Tất cả chuyên mục

Vịnh Hạ Long được cả thế giới bầu chọn là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới, điều hiển nhiên ấy hôm nay, hẳn phải có nguồn gốc từ xa xưa. Vì vậy, thử tìm lại những dấu ấn ấy trong thơ ca Việt Nam, cũng là một điều thú vị và rất nên làm...
Theo tài liệu hiện có, thì bài thơ sớm nhất về Vịnh Hạ Long là thơ của vua Trần Thánh Tông (1240-1290). Căn cứ vào các chuyến vi hành của nhà vua, có thể ước đoán bài thơ được viết khoảng từ năm 1265-1275. Toàn văn như sau:
HÀNH YÊN BANG PHỦ
Triêu du phù vân kiệu
Mộ túc minh nguyệt loan
Hốt nhiên đắc giai thú
Vạn tượng sinh hào đoan
Dịch thơ:
Sớm chơi núi mây nổi
Tối ngủ bến trăng thanh
Bỗng nhiên được thú lạ
Ngọn bút nảy muôn hình
(Phan Võ dịch)
Yên Bang là tên tỉnh Quảng Ninh ở thời Lê. Bài thơ chặt chẽ về cấu tứ, ngôn ngữ chọn lọc, hai câu đầu ứng đối vô cùng tài hoa, nói được hai điều cơ bản nhất về Vịnh Hạ Long; một là cảnh đẹp huyền diệu của thiên nhiên, với mây và trăng, đá và nước; hai là cảnh đẹp ấy bỗng nhiên tràn ngập cảm xúc làm hàng vạn hình tượng đẹp hiện ra qua ngòi bút của các nhà sáng tạo cái đẹp. Chưa ai thống kê cho đến bây giờ, liệu đã có đến một vạn tác phẩm ở các loại hình nghệ thuật chưa, như nhà thơ đã phỏng đoán, thể hiện qua thơ, văn, âm nhạc, ảnh và hội hoạ. Có thể đến số lượng đó rồi chăng?
Có người cho rằng Phù Vân là Yên Tử, và bến Minh Nguyệt là Vịnh Hạ Long ngày nay mà nêu giả thuyết: Có thể khi đó, Vịnh Hạ Long có tên là vịnh (loan) Minh Nguyệt. Ý kiến này đáng chú ý, nhưng không có cơ sở.
Sau Trần Thánh Tông khoảng 130 năm, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi (1380-1442) trên đường thuỷ đi từ cửa Bạch Đằng đến quần đảo Vân Đồn (có lẽ là vùng Minh Châu - Quan Lạn ngày nay chăng?), tức là đi qua vùng biển, mà ngày nay ta gọi là Vịnh Hạ Long. Trong bài Vân Đồn, thi hào đã viết hai câu mở đầu: Lộ nhập Vân Đồn san phục san/ Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan (Đường đến Vân Đồn lắm núi sao/ Kỳ quan đất dựng giữa trời cao). Căn cứ vào tiểu sử Nguyễn Trãi, có thể ước đoán bài thơ này ông viết khoảng năm 1440-1441, khi ông được vua Lê Thái Tông khôi phục các chức vụ cũ, cộng thêm tổng quản hai đạo Đông và Bắc, tức tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Bài thơ có thể ông viết trong các chuyến công vụ với trách nhiệm trên. Và như thế, Nguyễn Trãi được coi là người đầu tiên ở Việt Nam gọi Vịnh Hạ Long là kỳ quan. Đấy là ý kiến của nhiều người.
Riêng tôi đề xuất thêm một giả thuyết: Trước Nguyễn Trãi khoảng 31 năm, năm 1369, Nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mạnh, một nhà thơ lớn đời Trần, đề thơ ở Hang Son, nay thuộc thành phố Uông Bí, có 2 câu, theo tôi là kiệt tác: Vũ trụ kỳ quan Dương Cốc nhật/ Giang sơn thanh khí Bạch Đằng thu (Phía mặt trời lên là kỳ quan vũ trụ/ Thanh khí của cả non sông tụ lại thành mùa thu trên sông Bạch Đằng). Dương Cốc nhật là nơi mặt trời mọc. Đứng ở Hang Son mà nhìn thì phía mặt trời mọc là vùng biển nước Vịnh Hạ Long ngày nay. Nếu điều đó có thể tin được, thì Phạm Sư Mạnh là người đầu tiên gọi Vịnh Hạ Long là kỳ quan vũ trụ, từ khoảng năm 1369.
Đến nhà thơ Hồ Xuân Hương, người con dâu của tỉnh Quảng Ninh ngày nay, khi bà về Yên Quảng làm vợ kế ông Trần Phúc Hiển, lúc đó làm quan Tham hiệp, tương đương Phó Chủ tịch thứ nhất UBND tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Bà có 5 bài thơ chữ Hán viết về Vịnh Hạ Long, trong đó có bài tên là Độ Hoa Phong (Qua vịnh Hoa Phong) mở đầu là hai câu: Phiến phàm vô cấp độ Hoa Phong/ Tiễn bích đan nhai xuất thuỷ trung (Lá buồm không vội vượt Hoa Phong/ Đá dựng bờ son mọc giữa dòng). Hoa Phong là tên huyện, năm 1841, đổi là huyện Nghiêu Phong để tránh huý vua Thiệu Trị nhà Nguyễn, là vùng biển từ đảo Cát Bà đến thành phố Hạ Long ngày nay. Bài thơ được viết năm 1813. Như vậy, ở thời Nguyễn, tính đến năm 1813, Vịnh Hạ Long có tên là Vịnh Hoa Phong. Theo ghi chép của ông Phan Đỉnh Khuê, trong An Nam du ký, đời nhà Thanh (Trung Hoa), thì năm 1688, ông đã đến Vịnh Hoa Phong, từng buộc thuyền vào núi đá, đo nước thì sâu không dưới 10 tầm (không rõ mỗi tầm là bao nhiêu mét). Như vậy ít nhất Vịnh Hạ Long ngày nay có tên là Vịnh Hoa Phong từ năm 1688 đến năm 1813, mà chưa thấy có sách nào ở Việt Nam ghi lại một cách chính thức (hoặc có nhưng tôi chưa tìm thấy được chăng?).
