Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 07:49 (GMT +7)
Ấm nóng canh cải nấu rươi Đông về
Chủ nhật, 08/12/2019 | 16:35:01 [GMT +7] A A
Nói tới món rươi chắc hẳn nhiều thực khách không còn lạ lẫm. Thế nhưng rươi nấu canh rau cải theo cách truyền thống, kết hợp hài hoà vị ngọt thanh của rau cải với những chú rươi béo ruộm dịp cuối năm, thì chắc hẳn nhiều người chưa được thưởng thức.
Thơm ngon canh cải nấu rươi. |
Đến Đông Triều, dịp cuối năm, trong tiết trời se lạnh cũng là lúc người dân ở đây bắt đầu vào vụ săn rươi. “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm” là cách tính theo lịch âm nói về con nước thủy triều trên sông và thời điểm thuận lợi nhất cho thu hoạch rươi.
Theo những người dân dày kinh nghiệm bắt rươi hàng chục năm nay thì sở dĩ vùng sông Cầm và các bãi ven sông ở Đông Triều có rươi to và ngon là bởi khu vực này thường chịu ảnh hưởng của thủy triều, khiến nơi đây trở thành khu vực "2 nước". Rươi tên vốn là một họ giun nhiều tơ, có khoảng 500 loài chia làm 42 chi. Trong dân gian rươi còn được gọi là rồng đất. Môi trường sinh sống của rươi thường là ở các khu vực nước lợ, hoặc các khu vực tiếp giáp giữa môi trường nước lợ và nước ngọt. Rươi trưởng thành dài 60-70mm, bề ngang chừng 5-6mm. Thân mình dẹp với hơn 50 đốt màu hồng, xanh nhạt, nâu nhạt hay màu trắng. Rươi sống quanh năm dưới đất, trong lớp bùn đáy hay trong các ruộng nước nhạt. Đến mùa, rươi lại nổi lên mặt ruộng. Ngày nay, ngoài việc đánh bắt tự nhiên, người dân ven sông còn chủ động quây ruộng, tháo nước vào để nuôi rươi.
Từ lâu, rươi đã nức tiếng, là nguyên liệu để chế biến rất nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng như: Chả rươi, rươi kho niêu đất, rươi xào củ niễng, rươi rang muối, nem rươi... Nhưng nếu bạn muốn thưởng thức rươi theo một cách khác thì canh rươi nấu rau cải cũng chính là sự lựa chọn thú vị.
Đây là món ăn dân gian có từ lâu đời ở địa phương, được truyền lại. Trên cơ sở hương vị xưa, cách nấu cũ, các đầu bếp ngày nay đã sáng tạo thêm để hoàn thiện món ăn. Thực tế nấu canh rươi không hề khó tuy nhiên cần chuẩn bị kỹ và cầu kỳ ở khâu chọn nguyên liệu.
Rươi sau khi đánh bắt sẽ được được đem sơ chế ngay để đảm bảo độ tươi, ngon. Làm sạch rươi cần sự khéo léo, tỉ mỉ để không làm vỡ phần bụng của rươi. Chuẩn bị 1 bát nước lạnh to rồi thả rươi vào để rửa, loại bỏ bẩn, rác. Sau đó, vớt rươi ra, để ráo. Tiếp tục dùng nước nóng để làm sạch rươi, khuấy nhẹ rươi bằng đũa cho đến khi rụng hết lông trên thân rươi.
Lựa chọn rau cải cũng cần chú ý chọn loại rau cải đắng bản địa ở khu vực sông Cầm và một số nơi vẫn còn trồng. Trên thực tế, nay có nhiều loại cải canh đắng, cải lai, không chọn đúng loại, nấu sẽ giảm vị ngon. Thông thường, loại rau cải này được chăm khá lâu, gieo hạt từ tháng 7, chăm lớn trong tháng 8-9, tháng 10 có thể ăn được cho tới hết mùa rươi và Tết... Hiện nay, nhiều hộ dân ở Đông Triều vẫn trồng.
Rươi tươi còn giữ nguyên màu tự nhiên, đỏ mọng, bơi khỏe được sơ chế cẩn thận là nguyên liệu quan trọng cho món ăn ngon. |
"Sở dĩ chọn giống cải thuần giống với đặc trưng có vị hơi đắng này rất hợp với rươi. Khi có đủ nguyên liệu chế biến canh rươi rau cải khá đơn giản. Nồi nước dùng đun sôi, rồi mới cho rươi vào đun tới khi rươi chín nổi lên, ngấm vào, ngọt nước dùng, sau cùng mới cho rau vào... Gia vị có thêm gừng đặc biệt không thể thiếu là mỡ lợn. Độ béo của mỡ lợn có tác dụng làm giảm độ đắng, đằm của rau; vừa có tác dụng hạn chế độ tanh của rươi. Canh cải đun nhanh cho tới khi rau sôi chín bắc ra ăn nóng...", chị Nguyễn Thị Bích Phượng, Đầu bếp, chủ nhà hàng Ẩm thực sông Cầm Trung Thành (Đông Triều) có kinh nghiệm chế biến món ăn này, chia sẻ bí quyết nấu món ăn ngon.
Nồi canh thơm ngọt với rau cải xanh tươi nghi ngút khói trong tiết trời se lạnh thật thu hút. Không chỉ thơm ngon, dễ ăn mà đây còn là món ăn bổ, giá trị dinh dưỡng rất cao chứa nhiều loại muối khoáng quan trọng với sức khỏe.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()