Tất cả chuyên mục

Từ đầu tháng 10 cho đến nay, không có từ ngữ nào diễn tả hết nỗi đau thương sau những trận lũ dữ liên tiếp mà đồng bào suốt dải đất miền Trung đang phải gánh chịu. Hơn bao giờ hết, miền Trung vẫn đang cần sự chung tay giúp đỡ của toàn thể cộng đồng...
Cuộc vận động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung của Đông Triều triển khai, mỗi người đều thấy được trách nhiệm của mình, khẩn trương chung tay cùng quyên góp tiền, quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh... Ai cũng mong muốn góp phần nhỏ bé của mình gửi vào sẻ chia những đau thương mất mát với đồng bào miền Trung ruột thịt.
Hàng cứu trợ của bà con ở Đông Triều được chuyển đến UBND xã Hà Linh, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), trao cho người dân trong xã.
Có lần nói về dải đất này, một người bạn quê xứ Nghệ đã bảo với chúng tôi là miền Trung quê anh là dải đất hẹp nằm giữa hai đầu Tổ quốc, như chiếc đòn gánh gánh nặng hai đầu Nam - Bắc, gánh cả những thiên tai khắc nghiệt nhất, lúc thì hạn hán kéo dài, khi thì bão lũ quanh năm. Mảnh đất này dường như không lúc nào được ngơi nghỉ trong trận chiến với thiên nhiên khắc nghiệt...
Đồng cảm với những gian khó của miền Trung, nơi bản thân đã từng chiến đấu hai chục năm trời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, một người cựu chiến binh già ở khu Vĩnh Sinh, thị trấn Mạo Khê lại bảo: "Cái "anh" miền Trung này trong chiến tranh thì phải hứng chịu "mưa bom, bão đạn" của giặc Mỹ, bây giờ thì lại mưa bão, lũ lụt đầy hiểm nguy luôn rình rập, chốc lát đã ào đến càn quét". Thương nhớ miền Trung, sau khi góp một phần lương hưu của mình cho tiểu ban vận động khu phố, ông lẳng lặng lên chùa Tường Vân, thắp hương cầu khấn Phật và Trúc lâm Tam tổ phù hộ cho những người dân miền Trung, cho cô giáo mầm non Trần Thị Hoa ở xã Hương Thuỷ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã bị lũ cuốn trôi...
Tôi đã hơn một lần đi vào mảnh đất miền Trung nghèo khó, đất cằn sỏi đá, chứng kiến cái nắng cháy da thịt, những cơn gió Lào khô rát của mùa hạ, nay lại thấy những cơn mưa liên miên kéo dài và những trận lũ lịch sử qua các phương tiện truyền thông. Thiên nhiên miền Trung khắc nghiệt như vậy, người dân miền Trung cần cù, chịu khó, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng cũng chưa thoát được cảnh đói nghèo, lam lũ. Có lẽ, thiên nhiên hà khắc nên cái vị "đậm đà" đã ngấm vào con người và cảnh vật nơi đây từ chất giọng nằng nặng đến tính cách mạnh mẽ, phẩm chất anh hùng; ngấm cả vào hương vị cây trái nên cà xứ Nghệ "càng mặn lại càng giòn", nước chè xanh xứ Nghệ "càng chát lại càng ngon"… Tôi nhớ lần vào viếng thăm Ngã ba Đồng Lộc ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), sau khi cùng giúp chúng tôi thắp những nén hương thơm và đặt những bông hoa cúc trắng trên phần mộ của 10 cô gái TNXP đã hy sinh ở nơi đây, một cô gái Hà Tĩnh nhỏ nhắn trong bộ đồng phục TNXP đang làm việc trong Ban quản lý Khu Di tích TNXP Ngã ba Đồng Lộc từng tâm sự: "Sau chiến tranh, giặc Mỹ để lại mảnh đất Đồng Lộc hàng ngàn quả bom nổ chậm, bây giờ đất này vẫn còn bom, nghèo lắm anh ạ...!".
Trong cơn hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau...
Như một mệnh lệnh của trái tim phải kịp thời động viên, giúp đỡ nhân dân vùng lũ khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và sản xuất, chỉ trong vòng một thời gian ngắn phát động, ở 24 khu phố của thị trấn Mạo Khê (huyện Đông Triều) nhân dân đã cùng quyên góp ủng hộ được gần 130 triệu đồng. Tiêu biểu là các khu phố Đoàn Kết, Vĩnh Tuy 2, Hoàng Hoa Thám, Vĩnh Phú, Công Nông và Vĩnh Sinh... mỗi khu quyên góp được từ 5-10 triệu đồng.
