Tất cả chuyên mục

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá trong lịch sử phát triển của chùa Quỳnh Lâm, Trần Quang Triều là một trong ba người có ảnh hưởng lớn nhất, sau Thiền sư Không Lộ và Pháp Loa - đệ nhị tổ của phái thiền Trúc Lâm. Nếu như Thiền sư Không Lộ được biết tới với câu chuyện đúc quả chuông đồng khổng lồ (một trong tứ đại khí vào thời Lý), đưa chùa Quỳnh Lâm trở nên bề thế, quy mô thì Trần Quang Triều là người vừa mở mang Quỳnh Lâm viện, vừa làm cho nơi đây trở thành một văn đàn nổi tiếng thời Trần.
![]() |
Dấu tích lò nung ngói cổ phát hiện tại cuộc khai quật ở vườn chùa Quỳnh Lâm năm 2006. |
Ngoài đóng góp công của tu bổ, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm, dấu ấn của Trần Quang Triều còn ở chỗ ông đã lập ra ở đây một diễn đàn thi ca gọi là Bích Động am hay Bích Động thi xã. Đây là một tổ chức thơ ca mang tuyên ngôn hành động của một nhóm cư sĩ chứ không phải thiền sư. Cho đến ngày nay, các nhà nghiên cứu mới chỉ biết được 4 thành viên của Bích Động thi xã là Trần Quang Triều, Nguyễn Sưởng, Nguyễn ức và Nguyễn Trung Ngạn. Trong số đó, những sáng tác của Trần Quang Triều đã bị thất lạc khá nhiều, chỉ còn lại một số bài trong tập Cúc Đường di cảo, như: Đề Gia Lâm tự, Đề Phúc Thành từ đường, Giang thôn tức sự, Mai thôn phế tự, Quá An Long, Trường An hoài cổ… Trong đó, bài Trường An hoài cổ đã có ý kiến đánh giá cho là “lấp lánh một dự báo thiên tài, báo hiệu sự suy vong không cưỡng nổi của nhà Trần”. Cũng liên quan tới chùa Quỳnh Lâm, có một chi tiết khá thú vị đó là theo Đại Việt sử ký Toàn thư thì do chỉ trích Phật giáo, một nhà nho và cũng là thơ Trương Hán Siêu - người nổi tiếng với bài phú Bạch Đằng Giang đã từng được vua Trần Minh Tông cử về đây giữ chức giám tự (người trông coi chùa). Tuy nhiên, sử cũ không chép rõ rằng ông tự nguyện về hay bị triều đình bắt buộc về để “cải tạo” tư tưởng bài Phật giáo một cách cực đoan của ông.
Theo dòng chảy thời gian, do những biến cố lịch sử tác động chùa Quỳnh Lâm đã trải qua nhiều thăng trầm; trong đó, đáng kể là chùa đã bị giặc Pháp đốt cháy vào năm 1947. Những năm gần đây, được sự quan tâm của tỉnh, các cấp chính quyền huyện Đông Triều và đóng góp của Phật tử, du khách thập phương, chùa Quỳnh Lâm đã được đầu tư tôn tạo, mở rộng thêm các hạng mục. Kết quả khai quật khảo cổ tại chùa năm 2006, các nhà khảo cổ đã phát hiện dưới nền cũ của chùa nhiều di vật, nền móng kiến trúc cổ có giá trị liên quan tới lịch sử phát triển của chùa Quỳnh. Đặc biệt là phát hiện cả dấu vết những lò gốm cổ, góp phần đưa đến cho các nhà nghiên cứu góc nhìn rộng mở hơn về vị trí, quy mô của chùa Quỳnh Lâm trong xã hội đương thời. Trong số đó, hẳn đã có những dấu ấn liên quan tới sự đóng góp to lớn của Trần Quang Triều.
Ý kiến ()