Tất cả chuyên mục

Các đình, chùa, miếu mạo là di sản văn hoá mà cha ông để lại. Những công trình này gắn liền với đời sống làng xã thời phong kiến của Việt Nam. Tuy nhiên, có thời các di tích đã bị đánh đồng với văn hoá cũ, cổ hủ, lạc hậu, vì vậy không ít công trình văn hoá tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh này đã bị phá huỷ một phần hoặc mất hoàn toàn dấu vết nguyên gốc, để lại những nuối tiếc xót xa cho hôm nay.
Dấu cổ còn lại
Biến cố xảy ra đối với các công trình tôn giáo, tín ngưỡng của Quảng Ninh dường như cũng có chung số phận với cả nước. Chiến tranh và những năm đầu kháng chiến chống Pháp, một số công trình di tích đã bị trưng dụng làm các công trình công cộng như trụ sở uỷ ban, trường học, trạm xá rồi bị phá hoại. Có thể kể đến các di tích như: Chùa Quỳnh Lâm, đình, nghè, chùa Quế Lạt ở Đông Triều, đình Phố Yên Hưng, đền Nguyệt Lĩnh ở Quảng Yên, đình Lộ Phong ở TP Hạ Long, đình làng Dạ ở Ba Chẽ, đình Lục Nà ở Bình Liêu, đình Đầm Hà ở Đầm Hà v.v.
Có một yếu tố khác nữa chi phối sự nhìn nhận và ứng xử của xã hội đối với các di tích chính là quan niệm về văn hoá cũ khi có một thời gian khá dài, sự tồn tại và duy trì hoạt động của các công trình này được xem là tuyên truyền cho văn hoá cũ, cổ hủ, lạc hậu cần phải “bài xích”. Cộng với sự khó khăn về kinh tế, tập trung cho lao động sản xuất, chính vì vậy, nhiều hoạt động tại các di tích đã dần mai một đi, nhiều công trình không được trùng tu, tôn tạo nữa cũng bị hỏng dần.
![]() |
Chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều) được trùng tu không theo quy mô, kiến trúc gốc của di tích. |
Phục dựng thế nào?
Thời gian sau này, khi những quan niệm về văn hoá cổ được nhìn nhận lại chính xác hơn, nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng đã được huy động để trùng tu, tôn tạo lại. Tuy nhiên, việc trùng tu với kiến trúc như thế nào mới là vấn đề cần bàn đến. Đơn cử như chùa Quỳnh Lâm mới được xây dựng lại hơn chục năm trở lại đây nhưng quy mô công trình cũng như kiến trúc đều chưa sát với công trình gốc như sử sách từng ghi lại. Hay như chùa, đình Quế Lạt đã lần lượt được phục hồi lại trên nền cũ vào năm 1992 và năm 2004 nhưng đều là công trình tạm, đình giống nhà hội trường, không đúng với kiến trúc đình làng truyền thống, chùa nay cũng đã xuống cấp, gỗ bị mối mọt, mái bị dột nát, tường bị nứt nẻ. Gần đây nhất, như đình Lộ Phong (TP Hạ Long) sau khi bị cháy năm 1957 và được xây dựng một ngôi đình tạm nhỏ để làm nơi thờ cúng, vừa qua, bà con 6 dòng họ gốc người Sán Dìu cùng với một số cá nhân, đơn vị trên địa bàn đã đóng góp để phục dựng lại trên nền cũ. Nhưng vì hạn chế về kinh phí nên ngôi đình mới cũng chỉ được xây bằng gạch, không theo như kết cấu gỗ ban đầu, chưa kể việc trang trí trong và ngoài đình thiên về màu sắc rực rỡ là chính. Hay như hai ngôi đình ở miền Đông là đình Lục Nà và đình làng Dạ dù được ngân sách đầu tư lớn, xây dựng chủ yếu bằng gỗ lim nhưng lối kiến trúc khá giống với ngôi đình truyền thống ở vùng đồng bằng của người Kinh cũng gây nên những cuộc bàn luận trái chiều khác nhau v.v.
![]() |
Đình Lộ Phong (TP Hạ Long) vừa được phục dựng chỉ bằng một phần công trình cổ với lối trang trí rực rỡ. |
Thực tế, không nhanh như bàn tay con người phá huỷ nhưng ngay bản thân các kiến trúc cổ cũng bị hư hỏng dần theo thời gian, cần được trùng tu. Vì vậy, nhiều di tích đã lần lượt được tu bổ, tôn tạo thời gian gần đây. Tiêu biểu nhất có thể kể đến như: Đình Phong Cốc, đình Trung Bản, đền Trung Cốc ở Quảng Yên, đình Trà Cổ ở Móng Cái v.v. Với những di tích đã xếp hạng cấp quốc gia, việc trùng tu, tôn tạo hay phục dựng đòi hỏi phải theo quy trình nghiêm ngặt nhưng với những di tích chưa hoặc vừa được xét công nhận là di tích cấp tỉnh thì còn nhiều bất cập. Như với việc xét xếp hạng di tích cấp tỉnh hiện nay căn cứ vào các giá trị lịch sử, văn hoá của di tích là chủ yếu; yếu tố kiến trúc gốc của di tích gần như chưa được bàn đến mà gần đây nhất như với trường hợp đình, nghè, chùa Quế Lạt (Đông Triều) hay đình Phố Yên Hưng (Quảng Yên) nêu trên là một ví dụ. Còn với những di tích chưa được xếp hạng thì việc này xem ra vẫn còn bỏ ngỏ, để cho cơ sở tự xoay xở. Vì vậy mà đơn vị nào huy động được nhiều kinh phí thì làm to và ngược lại. Kiến trúc di tích do vậy cũng mạnh ai nấy quyết, nơi là đình thời Trần, nơi lại bảo kiến trúc thời này công trình thấp nên làm theo kiểu đình thời Lê; thậm chí có nơi chỉ căn cứ theo lượng kinh phí, xây bằng gạch, trang trí rồng phượng, hoa lá chung chung...
Rõ ràng, các cơ quan quản lý cần có sự sát sao hơn với cơ sở trong việc trùng tu, tôn tạo các di tích để vừa đảm bảo quy định, đồng thời đưa di tích trở về với kiến trúc nguyên gốc, góp phần phát huy đúng giá trị di tích trong hôm nay.
Ngọc Mai
Ý kiến (0)