngày mai chẳng ai dám ra đường nữa. Giả dụ nếu có gặp nhau thì biết chào nhau như thế nào?
Đây đó còn những hố lồi lõm sâu hoăm hoắm. Bằng chứng của chiến tranh mà giặc Mỹ bay qua làng để lại. Chúng trút hết số bom cuối cùng mỗi chuyến xuống ngôi làng nhỏ bé để vượt bay về bên kia biên giới. Cũng trong một ngày như thế bố đi. Mang theo nỗi buồn nơi tim, nỗi nhớ và lo sợ nơi người ở lại. Cái trống trải vây lấp căn hầm trú ẩn nhỏ bé. Tấm đứng lên lại ngồi xuống thừa thãi. Tấm vẫn chưa biết mình mang một mầm sống trong bụng. Là đứa bé gái.
Bố đi mãi mà chẳng có tin tức gì. Những lá thư cứ bằn bặt ra đi mà không thấy lá nào ngược trở về. Cô Tấm tin người đàn ông của đời mình vẫn sống. Cái mầm sống trong bụng cô Tấm cứ lớn dần lên bằng tình yêu của bà con chòm xóm, bằng củ sắn, củ khoai, bằng hy vọng và bằng loài hoa máu.
Rồi bố cũng về, đứa bé vẫn ở nôi. Bố về cùng cô Cám, đứa bé trai. Chiến tranh đã qua đi. Người dân làng vẫn còn nghe thấy tiếng máy bay, tiếng kẻng báo động xa lắc đâu đó. Bữa cơm đầu tiên là sự tiễn biệt con gà mái mơ lông lấm tấm đen. Bữa cơm thứ hai là chú gà trống choai choai đang kỳ tập gáy. Bữa cơm thứ ba thì cô Cám ra đi. Đứa bé trai trên tay khóc ngất. Cám chuyển lên thị trấn sống với người bà con xa. Bố lặng nhìn hai mẹ con khắc khoải. Bóng người đàn ông trụ cột gia đình nặng nề in vào tường lưỡng lự.
Tấm vẫn chờ một kết thúc như trong chuyện cổ tích mẹ, bà và những người đàn bà Việt từ ngàn đời nay vẫn kể. Nhưng cái kết thúc ấy chẳng bao giờ đến. Cô Cám đi không đòi người đàn ông của cô Tấm nhưng người đàn ông ấy vẫn đi theo. Anh nợ một lời nguyền với chàng Thạch Sanh. “Tôi không trách gì anh đâu. Nhưng… nhờ anh bảo vệ, chăm sóc cho mẹ con cô ấy…”. Tờ thư lấy từ túi áo ngực thấm máu, dòng địa chỉ nhoè nhoè. Cái mũ ngụỵ chết tiệt đã làm tay anh nhuốm máu một người bạn cùng lý tưởng, cùng chiến tuyến. Ngày mai, ngày kia thôi sẽ giải phóng. Anh ta cũng có người mong ngóng ở một miền quê nghèo nào đó. Khẩu AK trên tay bỏng rẫy. Đó là một buổi chiều nhập nhoạng những ngày cuối cuộc chiến. Vẫn còn tiếng bom, tiếng pháo, sự xung phong, sự giãy giụa. Bầu trời phủ một màu nhầm lẫn. Đứng giữa lằn ranh không biết đâu là lối về. Chếnh choáng cảm giác ân hận.
Bữa cơm ăn vội. Năm người cắm cúi ăn, cắm cúi gắp, cắm cúi và đứng dậy. Ba người lớn sợ bắt gặp ánh mắt của nhau. Tũn đắn đo mãi không biết gọi người đàn bà lạ là cô hay là bác. Cô thì trẻ quá, bác thì già quá. Đứa bé gái tủi thân khi chứng kiến một gia đình đầy đủ có bố, có mẹ. Nên nó vừa ăn vừa lau dòng nước mắt lăn tăn chảy. Thức ăn thừa mứa sót lại, cái bàn uống nước đón trở về hai thân hình ngồi đối diện nhau. Mẹ bê mâm vào bếp…
Người đàn ông trụ cột gia đình lưỡng lự một đêm. Đấy là đêm dài nhất trong cuộc đời cô Tấm. Nó bằng cả quãng đời con gái cô chờ người đàn ông của mình. Nhưng rồi chẳng có ai nói với ai lời nào. Chỉ có tiếng tắc khắc khoải của thạch sùng, tiếng ú ớ gọi bố trong cơn mê của đứa bé gái. Bản quân hành người lính bay bay lại từ chiếc đài nhà nào đấy trong chương trình ca nhạc cuối ngày.
Em sinh ra đã không có bố. Mẹ chỉ tay lên tấm ảnh trên bàn thờ bảo bố hy sinh rồi. Hy sinh mà mẹ chẳng bao giờ thắp hương anh ạ. Chẳng có lấy ngày giỗ. Ngày thương binh, liệt sĩ cũng chẳng có cơ quan, đoàn thể nào vào thăm. Có lần em hỏi mẹ: “ Mẹ ơi! Thế bố theo giặc Mỹ hả? Sao con chưa bao giờ thấy bác thương binh, cô thanh niên xung phong nào vào nhà mình chơi thế”. Mẹ lúc ấy chỉ cười, cười mà như mếu bảo: “Bố con là lính Cụ Hồ mà. Ngày mai, các bác, các cô ấy vào chơi thôi”. Nhưng cái ngày mai ấy cứ xa dằng dặc, xa mãi…
Cuộc sống tĩnh lặng trôi qua. Em bám lấy căn nhà cố thủ, sợ ra đường bạn bè trêu. Ôm chặt bức ảnh vào lòng trệu trạo gọi bố ơi chúng nó bắt nạt con. Mẹ thì vẫn đều đặn ra ruộng lấy hoa về cắm trên bàn thờ. Suốt mười hai tháng chỉ một loài hoa ấy. Khi hoa khô, khi hoa tươi, không hương, không nước, không quả.
Đến đúng một ngày mẹ dẫn em ra ruộng để nhìn người đàn bà đi xe đạp mắt buồn, tóc dài vấn cao đến hái hoa. Đứa con trai đi cùng loi choi bước hụt vồ ếch không biết bao nhiêu lần. Chỉ nhìn thôi, rồi về mẹ khóc. Bông hoa trên bàn thờ trống đung đưa. Đúng ngày ấy mẹ bỏ tấm ảnh xuống, mẹ phút chốc biến thành người khác. Trầm ngâm, suy nghĩ mông lung đâu đó. Để mặc em thích nghịch gì thì nghịch.
Thi thoảng có người đàn ông đến gặp mẹ. Em không nhìn rõ mặt. Đến nhanh mà đi cũng nhanh.
Phòng bên có tiếng cục cựa, tiếng ho. Ánh đèn ngủ hắt qua hắt lại buồn bã. Bố, mẹ vẫn chưa ngủ, bức ảnh vẫn chưa ngủ. Không gian giăng đầy hơi nước. Họ lắng nghe câu chuyện từ phòng bên vọng sang. Rồi họ khắc khoải chờ sáng. Tũn bỗng thấy sao mình dường như lớn hơn. Để có thể nhận ra loài hoa Đốm Tử có hương.
Truyện ngắn của Đinh Phương
Ý kiến (0)