Tất cả chuyên mục

Tết Nguyên đán Tân Mão vừa qua, tại nhiều địa phương trong tỉnh, hiện tượng người dân, thậm chí một số cơ quan, đơn vị cũng treo đèn lồng tràn lan trước cửa nhà, dọc các tuyến phố đã gây ra những phản ứng trong dư luận nhân dân.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Tường, một nhà giáo về hưu cho rằng: Trong quan niệm, tín ngưỡng của người phương Đông, màu đỏ, ngoài sự tượng trưng cho may mắn còn có thể phòng ngừa, xua đuổi tà ma, nên người ta thường treo đèn lồng vào kỳ lễ, Tết. Tại một số nhà hàng, cửa hiệu kinh doanh người ta cũng thường treo đèn lồng để cầu may, nhưng đèn lồng ở đây được kết bằng những dải ruy băng đỏ. Những năm gần đây, cùng với xu thế mở cửa, hội nhập, chiếc đèn lồng đã thâm nhập vào xã hội Việt Nam và dần lan trong đời sống dân gian như một thứ mốt “thời thượng”, phô trương hơn là sự thể hiện đức tin mang nét văn hoá của người Việt. Nhiều gia đình coi việc treo nhiều đèn lồng như là để phô trương sự giàu có, thành đạt, vì vậy họ treo thành từng chùm trước cửa nhà, không để ý có phù hợp với cảnh quan xung quanh hay không. Theo tôi đèn lồng chỉ phù hợp với kiểu kiến trúc cung đình, chùa chiền, miếu mạo mang dáng dấp cổ kính, thâm trầm của người Trung Hoa, còn với các khu đô thị của chúng ta hiện nay, treo đèn lồng tràn lan như trên thật không phù hợp.
Theo quan sát của chúng tôi, một số địa phương có lượng đèn lồng treo khá nhiều là TX Cẩm Phả, thị trấn Mạo Khê (Đông Triều), TP Hạ Long. Đặc biệt, dọc các tuyến phố chính ở TX Cẩm Phả, thị trấn Mạo Khê (Đông Triều) và phố Kim Hoàn (TP Hạ Long) đèn lồng được treo chi chít, dây điện giăng như mắc cửi dọc hai bên đường tạo nên sự phản cảm. Tôi có anh bạn làm nghề hướng dẫn viên du lịch kể, dịp Tết vừa rồi anh đã phải mỏi mồm giải thích cho một số du khách đến từ các nước châu Âu thậm chí cả du khách người Nhật về sự “thông thoáng cởi mở” của người Việt. Té ra mấy ông khách du lịch Tây cứ ngỡ các khu phố treo đèn lồng đó là “phố đèn đỏ” công khai nên cứ đòi dẫn vào…
Anh Nguyễn Văn Hiệp, một người dân ở khu chùa Long Tiên, phường Bạch Đằng (TP Hạ Long) cho biết: Phố anh cũng có nhiều nhà treo đèn lồng, nhưng gia đình anh kiên quyết không treo, vì theo anh vừa lãng phí vừa phô trương không đúng kiểu. Anh cho biết, một chiếc đèn lồng có giá bán khoảng 80 nghìn đồng cộng với bóng điện, dây dẫn, công lắp đặt thì tổng chi phí lên tới hơn 100 nghìn đồng/hộ. Nhà nào thích chơi sang hơn thì mua loại đèn lồng vỏ chụp bằng nỉ, có giá bán từ 120 nghìn đến 200 nghìn đồng/chiếc, chưa kể là tiền mua bóng điện, tiền điện để thắp sáng đèn lồng từ chập tối đến sáng. Nhiều khu phố có hàng trăm gia đình đều thắp đèn lồng, mỗi đêm tiêu thụ chí ít cũng vài KWh điện. Nếu làm phép tính đơn giản mỗi khu phố tiêu tốn vài KWh/tối, cả một huyện, thị xã, thành phố sẽ tốn kém và lãng phí là bao nhiêu? trong khi chúng ta đang kêu gọi mọi gia đình nên sử dụng điện tiết kiệm.
Hiện tượng người dân lạm dụng việc treo đèn lồng đến mức thái quá trong dịp Tết vừa qua không chỉ gây lãng phí, tốn kém về tiền của mà còn không phù hợp với phong tục, văn hoá người Việt Nam. Chưa kể những chiếc đèn lồng mà người dân sử dụng hầu hết đều có nguồn gốc ngoại nhập, điều này đang đi ngược lại với chủ trương của Nhà nước “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Nên chăng các ngành chức năng cần định hướng để mọi người, mọi nhà vừa đón Tết vui tươi vừa phù hợp với phong tục, văn hoá Việt. Mặt khác, các nhà sản xuất trong nước cũng cần phải suy nghĩ, đầu tư những sản phẩm mang đậm phong cách, văn hoá thuần Việt phục vụ người dân trong những dịp lễ, Tết.
Ý kiến (0)