Tất cả chuyên mục

Từ bao đời nay, vùng biển Quảng Ninh vẫn tồn tại nghề đánh bắt hải sản thủ công. Dù đã chứng kiến bao phen ''giận dữ" của biển, nỗi vất vả khôn cùng của nghề chài lưới, nhưng bà con ngư dân vẫn bám vào biển, từ đời này sang đời khác. Nói như ngư dân Đỗ Văn Đon: ''Biển đã hóa nhà rồi!”...
Phải qua mấy lần hẹn, Đỗ Văn Đon (thôn 8, xã Sông Khoai 2, huyện Yên Hưng) mới thu xếp được cho tôi cùng anh một chuyến đi “săn” ghẹ. Người đàn ông có nước da đen sạm, mặt hơi rỗ vì nắng gió, trông già hơn so với cái tuổi 35 của mình, nói lý do: ''Phải đợi hết tháng ngâu, qua đợt biển động và thời tiết bất thường mới dám rủ nhà báo đi cùng đấy!''.
“Căn nhà” của vợ chồng Đon là chiếc thuyền nan lênh đênh trên biển.
Săn ghẹ trái mùa
Từ cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn), Đon đón tôi bằng chiếc thuyền mủng rồi chèo ra thuyền chính của anh đang neo đậu cách bờ vài chục mét. ''Căn hộ'' của vợ chồng Đon và đứa con gái nhỏ là 1 chiếc thuyền nan tre cỡ vừa có gắn máy, đoạn giữa kê 1 tấm phản có mui lợp là ''phòng'' ngủ vừa khít cho 3 người nằm, 2 ''gian'' còn lại dùng để làm việc và chứa đồ. Những người làm nghề chài lưới như Đon gọi đó là “nhà”, vì quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển, có đận 3, 4 tháng mới về quê 1 lần, thì cái phương tiện đi lại trên biển đã thực sự trở thành mái nhà gắn bó.
Rời cảng Cái Rồng ồn ào, ken dày tàu bè của những người làm nghề sông nước, chiếc thuyền máy hướng về phía đảo Bản Sen, một trong những điểm vợ chồng Đon đang kiếm sống với nghề lưới ghẹ. Tiếng máy nổ vang giòn vọng vào vách núi, khuấy động không gian tĩnh mịch của vịnh Bái Tử Long. Thuyền chạy mất 40 phút mới tới vùng biển thuộc xã đảo Bản Sen, huyện Vân Đồn. Mùa ghẹ bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6 (âm lịch), các tháng 8 đến tháng 11 cũng vẫn có nhưng ít hơn, đặc biệt là từ tháng 11 đến tháng 2 ghẹ không xuất hiện nữa mà nằm ếp xuống bãi. Đây là thời điểm ghẹ cái làm gạch (trưởng thành), nhưng ghẹ đực cũng theo đó mà ít xuất hiện. Theo quy luật này thì thời điểm chúng tôi đi là vào tháng 8 (âm lịch), không phải chính mùa ghẹ. ''Anh cứ chuẩn bị tinh thần nhé, có thể về tay trắng mà chẳng được con nào đâu!'' - Đon nheo mắt nói.
