Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 20/12/2024 11:44 (GMT +7)
Mộ thuyền và táng tục của người Việt cổ
Chủ nhật, 12/08/2012 | 05:28:54 [GMT +7] A A
Mộ thuyền là một hình thức an táng người chết của người Việt cổ. Gọi là mộ thuyền bởi người xưa dùng một đoạn thân cây được đục rỗng, hai mảnh ghép lại. Cho đến nay, ở Việt Nam đã phát hiện hai loại mộ thuyền, một loại huyền táng - để trong các hang đá cheo leo thuộc xã Suối Bàng, huyện Mộc Châu (Sơn La). Một loại là địa táng - chôn dưới đất, đã phát hiện được ở xã Châu Can, Phú Xuyên (Hà Nội), xã Việt Khê, Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), phường Phương Nam, Uông Bí (Quảng Ninh)…
Những năm còn công tác trong ngành văn hoá, người viết bài này đã nhiều lần được đi cùng TS Bùi Văn Liêm, một chuyên gia của Viện Khảo cổ học chuyên nghiên cứu về mộ thuyền và được anh kể cho nghe nhiều chuyện lý thú xung quanh loại hình di tích độc đáo này. Trong đó có chuyện khai quật các mộ thuyền ở xã Phương Nam mà anh là người chủ trì.
Ngược dòng thời gian, 20 năm trước, trong quá trình thi công đập Vành Kiệu thuộc xã Phương Nam (Uông Bí), những người công nhân thuỷ lợi đã phát hiện ra 7 quan tài hình thuyền ở dưới độ sâu 2,5m-3,5m. Các mộ thuyền này phân bố rải rác trên cánh đồng Cầu Đen, gần ngang cửa cảng Bạch Thái Bưởi. Đây là nơi sình lầy, hàng năm đến mùa mưa thường bị ngập lụt. Về hình dáng, các mộ thuyền cơ bản giống nhau, đó là hai nửa của một thân cây khoét rỗng ghép lại, hai đầu của tấm địa có tay khiêng, bốn góc quan tài có lỗ chốt, bên ngoài được đẽo gia công. Một trong các mộ thuyền còn nguyên vẹn cả tấm thiên và tấm địa có kích thước đo được là dài 2,15m, rộng 0,48m, sâu lòng (tấm địa) 0,41m. Tay khiêng dài 0,20m, rộng 0,08m, dày 0,04m. Trong quan tài, xương cốt còn khá đầy đủ. Tử thi đặt nằm ngửa, hai tay duỗi thẳng ép dọc thân, chân duỗi thẳng. Toàn thân người chết được bọc lớp vải thô, bên ngoài có lớp chiếu cói mỏng. Tay bên trái đặt một đục sắt, phần chân đặt một hòn đá to, bên trong quan tài còn phát hiện một mảnh gốm.
Quan tài hình thuyền phát hiện tại phường Phương Nam, Phương Đông (Uông Bí) năm 1992 (hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh). |
Cuối năm 1992, khi thi công đập Vành Kiệu sang xã Phương Đông, các công nhân tiếp tục phát hiện một mộ thuyền, cách khu mộ thuyền Phương Nam chừng 2km. Theo những người công nhân, khi phát hiện, mộ chôn ở độ sâu 1,7-2,2m, tử thi đặt nằm ngửa, chân tay duỗi thẳng, xung quanh xếp hiện vật. Quan tài mộ thuyền tìm thấy ở Phương Đông đo được chiều dài 3,60m (tính cả tay khiêng hai đầu). Tấm địa sâu 0,22m, tấm thiên sâu 0,13m. Bộ phận liên kết tấm thiên và tấm địa là đường mộng khớp chạy quanh mép quan tài. Di vật chôn theo người chết, đồ đồng có 2 chiếc nhíp, 4 chiếc rìu, 1 mũi tên, 1 giáo, 1 vòng tay, 1 muôi và 1 tấm che ngực hình chữ nhật dài 18cm, rộng 9cm, dày 0,4cm, có 4 lỗ buộc dây. Đồ sắt có 1 vòng tay. Đồ gỗ có 1 gối hình chữ nhật, 4 góc có lỗ. Đồ đá có một lõi vòng hình tròn. Với những vũ khí chôn theo, có ý kiến cho rằng người nằm trong mộ khi còn sống có thể là một chiến binh dũng cảm. Do được chôn sâu dưới đất sình lầy, có nhiều khí mê-tan, các vi khuẩn không xâm hại được nên các mộ thuyền đã tồn tại qua hơn 2.500 năm. Khi đưa lên khỏi mặt đất, thoát khỏi môi trường yếm khí, các quan tài này đã nhanh chóng nứt vỡ (giống như các cọc Bạch Đằng lưu giữ ở Bảo tàng Quảng Yên và Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh hiện nay).
Nghiên cứu các mộ thuyền phát hiện ở xã Phương Nam và Phương Đông (nay đều là phường), cũng như các mộ thuyền phát hiện ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Tiến sĩ Liêm cho rằng mộ thuyền là hình thức chôn cất độc đáo của nhóm người Việt cổ thời Văn hoá Đông Sơn (một nền văn hoá của thời đại Hùng Vương phát triển đến cực thịnh với sự phong phú các công cụ, binh khí, nhạc khí và sản phẩm khác bằng đồng) chuyên khai phá vùng đất trũng, khi đó còn lầy lội của đồng bằng Bắc Bộ và cửa biển. Người Đông Sơn quan niệm rằng chết là sự chấm dứt cuộc sống ở thế giới bên này và bắt đầu cuộc sống ở thế giới bên kia, nghĩa là người chết vẫn phải lao động, sinh hoạt và chiến đấu. Do vậy người Đông Sơn đều thực hiện táng tục giống nhau đó là chôn theo đồ dùng sinh hoạt, công cụ sản xuất và vũ khí. Những di vật này giúp chúng ta hiểu thêm được nhiều khía cạnh về đời sống xã hội của cư dân Đông Sơn của cả vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung, vùng Đông Bắc - cụ thể là Hải Phòng, Quảng Ninh nói riêng...
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()