Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 14:51 (GMT +7)
Ai đổ tiền nhiều nhất vào startup Việt tại Shark Tank Việt Nam?
Thứ 3, 29/10/2024 | 22:40:21 [GMT +7] A A
Trong 25 thương vụ chốt deal thành công trị giá 180 tỷ đồng tại Shark Tank mùa 7, có 2 thương vụ nhận cam kết đầu tư 1 triệu đô cùng liên quan đến Shark Bình.
Chương trình Thương vụ bạc tỷ năm 2024 khép lại với 38 mô hình kinh doanh được giới thiệu, trong đó 25 thương vụ gọi vốn thành công. Tổng vốn được các nhà đầu tư cam kết rót vào startup là 180 tỷ đồng.
2 thương vụ giá trị lớn nhất nhận cam kết đầu tư 1 triệu USD, là Shark Bình rót tiền vào mì thanh long Caty Foods đổi lấy 10% cổ phần; sản phẩm đồ chơi giáo dục Kalo Toys cũng được Shark Bình cùng Shark Minh Beta rót 1 triệu USD cho 10% cổ phần.
Sự bùng nổ startup mang thực phẩm Việt xuất ngoại
Bà Lê Hạnh, CEO TV Hub, nhà sản xuất chương trình, cho biết Shark Tank Việt mùa 7 ghi nhận sự bùng nổ của các startup thuộc lĩnh vực thực phẩm, hóa mỹ phẩm, nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó thực phẩm có tỷ lệ tham gia lớn nhất với gần 30%. Nhiều startup lĩnh vực này trước khi gọi vốn đã có kết quả kinh doanh ấn tượng trong mảng xuất khẩu, và cùng chung khát vọng đưa sản phẩm Việt vươn xa ra thị trường quốc tế.
Thương hiệu thực phẩm gây chú ý và nhận nhiều quan tâm của nhà đầu tư là mì tôm thanh long Caty Foods. Đây là sản phẩm được đánh giá mang tính đột phá vì lần đầu tiên trên thế giới người Việt Nam thành công mang thành phần trái cây vào trong sợi mì.
Đây cũng là lý do Caty Food chốt thành công deal 1 triệu USD cho 10% cổ phần của Shark Bình.
Mì thanh long xuất phát từ tỉnh Bình Thuận, được đưa ra thị trường đầu năm 0222, đã đạt các giấy chứng nhận quốc tế và đang xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nga. Năm 2023, doanh thu của doanh nghiệp này đạt 46 tỷ đồng, với biên độ lợi nhuận sau thuế là 8%.
Công ty đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt 250 tỷ đồng và mở rộng hơn 50.000 điểm bán vào năm 2025. Đến năm 2026, doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng.
Một thương hiệu thực phẩm cũng gây chú ý là ẩm thực cấp đông Cà Mèn. Sản phẩm do 4 chàng trai xứ Quảng thành lập với ước mơ “mang ẩm thực Việt đi muôn nơi, hiện đã phủ hơn 1.000 siêu thị và chợ Việt, có mặt tại siêu thị châu Á trên khắp các bang của nước Mỹ. Hiện Cà Mèn đang khai phá thị trường Canada, Úc và Anh, với tần suất tái mua hàng từ 3 – 6 tháng.
Đầu năm 2024, Cà Mèn quay lại thị trường Việt Nam để mở rộng hệ thống kênh phân phối và đã có hơn 400 điểm bán ở kênh siêu thị và đại lý. Startup ra đời năm 2010 này cũng đã có nhà máy rộng 1.000m2, cung cấp 200 – 300 ngàn sản phẩm/tháng. Năm 2023, startup này mang về doanh số 12,2 tỷ đồng và dự kiến năm 2024 đạt 24 tỷ đồng.
Cũng là thương hiệu thực phẩm đang làm mưa làm gió, xuất khẩu đi 9 quốc gia và được bảo hộ tại 35 quốc gia, dù mới ra đời năm 2020, là tương ớt lên men bằng giấm gạo Chilica. Nhà sáng lập Nguyễn Thanh Hiền cho biết, startup ra đời với mong muốn nâng cao giá trị nông sản và giải quyết đầu ra cho nông dân. Năm 2023, doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng nhà máy lên gấp 10 lần, có khả năng sản xuất 30 tấn ớt tươi trong một ngày.
Legendary, thương hiệu chocolate đang có mặt tại các kệ hàng của loạt nhà bán lẻ lớn như Aeon, Lotte mart, BigC và xuất khẩu đi các thị trường quốc tế khó tính là Canada, Trung Đông, Châu Âu cũng là thương hiệu thực phẩm được các nhà đầu tư quan tâm tại Shark Tank mùa 7 và chốt deal thành công cùng Shark Minh Beta với 4 tỷ đồng tiền mặt cho 16% cổ phần, kèm khoản vay chuyển đổi 6 tỷ đồng đến cuối năm 2025.
Bà Bùi Hồng Hạnh, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành thương hiệu chocolate này, cho biết startup thành lập năm 2015, hiện có hơn 60 mã sản phẩm từ hạt ca cao, bao gồm chocolate, mỹ phẩm, nến thơm từ bơ ca cao và vỏ hạt ca cao ủ lên men. Trong đó, chocolate bọc hạt chiếm 40% doanh thu.