Đợi cho dòng nước chảy yếu đi, Đon bắt đầu thả lưới. Sang (vợ Đon) cầm lái, điều khiển thuyền đi chầm chậm ngược theo dòng nước chảy, để người chồng có thể ra lưới một cách đều đặn, nhịp nhàng. Tôi làm ''chân loong toong'', giúp Đon gỡ những mảng lưới rối trên thuyền. Lưới ghẹ không khác lưới cá nhiều, nhưng có đặc điểm riêng biệt là chỉ có 1 màn lưới (lưới khác thường có 2-3 lớp) và mắt lưới rất thưa. Cách thả lưới cũng không hề đơn giản. Nếu đi bằng tàu ván thì phải thả từ mũi tàu, nếu đi thuyền nan như vợ chồng Đon thì thả từ chỗ lái. Những người có kinh nghiệm thường đi ngược chiều nước để thả lưới, giúp cho lưới có độ chùng nhất định để giữ được ghẹ. Một tấm lưới dài khoảng 5.000 mét, chia làm nhiều đoạn trước khi thả, nhưng vẫn giữ liền mạch. Đon cho biết, làm nghề lưới ghẹ đòi hỏi sự nhanh nhạy và những mánh khóe riêng... Khi xác định được đoạn lưới đóng nhiều ghẹ, người đánh bắt phải tháo nút đoạn lưới đó kéo lên thuyền ngay, rồi nối đoạn còn lại với nhau tiếp tục thả xuống cho kịp canh nước. ''Người khác thường kéo đoạn lưới đó lên thuyền để gỡ ghẹ, rồi sau đó mới tiếp tục thả xuống. Làm như vậy mất thời gian mà không hiệu quả vì đàn ghẹ sẽ đi qua mất. Đó là sáng kiến của tôi đấy!” - Đon vừa thả mảng lưới cuối cùng vừa khoe với tôi...
Nắng đã chiếu những tia chói lọi xuống mặt nước, nhưng Đon vẫn nhìn thấy những miếng phao lay động. ''Đóng hàng rồi!'' - Miệng thốt lên, nhưng khuôn mặt thản nhiên như không. Anh vẫn ngồi yên, mắt nhìn chăm chú vào những miếng phao khác, như thể đã chắc chắn lũ ghẹ dưới nước kia là của mình rồi. Phải 10 phút sau, Đon mới kéo mẻ lưới đầu tiên. 4 chú ghẹ xanh đang giương những chiếc càng vụng về, như muốn cắt bỏ đám lưới đang bện vào thân chúng. Đon nhanh chóng gỡ ghẹ ra rồi lại thả lưới xuống. Anh nhoài người ra ngoài mũi thuyền, men theo dây lưới mà nhấc dần từng đoạn lên khỏi mặt nước. Chị Sang vợ anh đã có kinh nghiệm lái thuyền nên lúc nào cũng để khoảng cách đủ cho chồng với được lưới, không để thuyền vọt qua tấm lưới, cũng không để thuyền cách quá xa.
''Ghẹ mùa này không nhiều, mỗi ngày được khoảng 5-6 cân là may lắm rồi'' - Miệng nói tay gỡ, từng động tác của Đon thể hiện sự thành thục với nghề. Anh gỡ rất nhanh mà không hề để cho gai ghẹ làm rách lưới. Bàn tay đầy những vết sẹo cứ thoăn thoắt gỡ, dễ dàng như người ta bứt nấm vậy. Lứa ghẹ hôm nay vợ chồng Đon ''săn” được xếp vào ghẹ loại 1, vì hầu hết đều là con to (từ 2 lạng trở lên) và không bị gãy chân, càng. Các chủ bè thu mua hải sản của những người đánh bắt chia ra 3 loại ghẹ với các mức giá rất khác nhau. Với ghẹ loại 1 được trả 180.000 đồng/kg, ghẹ loại 2 thì được 80.000 đồng/kg, ghẹ loại 3 giá chỉ còn 40.000 đồng. ''Trước đây còn có loại ghẹ bầu (màu nâu, to và chắc hơn ghẹ xanh và ghẹ hoa), giá đắt gấp 3 lần ghẹ khác, nhưng bây giờ gần như không còn nữa'' - Đon nói. Vào mùa, cứ sau 2 ngày đánh bắt, vợ chồng Đon lại vào bè thu mua để bán ghẹ 1 lần, cao điểm có ngày bán được 2-3 triệu đồng. ''Những ngày này làm chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt thôi anh ạ! Có hôm còn âm cả tiền dầu nữa ấy chứ!'' - Sang nói vọng lên từ cuối thuyền...
Vợ chồng lão ngư Nguyễn Hữu Công đang xếp lại lưới, chuẩn bị cho chuyến “săn” ghẹ tới.
