Tất cả chuyên mục

Minh Châu là một xã đảo cát thuộc huyện đảo Vân Đồn, chỉ cao hơn mực nước biển 3 mét, nên trông xa giống nửa viên ngọc nổi trên biển biếc. Từ cảng Cái Rồng ra Minh Châu đi bằng tàu thủy trên dải sóng nước Sông Mang - một eo biển Vân Đồn dài hai chục cây số. Hơn 700 năm trước, nơi này Trần Khánh Dư từng chỉ huy tướng sĩ và dân binh đánh tan tác đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, góp phần làm nên chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.
Hiện tại, xã có hơn 220 hộ dân, gần 1.000 nhân khẩu. Nghề chính là khai thác biển, đánh bắt hải sản. Khai thác con sá sùng trên 500 ha bãi cát quanh đảo cũng là một nguồn lợi đáng kể. Sá sùng là loại động vật biển sinh sản trong cát trắng chỉ thấy ở bãi cát Minh Châu - Quan Lạn, không dễ nơi đâu dọc bờ biển Việt Nam có được.
Ở Minh Châu cư dân còn truyền tụng một câu chuyện về hai con hổ: Ngày xa ấy trên đảo cát có một cặp hổ. Con hổ cái đến ngày trở dạ đẻ. Nó lăn lộn trên bãi ven rừng, gầm rung chuyển cả đảo cát. Con hổ đực cứ rối rít chạy xung quanh. May lúc đó, có một người đàn bà đi đào sá sùng dưới bãi nhìn thấy. Bà liều mình chạy đến xốc nách, lấy hết sức đỡ cho hổ cái đẻ. Hổ con chui ra, mẹ tròn con vuông. Hổ đực mừng quá, sụp xuống lạy, cõng bà về tận nhà. Hôm sau nó còn cõng tiếp một con lợn rừng đến trả ơn... Năm nọ qua năm kia. Thế rồi, mẹ con hổ cái không thấy đâu. Bị thợ săn bắt mất hay rơi xuống biển, không ai biết. Bỗng chiều 30 Tết, con hổ đực đến cửa đình làng, nằm phủ phục trên sân chắp hai chân trước vái lạy vào trong. Năm nào cũng vậy, cứ vái xong, hổ lại ra cạnh chiếc giếng, bây giờ vẫn còn bên gốc cây ba giăng, nằm ngủ. Người làng cho rằng đây là con hổ "Lộ Thiên", nên bàn nhau làm lễ, gieo quẻ xin Thần hoàng cho giết. Quẻ được. Biết là Thần ưng thuận yểm vào. Dân làng lúc đó mới kẻ giáo người mác mai phục và giết được con hổ. Nó không chống cự. Lúc chết, rõ ràng hai giọt nước mắt hổ trào ra. Người ta chôn nó trên sườn đồi, ngay cạnh giếng đình. Bây giờ đình không còn, đã bị phá từ năm 1956. Trên nền đình cũ chỉ còn ba cây ba giăng già phong phanh nắng gió. Về sau người ta xây ở đó một ngôi nhà làm Trạm Y tế xã Minh Châu.
Đời nhà Lý, Thương cảng Vân Đồn một thời hoàng kim của nước Đại Việt. Di tích Thương cảng vẫn còn bên khu Cái Làng - xã Quan Lạn. Ngày xưa ấy, chuồng hổ bày dọc lối xuống bến đợi bán cho thương nhân các nước... Có thể hai con hổ Minh Châu là hậu duệ thứ bao nhiêu của những con hổ thời bấy giờ xổng chuồng chạy ra?
Minh Châu có nhiều bãi tắm chẳng kém bất cứ bãi tắm đẹp nhất nào ở Quảng Ninh. Bãi tắm bên rừng Quốc gia có dải cát ti tan, có giếng nước ngọt ngay cạnh mép biển. Đang đi trong rừng trâm, bất ngờ bãi cát trắng hiện ra, dạt dào tiếng biển, đẹp đến sửng sốt! Trước mặt là sóng bạc đầu đuổi nhau. Sau lưng là những mạch nước ngọt trong cát từ rừng trâm ứ ra. Đi dọc làng, thỉnh thoảng vẫn gặp những chỗ như vậy, một bên nước mặn, một bên xanh mướt ao bèo. Hình như biển vỗ sóng chung quanh đảo ép cho nước ngọt trong ruột đất đùn lên? Hàng năm có vài nghìn lượt người đi du lịch đến tắm, nghỉ ngơi...
Chạy dài theo bãi tắm là một rừng trâm nguyên sinh.
Rừng trâm này dài rộng tới 14 ha, trải dài theo hình vòng cung và phủ gần kín cồn cát tương đối bằng phẳng của bãi biển Trương Nẹp. Đây chính là cái áo giáp lớn bảo vệ vành ngoài và tích nguồn nước ngọt cho đảo.
