Tất cả chuyên mục

Thời gian qua, cùng với sự trầm lắng của thị trường bất động sản, đã kéo thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) rơi vào tình trạng buôn bán cầm chừng. Khảo sát qua những cửa hàng, đại lý VLXD trên địa bàn đều thấy rơi vào tình trạng “thừa hàng, thiếu khách”, sức tiêu thụ so với những tháng cùng kỳ năm ngoái giảm khá nhiều.
Chị Nguyễn Thị Mến, chủ cửa hàng VLXD Tuấn Mến, tổ 41, khu 4, phường Cao Thắng (TP Hạ Long), cho biết: “Những năm trước, khi có nhu cầu xây nhà, khách hàng thường đặt trước tiền để giữ giá và trừ dần khi mua hàng. Nhưng năm nay mua đến đâu khách trả tiền đến đó nên cửa hàng không dám “ôm” nhiều hàng, vì còn phải quay vòng vốn. Ngay cả những nhà máy khi đến giao hàng cho cửa hàng cũng yêu cầu thanh toán ngay theo hoá đơn chứ không cho trả chậm theo hình thức một tháng thanh toán 2 lần như trước. Chính vì sức mua kém nên từ cuối năm 2011 đến nay, cửa hàng đã giảm nhập hàng mới mà chủ yếu nhập những mặt hàng có kèm khuyến mãi hoặc nằm trong chương trình chiết khấu của hãng”. Có thể thấy một điểm khá chung giữa các cửa hàng kinh doanh VLXD trong thời điểm này chính là “co hẹp quy mô và tìm cách duy trì là chính”. Cung ngày một lớn, hàng dư thừa nhiều trong khi đó cầu không tăng nên tình trạng buôn bán rơi vào tình trạng “chợ chiều” là điều không tránh khỏi.
![]() |
Nhiều cửa hàng VLXD rơi vào tình trạng “thừa hàng, thiếu khách” (ảnh mang tính minh hoạ). |
Những khó khăn chung của nền kinh tế đã khiến cho sức mua bị giảm rất nhiều, tập trung ở nhóm hàng chủ lực như xi măng, sắt, thép, gạch. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2012 sản xuất xi măng toàn tỉnh ước đạt 1,248 triệu tấn (giảm 24,9% so cùng kỳ); clinker ước đạt 1,681 triệu tấn, (tăng 5,7% cùng kỳ); gạch nung ước đạt 390,9 triệu viên (giảm 7,3% so cùng kỳ). Qua số liệu trên có thể thấy, nhu cầu sử dựng VLXD đang xuống mức thấp hơn bao giờ hết. Thị trường xây dựng trầm lắng, đã gây tác động kép và kéo theo sức mua của nhiều mặt hàng như gạch men, sơn, đồ nội thất... giảm sút. Để thu hút khách hàng và tăng sức mua, giá các loại gạch xây dựng như CMC, Prime, Viglacera thời gian qua hầu như không tăng; giá bán lẻ bình nước nóng, chậu rửa của hãng Tân Á đang giảm 300.000 đồng/chiếc; bồn cầu của hãng Viglacera cũng đang chạy chương trình giảm giá 400.000 đồng/chiếc, trực tiếp trên sản phẩm... nhưng xem ra tình hình cũng không được cải thiện nhiều.
Làm ăn khó khăn nên người dân ít đầu tư cho sửa sang nhà cửa hoặc xây mới. Bên cạnh đó, nhiều người thay vì đầu tư mua đất, xây dựng nhà ở để cho thuê, thì đã chuyển sang gửi tiết kiệm ngân hàng. Như vậy, bất động sản càng trầm lắng, đầu ra cho VLXD càng “hẹp”. Hiện đang là mùa mưa bão, không phải mùa xây dựng nên tình hình buôn bán của các cửa hàng, đại lý kinh doanh VLXD càng khó khăn hơn. Việc tạm ngừng kinh doanh của các cửa hàng, đại lý VLXD “quy mô nhỏ” là điều không tránh khỏi.
Hoàng Nga
Ý kiến (0)