Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 06/01/2025 20:16 (GMT +7)
“Những đứa con biệt động Sài Gòn”: Vẫn còn giản đơn, thiếu hấp dẫn
Thứ 4, 26/10/2011 | 15:09:31 [GMT +7] A A
Tính đến ngày 25.10, phim đã lên sóng 23/39 tập trên giờ “vàng” VTV1. Dù là thể loại phim chính luận, lại dựa trên nguyên mẫu của vụ án lớn Năm Cam, nhưng phim không gây được nhiều ấn tượng với khán giả cũng như thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Phải chăng loại phim “cảnh sát hình sự” phá án này ít hấp dẫn…?
Những cái tên của một thời, như Ngọc Mai, Tư Chung, Huyền Trang, Bé Ba... trong phim truyện nhựa “Biệt động Sài Gòn” cách đây hơn 20 năm, vẫn còn dư âm trong lòng khán giả. Bởi thế, phim truyền hình “Những đứa con biệt động Sài Gòn” (ảnh), ban đầu đã gây chút tò mò cho khán giả, nhất là khi nó được tác giả kịch bản Nguyễn Xuân Hải và tổng đạo diễn Long Vân cho biết phim được làm theo diễn biến của chuyên án Z5.01 với nguyên mẫu là ông trùm xã hội đen Năm Cam, cùng các đàn em Dung Hà, Hải “bánh”, Lâm “chín ngón”..., vụ án cách đây ngót 10 năm làm rung động dư luận không chỉ ở TPHCM.
Phim truyền hình “Những đứa con biệt động Sài Gòn”. |
Nhưng khi phim đã “đi” hết hơn nửa chặng đường, dư âm phim vẫn khá yên tĩnh. Phải chăng đề tài này đã hết “nóng”, hay vì phim không thật sự “hình sự” như mong đợi?
Nhân vật lớn, nhưng phá án nhỏ
Hết hơn 10 tập đầu, chỉ thấy xuất hiện các nhân vật thuộc “xã hội đen” như Bảy Xoài, Hai Quý, Phượng “đê”, Mộc “già”... hết trong nhà, lại ở vũ trường, quán bar, tiệm ăn... và “Những đứa con biệt động Sài Gòn”, hiện là các trinh sát an ninh, trinh sát hình sự của Bộ Công an, của Công an TPHCM đi trinh sát lớt phớt ở các tụ điểm ăn chơi...
Những “án” điều tra cũng lại quanh quẩn ở vũ trường, tiệm hớt tóc thanh nữ, đánh bạc, đá gà, thanh toán đồng bọn xã hội đen..., chưa thấy vụ nào lớn, vụ nào nổi để đúng tầm một chuyên án lớn.
Phá án cũng không có tình tiết tạo sự gay cấn. Từ việc giả làm khách chơi đột nhập động mại dâm trá hình đến việc đột kích vào vũ trường để tóm bọn buôn bán thuốc lắc đều rất dễ dàng. Những màn đấu võ thuật mang tính hành động cũng không nhiều và cũng đơn giản, nên xem không “đã” mắt.
Việc điều tra án cũng không tạo sự tò mò cho khán giả, bởi những chi tiết về nghiệp vụ khoa học hình sự ít được khai thác, vẫn còn những cách điều tra “thủ công” sơ sài... Lẽ dĩ nhiên có những kỹ thuật nghiệp vụ cần được giữ kín, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc thể hiện cách phá án giản đơn...
Hình tượng chiến sĩ an ninh, trinh sát của ta, trẻ, đẹp, được đào tạo chuyên nghiệp, thậm chí học ở nước ngoài, nhưng không có ai bộc lộ tố chất thông minh, sắc sảo, sự nhạy cảm cũng như “năng khiếu” phát hiện tội phạm của những trinh sát tài năng. Công nghệ kỹ thuật cao chưa được áp dụng trong trinh sát điều tra, vẫn có cảnh dùng ống nhòm lạc hậu quan sát sân nhà đối tượng xem người vào ra, rồi điện thoại từng cuộc báo cáo tình hình, nhận chỉ thị...
Về phía các nhân vật xã hội đen, người ta chỉ thấy lo tranh giành quyền lực địa bàn làm ăn, mà không làm rõ “ảnh hưởng” của chúng trong việc làm mất an ninh trật tự cho thành phố, để người dân ra đường phải nơm nớp bị cướp, bị đâm chém..., chưa thấy cái chết trắng do thuốc lắc, ma túy chúng buôn bán làm hỏng thế hệ trẻ, sự băng hoại về đạo đức, lối sống... Thiếu chất sắc sảo, hiểm độc của những tên tội phạm dày dạn kinh nghiệm từng trải sự đời...
Việc một số cán bộ cảnh sát đang dần bị sa ngã vì sự ngọt ngào của thế lực “đen” cũng không mấy thuyết phục. Vì yếu tố để họ sa ngã quá mỏng, hời hợt, không đáng để đánh đổi danh dự ngành và bản thân.
Thiếu tính bất ngờ!
Chỉ mới 23/39 tập phim, nhưng người xem có thể đoán ra kết cục của bộ phim. Chắc chắn Bảy Xoài phải trả giá đắt cho những chủ mưu giết người, buôn bán ma túy, hối lộ cán bộ nhà nước, nuôi dưỡng một đội quân lưu manh đâm thuê chém mướn, đòi nợ, cướp, trấn lột khắp thành phố và mở rộng trong một số thành phố khác.
Trước tiên hắn bị quả báo, cô con gái yêu bị hóa điên sau khi bị bắt cóc, gia đình xáo xác cảnh vợ lớn vợ bé, con trai thì cũng là một tên lưu manh vô học... Và chắc chắn là các chiến sĩ an ninh sẽ “hốt” trọn ổ cả băng đảng xã hội đen... Sẽ có cuộc rượt đuổi, truy bắt tội phạm, sẽ có màn đấu súng, đấu võ thuật, giải thoát con tin, sẽ có sự đổ máu hy sinh...
Vẫn là những kết cục có hậu, bọn xấu nhất định phải bị trừng trị trước pháp luật... Đành rằng kết thúc theo kiểu có hậu như vậy cũng không dở, nhưng sự hấp dẫn, bước ngoặt, tính hấp dẫn ở những khúc quanh phá án chưa được đầu tư thích đáng để buộc khán giả phải hồi hộp suốt bộ phim.
Làm sao để những bộ phim dựa trên những nguyên mẫu vụ án còn hấp dẫn hơn ngoài đời có vẻ như là thách thức khó vượt của các nhà làm phim VN. Trước mắt, phải chăng cần có một cách tiếp cận mới khi làm phim hình sự?
Theo Lao động
Liên kết website
Ý kiến ()