Chẳng biết rừng trâm có từ bao giờ, nhưng theo các bậc cao tuổi trên đảo truyền lại thì rừng trâm có cách đây khoảng 300 năm…
Rừng trâm tồn tại đến nay bởi dân Minh Châu coi loài cây này là "Thần Mộc" giữ làng. Thân cây trâm chỉ cao chừng 10m, mọc rất dày, bao đời nay đứng chắn gió cát, chắn sóng dữ của những trận bão biển gầm thét đe dọa xóm làng. Minh Châu còn có hẳn một truyền thuyết về rừng trâm kể về mối tình chung thuỷ giữa nàng Trâm và chàng Trương. Nàng Trâm ở nhà trông đảo, chờ đợi chàng Trương ra biển đánh giặc. Chàng đã dũng cảm hy sinh trong trận thuỷ chiến bảo vệ vùng biển quê hương. Nàng Trâm đau đớn khôn nguôi, rồi qua đời. Thần biển thương tình nhờ sóng đưa xác chàng dũng sĩ về với bãi biển. Một vị thần rừng đi qua nghe chuyện cảm động đã gieo xuống bãi cát những mầm cây xanh tốt mong che chắn cho hai linh hồn. Cây đó mọc lên đan bện vào nhau rất cứng cáp. Nơi đó chính là rừng Trâm. Bãi biển bao quanh ôm lấy rừng Trâm là bãi Trương. Ở đây có rất nhiều con nẹp, một loài hải sản thơm ngon, nên dân làng thường gọi là bãi Trương Nẹp.
Dưới thảm rừng trâm có rất nhiều các loài cây quý hiếm dùng để làm thuốc như cây bách bệnh, tắc kè đá, trầu biển hay cây cảnh quý như tùng la hán. Đặc biệt cây bách bệnh hiện đang được vườn quốc gia Bái Tử Long bảo tồn và gây giống, sơ chế rồi xuất sang Singapore điều chế thành thuốc Viagra, trị chứng yếu sinh lý của đàn ông. Vỏ cây trâm dùng làm thuốc nhuộm, quả cây là thức ăn cho các loài chim thú sống hoang dã trong rừng. Dân đảo còn ghi nhớ trận đói năm Ất Dậu 1945 và đặc biệt trận bão tháng 8-1948 từng tàn phá, tuốt trụi rừng trâm không còn một cành lá. Vậy mà rừng đã bật lên lại màu xanh tươi nguyên và đơm những mùa quả cứu dân đảo đỡ lòng qua những canh đói quắt queo..
Đây là rừng trâm duy nhất và lớn nhất còn lại dọc bờ biển Việt Nam. Điều đáng nói hơn là ít có nơi nào người dân lại có ý thức bảo vệ rừng như ở Minh Châu. Người dân và rừng trâm gắn bó với nhau như hai cơ thể sống khó tách rời. Cây bảo vệ cuộc sống cho người, người giữ gìn cuộc sống cho cây.
Một lý do khác khiến người dân Minh Châu ra sức bảo vệ rừng trâm vì họ hiểu rằng nếu rừng trâm bị chặt hạ thì cộng đồng cư dân ở đây phải trả giá bằng chính cuộc sống của họ. Bão cát sẽ trùm lên những ngôi nhà, những công trình dày công tạo dựng. Nghĩa là xóm làng có thể bị xóa sổ khỏi mặt đảo. Vì Minh Châu là một dải đảo trực tiếp đương đầu với biển cả và gió biển luôn đem cát từ khơi xa thổi vào. Rừng trâm không chỉ là chiếc áo giáp, một lá phổi xanh, mà còn là "nhà máy" thực vật chế tạo, tích nước ngọt và cả "phòng cơ" cho đảo!
Mặc dù trâm là loài gỗ tốt, chỉ đứng sau hàng "tứ thiết": Lim, gụ, trắc, sến. Nhưng hầu như không có người dân nào chặt trâm về làm nhà, hoặc sử dụng vào các việc khác. Phát hiện người nào có hành động làm hại đến rừng trâm là cả làng xã nhắc nhở hoặc lên án!
Vì luôn ở trong tư thế chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, nên những cây trâm ở đây giống như những cánh tay gân guốc của người dân chài Minh Châu thách thức trước biển cả, giữ bình yên cho đảo.
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, thực dân Pháp đã định khai thác quặng ti tan dưới rừng trâm. Dân đảo đã liều mạng cử người vượt biển vào đất liền, lên tận phủ Khâm sai Bắc Kỳ yêu cầu chính quyền thực dân và triều đình nhà Nguyễn không được khai thác quặng ti tan ở rừng trâm Minh Châu, khiến chúng phải kinh ngạc. Cuối cùng, với những lý lẽ sắc bén, những người dân vạn chài Minh Châu đã thắng. Rừng trâm không bị đào bới phục vụ cho việc khai thác quặng...
Dương Phượng Toại
Ý kiến ()