Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 10/01/2025 09:06 (GMT +7)
Tiếp tục đổi mới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị
Chủ nhật, 30/04/2023 | 09:21:06 [GMT +7] A A
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ then chốt, là công việc hệ trọng của Đảng; mang tính quyết định đến sức mạnh, uy tín của Đảng, sự phát triển bền vững của đất nước. Thấm nhuần điều này, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đáp ứng niềm tin của nhân dân.
Tăng hiệu quả việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy
Sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy được Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài gắn với đổi mới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Chính vì thế, tỉnh thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm sự nhất quán, kiên trì, liên tục, đồng bộ với từng bước đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Các địa phương, đơn vị đã tập trung sắp xếp kiện toàn tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian. Toàn tỉnh giảm 150 phòng và tương đương trực thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh, phòng ban cấp huyện; giảm 102/881 đầu mối đơn vị sự nghiệp, đạt 11,57% (13 đơn vị sự nghiệp thuộc khối Đảng, 89 đơn vị thuộc khối chính quyền), hoàn thành mục tiêu giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập trước 1 năm so với chỉ đạo chung của Trung ương.
Các mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) thường xuyên được tỉnh rà soát, đánh giá. Tỉnh đã tổ chức sơ kết một cách bài bản, nghiêm túc và khẩn trương triển khai chỉ đạo chung của Trung ương về tổ chức bộ máy tại Thông báo Kết luận số 16-TB/TW ngày 7/7/2022 của Bộ Chính trị. Đến nay đã kiện toàn cơ cấu tổ chức, thành lập 13 Phòng Nội vụ, 13 Phòng Thanh tra cấp huyện và 2 Văn phòng HĐND và UBND huyện Tiên Yên, Cô Tô. Trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, các đơn vị tiếp tục hoạt động ổn định, gắn với đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, cải tiến lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Đồng chí Nguyễn Văn Đô, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Móng Cái, cho biết: Việc tái lập cơ quan Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy, Phòng Nội vụ thành phố, Phòng Thanh tra thành phố là một trong những giải pháp nhằm cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh Quảng Ninh về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Qua đó tiếp tục tạo sự thống nhất ý chí và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thực chất nhiệm vụ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả với những mục tiêu cao hơn, đổi mới đồng bộ hơn, toàn diện hơn theo chỉ đạo của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh triển khai sắp xếp thu gọn các đầu mối cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố. Tỉnh hiện còn 13 đơn vị hành chính cấp huyện; 177 đơn vị hành chính cấp xã; 1.452 thôn, bản, khu phố (giảm 115 thôn, bản, khu phố). Trong quá trình sắp xếp, đã cơ cấu, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ phù hợp với tiêu chuẩn vị trí việc làm, lựa chọn những người có năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Sau sắp xếp, các địa phương hoạt động ổn định, nền nếp, đoàn kết, thống nhất; đơn vị hành chính mới tăng quy mô về diện tích tự nhiên và dân số, thuận lợi cho việc hoạch định các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tập trung nguồn lực, thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương.
Tỉnh cũng quyết liệt tinh giản biên chế, gắn với từng bước cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó đã xây dựng kế hoạch sử dụng biên chế từng năm, lộ trình tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 nhằm quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngay từ những năm đầu, đảm bảo giai đoạn 2021-2026 tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Các đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt chủ trương tuyển dụng viên chức bằng hình thức hợp đồng có thời hạn; dành chỉ tiêu để tuyển dụng được một số nhân lực chất lượng cao. Năm 2021 toàn tỉnh đã giảm 887/4.744 (18,7%) biên chế công chức; giảm 2.280/26.770 (8,5%) biên chế viên chức so với số giao năm 2015.
Quyết tâm tiếp tục đổi mới
Bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, quyết tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng của Quảng Ninh lại càng được khẳng định rõ nét hơn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định mục tiêu: "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới sáng tạo; huy động sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc”.
Để thực hiện được những mục tiêu này, Đảng bộ tỉnh đã khẳng định quyết tâm tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ thực sự “của dân, do dân, vì dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát huy dân chủ, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tỉnh đã triển khai nghiêm túc các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là lãnh đạo cấp ủy, người đứng đầu, đưa nội dung nêu gương vào tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Công tác kiểm điểm, đánh giá các tập thể, cá nhân đã quan tâm làm rõ khuyết điểm, chú trọng xây dựng giải pháp và lộ trình khắc phục; gắn với kiểm điểm tự phê bình, phê bình. Năm 2020: Toàn tỉnh có 35 tập thể lãnh đạo, quản lý được gợi ý kiểm điểm; 20 cá nhân lãnh đạo được gợi ý kiểm điểm. Năm 2021: Toàn tỉnh có 86 tập thể lãnh đạo, quản lý được gợi ý kiểm điểm; 61 cá nhân lãnh đạo, quản lý được gợi ý kiểm điểm. Năm 2022: Toàn tỉnh có 78 tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo, quản lý được gợi ý kiểm điểm; 60 cá nhân cán bộ, đảng viên được gợi ý kiểm điểm. Trong kiểm điểm, đã đề cao việc “tự soi, tự sửa”, nhiều tập thể, cá nhân thẳng thắn nhận trách nhiệm, tích cực khắc phục hậu quả... Cán bộ, đảng viên có chuyển biến đáng kể, có ý thức hơn trong rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, tác phong, lối sống, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; tăng cường quan hệ gắn bó với nhân dân thông qua tiếp xúc, đối thoại, sinh hoạt; cán bộ ở cơ sở được lựa chọn, sàng lọc, tạo dựng uy tín rộng rãi thông qua cơ chế “Dân tin, Đảng cử”...
Song song với đó, Quảng Ninh tập trung tiến hành các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, mang tính đồng bộ, hệ thống. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ được tăng cường, phối hợp tương đối đồng bộ với công tác giám sát của cơ quan dân cử, công tác thanh tra, giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó coi trọng việc làm rõ sự thật, xác định đúng bản chất, chỉ rõ khuyết điểm, nguyên nhân và trách nhiệm; khắc phục hậu quả, sửa chữa khuyết điểm làm thước đo hiệu quả kiểm tra, giám sát. Đồng thời chú trọng việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm thuộc địa bàn, lĩnh vực mình quản lý; hình thức xử lý bảo đảm vừa giáo dục, vừa răn đe; nhiều vụ việc điển hình được nhân dân quan tâm, ghi nhận.
Qua triển khai công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, bản lĩnh chính trị, sức chiến đấu, năng lực của các cấp ủy, tổ chức đảng ngày càng được nâng lên, đã thể hiện rõ bản lĩnh trước thử thách; nhanh nhạy nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức. Đặc biệt đã bám sát, đánh giá đúng tình hình, có giải pháp thích hợp trong ứng phó các thách thức phức tạp, như phòng chống đại dịch Covid-19, giữ vững an ninh trật tự… Qua đó từng bước nâng cao bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên trước những vấn đề phức tạp trong thực tiễn.
Hà Chi
Liên kết website
Ý kiến ()