Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 04/01/2025 00:26 (GMT +7)
Khuyến khích, hỗ trợ khai thác hải sản trên các vùng biển xa: Để phát huy hiệu quả một chính sách
Thứ 5, 25/04/2013 | 05:17:44 [GMT +7] A A
Ngày 13-7-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ, khai thác, nuôi trồng thuỷ sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Riêng đối với khuyến khích, hỗ trợ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Quyết định này, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa đến được với ngư dân Quảng Ninh vì nhiều lý do, trong đó có lý do về một số điều kiện để được hỗ trợ đối với tàu khai thác và tập quán khai thác của ngư dân.
Tàu khai thác xa bờ QN90299 TS của gia đình ông Nguyễn Văn Khắc, xã Hạ Long (Vân Đồn) đã được UBND tỉnh phê duyệt để hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ. |
Những hỗ trợ cụ thể
Theo Quyết định 48, các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình khai thác, hoạt động dịch vụ khai thác trên các vùng biển xa (Hoàng Sa, Trường Sa, DK1) sẽ được Nhà nước hỗ trợ chi phí nhiên liệu đi, về của các tàu hoạt động trên các vùng biển xa tối đa 4 chuyến biển/tàu/năm với các mức hỗ trợ cụ thể.
Đối với tàu cá lắp máy công suất từ 90 đến dưới 150CV sẽ được hỗ trợ 18.000.000 đồng/chuyến; tàu cá lắp máy có công suất từ 150 đến dưới 250CV được hỗ trợ 25.000.000 đồng/chuyến. Tàu cá có công suất từ 250 đến dưới 400CV được hỗ trợ 45.000.000 đồng/chuyến. Riêng đối với tàu cá có công suất trên 400CV được hỗ trợ 60.000.000 đồng/chuyến. Cùng với chính sách hỗ trợ chi phí nhiên liệu, Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ còn quy định về việc hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm thân tàu; bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên; hỗ trợ kinh phí mua máy thông tin liên lạc cho tàu. Theo đó, hỗ trợ 1 lần cho 1 tàu mức 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu và thời gian thực hiện bắt đầu từ tháng 1-2011; hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm thuyền viên; 100% kinh phí mua 1 bộ máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị vệ tinh (GPS) phục vụ cho việc xác định vị trí tàu hoạt động trên biển và truyền thông tin từ tàu về bờ và ngược lại. Thuyền trưởng, thuyền viên và những người làm việc trên tàu được cung cấp miễn phí nước ngọt, dịch vụ y tế thông thường và chỗ ngủ khi lưu lại trên các đảo có các điều kiện cung ứng các dịch vụ trên.
Ngư dân hoạt động khai thác trên các vùng biển xa không chỉ được hỗ trợ kinh phí để phát triển sản xuất như trên. Quyết định này còn quy định về việc hỗ trợ khắc phục hậu quả đối với thuyền viên và tàu bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu hoặc bị đâm hư hỏng, chìm mất tàu. Cụ thể, đối với thuyền viên bị nước ngoài bắt, giam giữ sẽ được hỗ trợ 750.000 đồng/người/tháng kể từ ngày bị bắt giữ; hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng cho các đối tượng là con thuyền viên dưới 18 tuổi, những người thân khác (vợ, bố, mẹ, ông, bà) trên 60 tuổi hoặc mất khả năng lao động; hỗ trợ 100% chi phí mua vé phương tiện về Việt Nam. Đối với các chủ tàu có tàu bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu hoặc bị đâm hư hỏng, chìm tàu khi đang hoạt động trên các vùng biển xa sẽ được hỗ trợ để khôi phục sản xuất ở mức: ngoài số tiền được bồi thường bảo hiểm thân tàu còn được hỗ trợ 50% số tiền còn thiếu khi mua mới, đóng mới không quá 500 triệu đồng; được khoanh nợ, giãn nợ đối với khoản vay vào đầu tư đối với tàu bị bắt giữ, bị đâm hư hỏng. Trong trường hợp chủ tàu mất khả năng trả nợ có thể được xem xét xoá nợ; được ưu tiên vay vốn Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại để đóng mới, mua mới tàu cá và mua sắm ngư cụ sản xuất…
Thực tế ở Quảng Ninh
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai gần 3 năm, tuy nhiên đến nay các ngư dân Quảng Ninh vẫn chưa mặn mà với chính sách hỗ trợ này. Theo một số bà con ngư dân và ngành chức năng, tập quán khai thác và điều kiện để được hỗ trợ theo Quyết định là những trở ngại khiến cho chính sách này chưa đến được với bà con ngư dân. Ông Đỗ Đình Minh, Trưởng Phòng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản) cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 174 tàu khai thác tuyến khơi có công suất trên 90CV, trong đó có 163 tàu đã đăng ký song vẫn chưa có tàu nào được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù từ khi triển khai Quyết định, Chi cục đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền, phổ biến nội dung của Quyết định này tới đông đảo bà con ngư dân. Việc các chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa đến được với ngư dân một phần cũng do tập quán khai thác của bà con ngư dân Quảng Ninh có tàu công suất trên 90CV chủ yếu hoạt động tại vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ, chưa vươn ra khai thác xa hơn. Toàn tỉnh mới chỉ có tàu khai thác của ngư dân Nguyễn Văn Khắc, xã Hạ Long (Vân Đồn) có công suất 645CV hoạt động khai thác tại các vùng biển xa đã đăng ký tham gia và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1821/QĐ-UBND ngày 23-7-2012 song vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ.
Cùng với đó, các quy định về điều kiện để được hỗ trợ như: phải đăng ký thường xuyên hoạt động khai thác và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa với cơ quan quản lý nhà nước về thuỷ sản; có xác nhận tàu hoạt động khai thác hoặc dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa của đơn vị bộ đội đóng trên đảo gần ngư trường khai thác hoặc xác nhận vị trí hoạt động của tàu cá bằng hệ thống giám sát định vị vệ tinh (GPS) của cơ quan chức năng; ghi và nộp nhật ký khai thác thuỷ sản từng chuyến biển cho cơ quan quản lý nhà nước về khai thác thuỷ sản tại địa phương nơi đăng ký hoặc cư trú… cũng đang là vấn đề mà ngư dân Quảng Ninh chưa thực hiện tốt.
Quế Ninh
Liên kết website
Ý kiến ()