Nghề xưa còn đó
Trong lúc chờ đợi để kéo những mẻ lưới đầu tiên, Đon kể cho tôi nghe câu chuyện về những người làm nghề lưới ghẹ. Đon là đời thứ 3 trong gia đình làm nghề chài lưới. Trước đó thì không biết, nhưng cả ông bà nội, đến bố mẹ Đon đều gắn với cái nghề quanh năm lênh đênh trên biển. Mùa nào thức ấy. Đến mùa ghẹ thì rủ nhau đi lưới ghẹ, hết mùa thì lại chuyển sang đánh cá. Từ xưa đến nay vẫn vậy, chỉ khác là bây giờ có thuyền gắn máy, lưới không phải tự đan.
Đon nhìn ra khúc eo biển giữa 2 hòn đảo, nơi nước đang rút về nhập vào biển Đông, giọng chùng hẳn: ''Cái nghề cơ cực lắm, nhưng chẳng biết làm nghề gì khác. Lên bờ cứ thấy mình như người ngố, nghề gì cũng không thấy hợp''. Nói rồi Đon lại cười, lái câu chuyện sang một lão ngư cùng nhóm lưới ghẹ với anh, như để tự vấn an mình. Đó là ông Nguyễn Hữu Công, 65 tuổi, quê ở xã Phong Hải, huyện Yên Hưng. Dù bị teo chân từ nhỏ, ông Công cũng đã có 40 năm với nghề sông nước. Ngày bé thì theo các cụ đi biển, bờ sông bãi sú xỉa ngán, đánh hà, đến khi lấy vợ thì sắm 1 chiếc thuyền, rồi từ đó đến nay vợ chồng, con cái ông Công gắn với biển như cái nghiệp ''cha truyền con nối''. Tuy tàn tật, nhưng lão ngư Nguyễn Hữu Công lại là một tay “săn” ghẹ có hạng, được nhiều người cùng nghề như Đon kính nể. Trời phú cho ông cái đầu thông minh và đôi tay nhanh nhẹn, để bù cho đôi chân yếu. Ông Công có thể ''ngửi hơi'' được đoạn nào có ghẹ mà không cần thử lưới, lượng ghẹ mà vợ chồng ông đánh bắt được thường nhiều hơn những người khác. Vì vậy mà tuy không giàu với nghề đi biển, nhưng ông Công vẫn có nhà ở quê đàng hoàng...
Đánh bắt gần bờ từ khu vực Cẩm Phả đến Vân Đồn chủ yếu là ngư dân huyện Yên Hưng. Để có một chiếc thuyền gắn máy loại vừa, tối thiểu phải đầu tư 30 triệu đồng, thêm khoảng 10 triệu đồng sắm đồ nghề là có thể ''biển trời ngang dọc''. Phạm Văn Tùng (thôn Vị Khê, xã Liên Vị, huyện Yên Hưng) cũng có một ''mái nhà'' trên biển với người vợ và một con gái. Cách đây 8 năm, khi còn nghèo túng, Tùng phải vay mượn mãi mới đủ để sắm 1 chiếc thuyền nan và mấy nghìn mét lưới. Cặm cụi với nghề lưới ghẹ, vợ chồng Tùng dần trả được hết nợ, rồi lại xây được căn nhà mới vào năm ngoái, ngót trăm triệu đồng.
Vất vả, nhưng nghề đánh bắt thủ công vẫn tồn tại khắp các vùng biển Quảng Ninh giữa thời buổi kinh tế thị trường, một phần do không chọn được nghề nào khác, một phần muốn níu giữ cái nghề của cha ông để lại. Dẫu vậy mặc lòng, Đon đăm đắm nhìn cô con gái nhỏ đang chơi mấy thứ đồ chơi mà tôi mua tặng, hình như anh cũng không muôn nó nối cái nghiệp sông nước như cha thì phải...
Ý kiến (0)