Legendary hiện sở hữu 2 nhà máy tại TP.HCM với tổng diện tích đến 1.400 m2. Năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu 38 tỷ đồng và dự kiến doanh thu năm 2024 khoảng 50 tỷ đồng. Đáng chú ý, sản phẩm này có chứng chỉ xuất khẩu vào thị trường HALAL, đồng thời chuẩn bị các chứng cho nhóm khách hàng ăn kiêng…
Shark Bình, Shark Minh Beta liên tục "ra deal"
Shark Nguyễn Hòa Bình và Minh Beta là 2 “cá mập” chốt thành công nhiều deal nhất với các Startup trong mùa 7.
Cụ thể, Shark Bình chốt đầu tư 11 thương vụ, với giá trị đầu tư hơn 73 tỷ đồng. Shark Minh Beta chốt đầu tư 12 thương vụ, với tổng giá trị đầu tư là hơn 49,2 tỷ đồng. Còn “cá mập” đồng hành suốt 7 mùa Shark Tank – Shark Nguyễn Thanh Hưng chốt thành công 5 deal trong mùa này, với giá trị hơn 8,7 tỷ đồng.
Lý giải câu chuyện các “cá mập” liên tục chốt deal trong mùa 7 với nhiều hợp đồng giá trị lớn, ông Hưng cho rằng các startup mùa này có sự tiến bộ rõ rệt trong các phương án kinh doanh, cũng như kết quả kinh doanh khả thi hơn hẳn các mùa trước.
Còn Chủ tịch Beta Group Bùi Quang Minh cho rằng mùa trước mình khá thành công với các thương vụ đầu tư, như chiếu mini Beecube doanh số tăng gấp đôi, và xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đã phát triển được sản phẩm mới, nên mong muốn mùa 7 tìm những cơ hội để có sự đột phá. Nhà đầu tư này nói những deal rõ ràng thì mình đầu tư tiền mặt nhiều, một số trường hợp nhận thấy mức độ rủi ro cao nhưng đó có thể là cơ hội cho nhà đầu tư và Startup, nên sẽ đưa ra cách khác để phù hợp cho cả 2 bên.
4 “cá mập mới” cũng liên tục chốt thành công nhiều thương vụ. Trong đó Shark Nguyễn Văn Thái, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thái Hương - một trong những tập đoàn mỹ phẩm quy mô hàng đầu Việt Nam, có 6 thương vụ thành công với giá trị đầu tư hơn 25,2 tỷ đồng. Mục tiêu gia nhập “bể cá mập”, nhà sáng lập mỹ phẩm Thái Hương cho biết ông muốn đầu tư vào các startup lĩnh vực hóa mỹ phẩm, thương mại điện tử, hỗ trợ vốn, công nghệ và năng lực sản xuất, quản trị, bán hàng, để tạo ra những thay đổi lớn trong ngành mỹ phẩm.
Shark Phi Vân - một nhà đầu tư nổi tiếng ở lĩnh vực nhượng quyền, cũng thành công 4 thương vụ, với giá trị đầu tư hơn 8,3 tỷ đồng.
Còn Shark Lê Mỹ Nga đầu tư 5 thương vụ, với giá trị đầu tư hơn 13,6 tỷ đồng. Shark “ngoại quốc” Tillman Schulz cũng đầu tư 1 thương vụ với giá trị đầu tư hơn 2 tỷ đồng và cam kết hỗ trợ 1 startup đưa sản phẩm đến các đối tác.
Shark Tank Việt Nam mùa 7 cũng ghi nhận một deal ý nghĩa với chiếc vé vàng có giá trị đến 500 triệu đồng của Shark Minh Beta dành tặng cho Bệnh viện đồ da mà CEO Nguyễn Văn Phúc sáng lập. Đây là vé vàng có giá trị cao nhất được trao cho startup.
Bệnh Viện đồ da thành lập năm 2018 bởi CEO Nguyễn Văn Phúc, với khởi điểm từ một phòng kho 6m2. Từ đó, Nguyễn Văn Phúc đã phát triển mô hình không chỉ tập trung vào dịch vụ chăm sóc và phục chế đồ da, mà còn là nơi đào tạo và cung cấp việc làm cho những người yếu thế như trẻ em lang thang, nạn nhân buôn người.
Đến nay, Bệnh Viện Đồ Da đã giúp thay đổi cuộc sống của gần 30 người, mang đến cho họ cơ hội việc làm ổn định với mức lương từ 9 - 15 triệu đồng mỗi tháng.
Sau chương trình phát sóng, ngày 4/10 vừa qua, vé vàng 500 triệu đồng đã được giải ngân. Nguồn vốn được startup này sử dụng để mở rộng hoạt động cho cơ sở đầu tiên tại TP. HCM và mang đến nhiều cơ hội việc làm hơn cho cộng đồng người yếu thế.
Ngoài vé vàng 500 triệu đồng của Shark Minh Beta dành tặng, Bệnh viện đồ da cũng nhận 500 triệu đồng tư của 4 cá mập cho 8% cổ phần nhưng không nhận cổ tức, nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động đầu tư, tạo thêm cơ hội việc làm cho các đối tượng yếu thế tại Việt Nam.
Như vậy, sau 7 mùa Shark Tank Việt Nam, tổng cộng 329 startup đã tham gia gọi vốn, trong đó 199 startup nhận được cái bắt tay với các nhà đầu tư trên sóng truyền hình. Tuy nhiên, số doanh nghiệp thực tế được rót vốn cực kỳ thấp.
Theo Vtcnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()