Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 07:30 (GMT +7)
Làm gì để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn?
Thứ 4, 24/04/2013 | 04:45:51 [GMT +7] A A
Không chỉ được biết đến là thành phố công nghiệp than, điện quy mô lớn nhất tỉnh, Cẩm Phả còn được nhắc tới là một điểm du lịch với khá nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng. Không hiếm những danh lam đã vượt xa phạm vi địa phương để trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, ngành Du lịch địa phương vẫn rất loay hoay để biến những tiềm năng du lịch trở thành lợi thế phát triển kinh tế.
Quá nhiều tiềm năng...
TP Cẩm Phả có tổng diện tích tự nhiên 48.645ha, vùng biển trải dài với hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ và có QL18A chạy qua dài gần 70km. Ngoài ra, thành phố này còn nằm tiếp giáp với những địa phương có ngành Du lịch tương đối phát triển như TP Hạ Long, Vân Đồn. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đã là một trong những điều kiện thuận lợi để Cẩm Phả phát triển thành một trung tâm du lịch sầm uất, là địa điểm nghỉ dưỡng, trung chuyển khách du lịch. Thêm nữa, TP Cẩm Phả còn được thiên nhiên ưu ái rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp mà ít có địa phương nào trong tỉnh có được. Đó là hệ thống núi đá, hang động hùng vĩ của Vịnh Bái Tử Long; là những bãi biển đẹp đẽ, nên thơ khu du lịch Vũng Đục, Cống Tây... Về du lịch tâm linh, đến với Cẩm Phả, ít ai có thể bỏ qua di tích lịch sử quốc gia đền Cửa Ông (phường Cửa Ông). Cùng với đó là hệ thống các công trình tín ngưỡng chùa, đền, đình mang nhiều giá trị lịch sử như chùa Phả Thiên (Cẩm Sơn), đình Cẩm Hải (Cẩm Hải), đình Quang Hanh, đền Diễn Vọng (Quang Hanh), đền Vũng Đục (Cẩm Đông)...
Vịnh Bái Tử Long - điểm du lịch hấp dẫn đối với khách tham quan. |
Du khách đến với Cẩm Phả còn có thể được tìm hiểu thêm về “cái nôi của người thợ mỏ”, tham quan các khu khai thác than lộ thiên như: Đèo Nai, Cọc Sáu, Cao Sơn, lò giếng đứng Mông Dương, nhà sàng Cửa Ông; hầm chỉ huy và trận địa pháo 37 ly (Cửa Ông)… Trong chuyến hành trình, du khách tiếp tục được khám phá nguồn tài nguyên có giá trị sinh học lớn đang được khai thác và sử dụng rộng rãi là các mỏ nước khoáng thiên nhiên (Quang Hanh). Khoáng nóng ở đây được coi là một trong những địa điểm tốt nhất trong cả nước vì có hàm lượng brôm cao kết hợp với nhiều loại vi khoáng có tác dụng chữa các bệnh viêm khớp, viêm cơ, cao huyết áp, tim mạch...
Nhưng chưa khai thác hiệu quả...
Với vị trí địa lý thuận lợi; hệ thống danh lam, thắng cảnh đẹp cũng như những di tích mang dấu ấn lịch sử quan trọng, TP Cẩm Phả có nhiều ưu thế để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực tế, doanh thu từ hoạt động du lịch ở TP Cẩm Phả qua các năm đã đạt được mức tăng trưởng nhất định. Theo ước tính, mỗi năm, thành phố này đón khoảng 85 vạn lượt khách tới tham quan, du lịch. Năm 2012 doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 1.452 tỷ đồng (tăng gấp 5 lần so với năm 2006). Mặc dù vậy, mức tăng này được đánh giá là vẫn còn quá thấp so với tiềm năng thế mạnh du lịch địa phương. Doanh thu từ du lịch vẫn chưa trở thành “đối trọng” đối với công nghiệp, dịch vụ tại địa phương.Nguyên nhân là do việc phát triển ngành này còn manh mún, thiếu tính quy hoạch ở nhiều khâu. Trong đó, đầu tư về hạ tầng du lịch là một trong những điểm trừ lớn cho ngành Du lịch Cẩm Phả. Cụ thể, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng trên 100 nhà nghỉ, khách sạn và nhiều điểm dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, cũng chỉ có 2 khách sạn tạm gọi là đủ tiêu chuẩn “sao” phục vụ khách du lịch là Việt Trung và Vân Long với tổng số 200 phòng nghỉ. Còn lại là các điểm ăn uống quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu người dân địa phương là chính. Do đó đã không “níu chân” du khách lâu dài. Ngoài cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ thì việc tuyên truyền quảng bá du lịch ở Cẩm Phả còn rất nhiều hạn chế. Theo thống kê của thành phố, trên địa bàn thành phố có tới 23 di tích văn hoá lịch sử. Trong đó có 3 di tích xếp hạng cấp Quốc gia nhưng chỉ có đền Cửa Ông vẫn duy trì tốt lễ hội hàng năm, còn lại, 2 di tích khác là di tích Ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai (nơi mở đầu cuộc tổng bãi công lớn của 3 vạn thợ mỏ) và di tích Cẩu Poóc tích 1 - Trận địa pháo cao xạ, Hầm chỉ huy của Công ty Tuyển than Cửa Ông vẫn chưa được nhiều người biết tới và cũng chưa có tour du lịch nào đưa di tích này vào hành trình tham quan cho du khách. Đối với việc khai thác du lịch từ các tuyến biển đảo, hang động - tạm coi là phát triển nhất tại Cẩm Phả hiện vẫn còn khá sơ sài, thiếu tính sáng tạo, chưa đủ hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.
Xây dựng và thực hiện quy hoạch
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát huy những giá trị di sản, di tích để trở thành nguồn lực phát triển ngành Du lịch, tăng thu cho ngân sách địa phương, thời gian qua, TP Cẩm Phả đã rất nỗ lực xây dựng các giải pháp cho ngành này. Một trong những giải pháp quan trọng nhất chính là việc tập trung nghiên cứu và quy hoạch ngành sao cho phù hợp với thực tiễn. Theo đó, trong nội dung của Quy hoạch tổng thể KT-XH thành phố đến 2020 và Quy hoạch chung xây dựng TP Cẩm Phả đã chỉ ra những việc cần làm, đó là: Phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại và du lịch kết hợp với các khu đô thị mới tại khu vực ven QL18; xây dựng và hoàn thiện mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là giao thông kết nối với QL18 và giao thông ven biển; xây dựng khu vực Vũng Đục và các đảo nhỏ thành một trung tâm văn hoá - du lịch biển tổng hợp là mục tiêu trước mắt nhằm khai thác thế mạnh về dịch vụ du lịch của thành phố...
Quy hoạch thì đã có, hy vọng rằng thành phố sẽ tích cực thực hiện các giải pháp trên để đưa Cẩm Phả có mặt trong bản đồ du lịch của du khách khi đến với Quảng Ninh.
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()