Theo một nguồn tài liệu thì tên Vịnh Hạ Long lần đầu tiên được ghi trên bản đồ quân sự của người Pháp, cuối thế kỷ XIX, hay đầu thế kỷ XX. Tôi đã đọc và ghi lại tư liệu này nhưng giờ chưa tìm thấy để dẫn ra cụ thể. Như thế, tên Vịnh Hạ Long chính thức có trong văn tự ở Việt Nam khoảng hơn 100 năm nay. Cái tên có từ bao giờ, không ảnh hưởng gì đến giá trị của nó, nhưng về thông tin, chúng ta phải căn cứ vào các tư liệu có tính khoa học, không thể yêu kính ai thì tuỳ tiện gắn bừa vào, như tấm bia ở đền Hưng Nhượng vương Trần Quốc Nghiễn, phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long, ghi Quảng Ninh là đất phong vương của ngành trưởng ở thời Trần và Trần Quốc Nghiễn mất ở Hồng Gai(?). Theo tôi, Hưng Nhượng vương không được phong đất ở Hồng Gai và không mất ở Hồng Gai. Tôi đã thưa lại điều ấy với Ban tổ chức nhà chùa và Đại đức Thích Đạo Hiển, khi ông về chùa làm lễ ngày 14-1-2012, được ông xác minh ý kiến của tôi là đúng.
Hiện chưa tìm thấy bài thơ nào viết về Vịnh Hạ Long từ năm 1813, sau chùm thơ 5 bài của Hồ Xuân Hương, đến trước ngày giải phóng Khu mỏ năm 1954. Theo tài liệu tôi có, bài thơ đầu tiên viết có tên Vịnh Hạ Long với hình ảnh con rồng là thơ Tế Hanh trong bài Giấc mộng diệu huyền viết năm 1957: Vịnh Hạ Long có rồng không chẳng biết/ Nhưng xưa nay huyền bí của thiên nhiên/ Vẫn mơn man như gió vuốt ve thuyền... Và câu thơ có ý nghĩa nhất: Người càng hiểu Vịnh Hạ Long là thế/ Trong mơ màng giấc ngủ có rồng bay... Các nhà thơ về sau chỉ viết Hạ Long, đảo đá và nước, không thấy mấy ai nói đến rồng, dù rồng xuống hay rồng bay lên. Sau Tế Hanh là Huy Cận, trong bài Đoàn thuyền đánh cá, viết ở Hồng Gai năm 1958: Cá nhụ, cá thu cùng cá đé/ Cá song lấp lánh đuốc đen hồng/ Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé/ Đêm thở sao lùa nước Hạ Long. Sau đó 1 năm là Xuân Diệu, 1959. Tài hoa nhất viết về Hạ Long là Xuân Diệu: Ở đây cái đẹp luôn thường trực/ Mở cửa ra là mê Hạ Long. Đặc biệt trong bài Chào Hạ Long, ông có hai câu thơ rất hào hoa: Một trang nước như trải vào vĩnh viễn/ Một trang đời chim với gió song song...
Các nhà thơ về sau, khai thác nhiều góc độ khác nhau về cảm nhận cảnh quan, nhưng đại khái đều như vậy. Đặc biệt đáng chú ý là bài thơ của Sóng Hồng, bút danh của đồng chí Trường Chinh, có 4 câu đầu: Muôn nghìn hòn đảo giăng thành/ Rồng bò gấu phục muôn hình đổi thay/ Kỳ quan thế giới là đây/ Hạ Long thứ nhất cảnh này thần tiên... Đến Sóng Hồng, chúng ta có hình ảnh Rồng bò...
Như vậy, trong thơ Việt Nam, có ba nhà thơ sớm nhất viết về Vịnh Hạ Long, gọi đó là kỳ quan, là Phạm Sư Manh: Kỳ quan vũ trụ, khoảng năm 1369, Nguyễn Trãi: Kỳ quan, khoảng năm 1440-1441 và Sóng Hồng (Trường Chinh): Kỳ quan thế giới, năm 1961.
Trong số các nhà thơ thế giới viết về Vịnh Hạ Long, theo tôi sưu tầm và đọc thì đến nay, hay nhất vẫn không ai hơn nữ thi sĩ Pháp Mireile Gansel, qua bản dịch của Xuân Diệu, có cái tứ rất xuất sắc: Vịnh Hạ Long là sáng tạo của những bàn tay thiên tài: Bàn tay của thời gian thăm thẳm/ Bàn tay của gió nổi/ Bàn tay của triều sinh/ Bàn tay của muối ngấm/ Những bàn tay không chút nhân tình... Vậy mà đã tạo nên một cảnh quan về nhân tình kỳ lạ: Đầy li kỳ và rất mộng mơ/ Của một mối tình hẹn ước/ Mà xưa nay chưa có bao giờ…
Điền Nam
Ý kiến ()