Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:31 (GMT +7)
Ai Cập nỗ lực thu hẹp bất đồng về tài chính khí hậu
Chủ nhật, 13/11/2022 | 08:05:54 [GMT +7] A A
Ai Cập đang nỗ lực thu hẹp cách biệt giữa các bên đàm phán tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), giữa lúc các nhà đàm phán đang hoàn tất các dự thảo thỏa thuận khi Hội nghị COP27 kết thúc tuần làm việc đầu tiên tại thành phố Sharm El-Sheikh.
Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ hội nghị, Bộ trưởng Môi trường Ai Cập Yasmine Fouad ngày 12/11 cho biết thách thức lớn nhất đối với quốc gia Bắc Phi này với tư cách là nước chủ nhà COP27 là thuyết phục các nhà đàm phán về những vấn đề khác nhau, bao gồm tài chính giúp các quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu và sự đồng thuận về tổn thất và thiệt hại, tài chính từ các các quốc gia công nghiệp hóa hỗ trợ cho các quốc gia nghèo hơn đang hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu.
Bà Fouad cho hay Ai Cập cũng đang cố gắng thúc đẩy chương trình làm việc nhằm hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Ai Cập sẽ hối thúc các quốc gia khác thực hiện các cam kết khí hậu được đưa ra tại các hội nghị khí hậu trước đó. Tài chính là một thách thức lớn khác đối với các quốc gia đang phát triển muốn giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương trước những cú sốc khí hậu, chẳng hạn như hạn hán và lũ lụt. Lần đầu tiên, chương trình nghị sự của Hội nghị COP27 năm nay cũng bao gồm vấn đề "tổn thất và thiệt hại".
Các quốc gia giàu đã không thực hiện đầy đủ cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 để cung cấp hỗ trợ tài chính khí hậu cho các quốc gia nghèo. Điều này dấy lên sự hoài nghi về khả năng các nhà đàm phán sẽ đạt được những cam kết mới. Trong khi đó, một số quốc gia cho rằng nhu cầu về tài chính khí hậu ngày một gia tăng và các mục tiêu mới cao hơn cần phải được đề ra sau năm 2025.
Bộ trưởng Fouad cho biết thêm Ai Cập cần tới 264 tỷ USD vốn đầu tư trong 7 năm tới để đạt được chương trình nghị sự thích ứng và giảm thiểu. Phần lớn cơ sở hạ tầng của Ai Cập phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, trong khi các khu vực ven biển và nhiều vùng thuộc lưu vực đồng bằng sông Nile màu mỡ đang đứng trước mối đe dọa bởi nước biển dâng.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()