Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 20:20 (GMT +7)
Âm nhạc viết về Vùng mỏ và người thợ mỏ...
Thứ 7, 01/10/2016 | 13:12:06 [GMT +7] A A
Nhạc sĩ Đỗ Hoà An cho rằng: “Nếu muốn viết về đề tài thợ mỏ, về Vùng mỏ và ngành Than thật xứng tầm thì phải là trường ca hay giao hưởng”. Tuy nhiên, trên thực tế, các tác phẩm âm nhạc lại chủ yếu là ca khúc, rất ít những tác phẩm khí nhạc. Bởi vậy, có thể khẳng định rằng âm nhạc viết về Vùng mỏ và người thợ mỏ hiện nay đang thiếu đi những tác phẩm tầm cỡ.
Các ca sĩ: Hoàng Tùng, Ngọc Anh, Trang Nhung và Tuấn Anh thể hiện ca khúc “Tình ca thợ mỏ” của nhạc sĩ Hoàng Vân trong một chương trình biểu diễn nghệ thuật. |
Trong quá khứ, Quảng Ninh đã từng đón nhận đông đảo lớp nhạc sĩ trung ương về thực tế sáng tác. Nhất là trong những năm 60 của thế kỷ trước, dưới sự hối thúc của trách nhiệm công dân và niềm hứng khởi của cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, nhiều nhạc sĩ đã đến với Quảng Ninh và để lại nhiều tác phẩm hay như: “Những ngôi sao ca đêm” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, “Đường đi lên mỏ” của nhạc sĩ Tân Huyền, “Bài ca công nhân Vùng mỏ” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, “Bài ca thợ lò” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, “Nhịp máy khoan” của nhạc sĩ Trọng Bằng, “Trái tim đỏ trên đất mỏ Vàng Danh” của nhạc sĩ Chu Minh, “Đất mỏ anh hùng” của nhạc sĩ Xuân Giao, “Cờ Đảng bay trên núi Bài Thơ” của nhạc sĩ Thế Bảo, “Những người lái xe trên tầng” của nhạc sĩ Thành Long v.v..
Không ít ca khúc trong số đó đã trở thành niềm tự hào của những người thợ mỏ mỗi khi hát lên. Một trong những tác phẩm như thế là “Tôi là người thợ lò” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Theo nhạc sĩ Đỗ Hoà An, “Tôi là người thợ lò” đúng là một trường ca, có vai trò “đóng đinh” một giai đoạn âm nhạc viết về thợ mỏ, đã trở thành điểm tựa, là hướng phấn đấu của mỗi nhạc sĩ hôm nay khi viết về thợ mỏ.
Hiện nay, lực lượng sáng tác nhiều nhất, chuyên tâm nhất về thợ mỏ vẫn là những người sống và làm việc ở Quảng Ninh. Họ là những người đã làm phong phú thêm đời sống âm nhạc Quảng Ninh như: Đỗ Hoà An, Xuân Quang, Lê Thêm, Vũ Đức Tạo, Lê Đăng Vệ, Ngọc Xuân, Đặng Xuyên, Nguyễn Thành Long v.v.. Nhiều ca khúc của họ đã thể hiện tình cảm gắn bó của nhạc sĩ với vùng đất Quảng Ninh như: “Thơ thợ lò” và “Lòng đất gọi” của nhạc sĩ Đỗ Hoà An; “Khúc cha cha cha của người thợ mỏ”, “Hòn than nhớ Bác” của nhạc sĩ Lê Thêm; “Gửi người một khúc ca Than”, “Vinh quang Than Việt Nam”, “Tình yêu biển và than”, của nhạc sĩ Lê Đăng Vệ; “Tâm tình người thợ mỏ”, “Thợ mỏ đến với Tây Nguyên”, “Vùng Than, tiếng hát mùa xuân”, “Tiếng hát từ Vùng Than”, “Hòn Gai, đất mỏ mến yêu” của nhạc sĩ Lê Chí Phúc; “Bài ca gửi anh thợ lò” của nhạc sĩ Phạm Dũng v.v..
Cùng với đó, lớp nhạc sĩ trẻ được đào tạo chính quy hứa hẹn một đội ngũ kế cận giàu tiềm năng như: Tuấn Đạt, Vũ Việt Hồng, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Mạnh Trung v.v.. Các sáng tác tiêu biểu của họ là “Biển trời Đông Bắc” của Phạm Minh Thắng, “Đêm ca ba” của Vũ Việt Hồng.
Về thể loại, nhìn lại những tác phẩm âm nhạc vừa nêu trên đa phần chỉ thấy ca khúc, riêng hợp xướng chỉ có “Vùng Than nhớ Bác” của nhạc sĩ Đỗ Hoà An, giao hưởng thì chỉ có “Biển trời Đông Bắc” của nhạc sĩ Phạm Minh Thắng. Nhạc sĩ Đỗ Hoà An lý giải: Viết nhạc bây giờ khó mà đạt được cái khí thế như thời của Hoàng Vân viết trường ca “Tôi là người thợ lò”. Âm nhạc giai đoạn hiện tại ít coi trọng ca từ và giai điệu mà chú trọng tiết tấu để cố gắng phản ánh cuộc sống đang hối hả, năng động, biểu hiện cái tâm tư thời đại đã thay đổi.
Nhạc sĩ Xuân Nhật, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Quảng Ninh, cũng cho rằng, đề tài Vùng mỏ và người thợ mỏ vẫn còn ở trong giai đoạn đang định hình và chưa vượt qua được lớp đàn anh đi trước. Nhạc sĩ Xuân Nhật đề nghị: Các tác phẩm âm nhạc cần đẩy đề tài lên tầm phổ quát để vươn xa trong một sự khái quát cao hơn nữa, để sao cho cả nước cùng hát, mọi người đều hát.
Tin rằng với tài năng và tâm huyết cùng một đề tài là máu thịt, gần gũi nhất, trong thời gian tới, các nhạc sĩ Quảng Ninh sẽ có được những tác phẩm lớn xứng tầm với đòi hỏi của đời sống âm nhạc cả nước, đòi hỏi của những công nhân mỏ yêu nhạc.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()