Tất cả chuyên mục

Theo số liệu thống kê, Vịnh Hạ Long có tới 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 980 đảo đã xác định được tên gọi. Đối với khu vực di sản thế giới, trong diện tích 434km2, gồm 775 hòn đảo, thì đã xác định được 411 đảo có tên.
Những tên gọi các đảo, hang động trên Vịnh Hạ Long được hình thành từ lâu đời, trong đó, gần như mỗi tên đảo, tên núi, hang động, vũng, vịnh đều có căn nguyên, sự tích của nó. Và đây chính là một phần văn hoá phi vật thể làm tôn thêm vẻ đẹp, giá trị của di sản.
Hòn Đỉnh Hương trên Vịnh Hạ Long.
Khi bàn về tên gọi các đảo, hang động trên Vịnh Hạ Long, các nhà nghiên cứu đều cùng chung nhận định rằng hầu hết tên gốc của đảo, hang động hiện nay là tên nôm, do dân chài, sơn tràng hay lính đồn trú sinh sống trên Vịnh từ xa xưa phát hiện và đặt cho. Ngoài ra, còn có tên phiên âm Hán - Việt, tên tiếng Hoa, tiếng Pháp. Tuy nhiên, dù là theo cách nào thì việc đặt tên đảo, hang động tất cả đều xuất phát từ 3 căn cứ: Căn cứ vào hình dáng (như hòn Gà Chọi, hòn Đỉnh Hương, hòn Ấm Tích, hòn Ông Cụ, hòn Rồng, hòn Đầu Bê, hòn Yên Ngựa, hòn Bọ Hung, hòn Con Cóc, hòn Đũa...); căn cứ vào sự tích dân gian, những sự kiện lịch sử diễn ra gắn liền với đảo (hang Trinh Nữ, hang Đầu Gỗ, đảo Ti Tốp, núi Bài Thơ...) và căn cứ vào những đặc sản có trên đảo hoặc xung quanh khu vực đảo (đảo Ngọc Vừng, đảo Minh Châu, đảo Soi Sim, đảo Khỉ, hòn Cây Chanh, hòn Cây Khế...). Trong khoảng thời gian sau khi Vịnh Hạ Long vừa được công nhận Di sản thế giới lần thứ nhất (1994-1995), đã có thêm 23 hang động mới được phát hiện, hầu hết do ngư dân trên Vịnh phát hiện, đặt tên. Một số hang động đó nay đã trở nên quen thuộc với du khách như động Thiên Cung, động Mê Cung, Tam Cung... Đọc hàng loạt tên như vậy ta nhận ra ngay sự muôn vẻ kỳ thú của các đảo, hang động và đó chính là nét đặc sắc của kỳ quan Hạ Long.
Trong thời chiếm đóng khu mỏ, người Pháp đã dùng ngôn ngữ Pháp để đặt tên hoặc phiên âm cho các đảo, hang động trên Vịnh Hạ Long như gọi đảo Tuần Châu là Ile aux Cerfo (đảo Hươu), gọi đảo hòn Rồng là Dragon (Rồng), gọi hang Đầu Gỗ là Grotte des Merveilles - động của các kỳ quan, gọi đảo Bản Sen là Ile de la Table. Tuy nhiên, có một số đảo hoặc do không tìm được nghĩa phiên âm, hoặc do lý do nào khác mà người Pháp buộc phải để nguyên tên Việt như Ile de Quan Lan (đảo Quan Lạn), Ile Ba Mun (đảo Ba Mùn), hoặc giữ
nguyên âm Hán - Việt như Ile Fong Wong (đảo Phượng Hoàng)... Ngoài ra, người Pháp còn lấy tên một số nhân vật lịch sử của nước mình để đặt tên cho các đảo, vịnh ở Hạ Long, như lấy tên công tước Chevalier de Bayard (1473-1524), người có công giúp vua Charles VIII xâm chiếm, đánh dẹp nhiều vùng đất để đặt tên cho 1 hòn đảo trong vịnh Cửa Lục là Ile Bayard (đảo Bayard); lấy tên phó đô đốc Courbet - người ''có công'' lớn trong cuộc xâm lược Bắc Kỳ (1883) để đặt cho cảng Cửa Lục là Port Courbet (cảng Courbet)...
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng, Vịnh Hạ Long đã từng chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử nhưng những địa danh - tên đảo, núi, hang động vốn có từ trong tiềm thức dân gian lâu đời nên không dễ có sự thay đổi. Ngay cả những đảo, hang động, vũng, vịnh do người Pháp đặt nói ở trên cũng chỉ tồn tại như là địa danh mang tính hành chính và sử dụng trong phạm vi của họ, để rồi sau khi họ rút về nước (1955) những địa danh đó lại trở lại là những cái tên dân dã như nó đã ra đời và tồn tại cho đến ngày nay.
Tìm hiểu về nguồn gốc các địa danh trên Vịnh Hạ Long cũng chính là tìm hiểu về một phần lịch sử của Vịnh Hạ Long. Điều đó giúp cho mỗi chúng ta nâng cao kiến thức của mình, từ đó thêm hiểu và yêu mến Vịnh Hạ Long hơn.
Ý kiến (0)