Còn các cá nhân, tập thể thì tuỳ điều kiện, người ít, người nhiều khó mà kể hết. Các cựu chiến binh có lẽ phải kể đến đầu tiên. Như vị đại tá Hải quân già Nguyễn Văn Phong ở khu phố Hoàng Hoa Thám, ông đã trích ngay 500.000đ tiền lương hưu của mình mang đến Ban vận động của thị trấn để gửi đến ủng hộ đồng bào miền Trung. Cựu chiến binh Đỗ Đình Thụy, ở khu phố Vĩnh Sinh cùng sốt sắng giục vợ và con gái chọn ngay gần chục bộ quần áo, gói chặt vào hộp giấy để gửi kịp chuyến xe đi miền Trung cứu trợ. Ông Thụy còn trăn trở: "Miền Trung không bị lũ cũng đã khổ rồi, bây giờ lại lũ dữ liên miên như vậy, người dân mất hết cả tài sản, giá có điều kiện mà gửi được các loại giống cây trồng vào cho đồng bào sản xuất thì sẽ tốt hơn". Còn như hai cựu quân nhân Ngô Văn Quỳnh ở khu phố Vĩnh Tuy 2 và Lưu Đức Hà ở khu phố 1 tuy chỉ có thu nhập thấp, song cũng rất hăng hái đóng góp một phần tiền nho nhỏ của mình.
Thầy cô giáo cùng các em học sinh trên địa bàn cũng không đứng ngoài cuộc, tổ chức vận động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung. Cô giáo Vũ Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Đông Triều cho biết: Với tinh thần "lá lành đùm lá rách", CBGV và học sinh đã tự nguyện ủng hộ đồng bào vùng lũ. Đó là việc làm thiết thực để giáo dục học sinh, khơi dậy tình tương thân, tương ái trong học sinh nhà trường và cũng là một hoạt động của phong trào xây dựng "trường học thân thiện, học sinh tích cực". Bằng tình thương và trách nhiệm, nhiều điểm trường khác trong huyện đều quyên góp với kết quả cao nhất.
Chỉ là người dân bình thường thôi nhưng bà Lê Thị Hường ở khu phố Vĩnh Tuy 2 cứ nghe tin có doanh nghiệp nào đó chuẩn bị chở hàng đi cứu trợ miền Trung, bà lại vội vàng giục con cháu, bạn bè, các gia đình lân cận cùng góp vài bộ quần áo, gấp lại gọn gàng và cho vào chiếc bao tải rồi cùng con rể đưa đến doanh nghiệp để gửi đi. Còn như anh Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty CP Thương mại - Du lịch và vận chuyển khách Tình Nghĩa, khi nhận được ý kiến xin giảm giá hợp đồng thuê xe chở hàng đi cứu trợ miền Trung đã quyết định tài trợ xe và tổ chức đi ngay để kịp thời giúp đỡ đồng bào ngay sau khi nước lũ rút đi.
...và đến với thầy trò Trường THPT Mai Kính, Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Cuối tháng 11 vừa qua, thầy trò Trường THPT Hoàng Quốc Việt đã quyên góp sách vở, bút viết, phấn, quần áo đồng phục học sinh trị giá trên 22 triệu đồng và 1 tấn gạo vận chuyển vào ủng hộ CBGV và học sinh Trường THPT Mai Kính, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Tại đây, đoàn đã trao các suất quà kèm với 2 triệu đồng hỗ trợ giáo viên nhà trường khắc phục khó khăn sau lũ, thi đua dạy tốt.
Ngày hôm đó, trời vẫn mưa tầm tã, dưới sân trường Mai Kính, tôi được chứng kiến các thầy cô Trường Hoàng Quốc Việt quây quần bên các em học sinh trường Mai Kính, động viên các em vượt qua khó khăn trước mắt học giỏi. Đón nhận và cảm kích những tình cảm sẻ chia của tập thể CBGV Trường THPT Hoàng Quốc Việt đã dành cho CBGV và học sinh nhà trường, cô giáo Trần Thị Hường, Hiệu phó Trường THPT Mai Kính nói: "Những món quà của các thầy, các cô sẽ là động lực giúp học sinh của chúng tôi cố gắng đến trường, học tập tốt hơn...".
Suốt tháng 11 cho đến đầu tháng 12 này, vẫn tiếp tục có những chuyến xe của các doanh nhân cũng là các cựu chiến binh đã có thời gắn bó với miền Trung trong khói lửa đạn bom lặng lẽ chở hàng vào cứu trợ miền Trung. Địa chỉ của những chuyến hàng đó đều là những địa danh quen thuộc của họ trên dọc tuyến đường Trường Sơn năm xưa. Nơi ấy, những cựu chiến binh đã từng đóng quân trước khi hành quân vào chiến trường miền Nam, họ đều cùng xin trao trọn niềm thương nhớ về những con người của mảnh đất nơi ấy với tinh thần "lá lành đùm lá rách", cùng giúp đồng bào miền Trung nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống và sản xuất, tự tin bước vào năm mới.
Đó là tình cảm của những tấm lòng sẻ chia, là tấm áo, bát cơm, là ánh lửa nhỏ nhoi để cùng nhân dân cả nước sưởi ấm cho miền Trung những ngày sau lũ dữ. Miền Trung vẫn còn cần lắm những tấm lòng!
Ý kiến ()