Tất cả chuyên mục

Ăn mày là ai/ ăn mày là ta/ đói cơm rách áo, hoá ra ăn mày. Đó là những câu thơ rất nhân văn viết về những con người quá khốn khó, nghèo khổ, không còn kế sinh nhai nào khác để sống nên phải nương nhờ tới sự hảo tâm của người đời. Nhưng bây giờ, không hẳn là những người không còn đường kiếm sống mới làm ăn xin.
Ăn mày nơi cửa chùa. (Ảnh chụp tại chùa Long Tiên - TP Hạ Long).
Muôn nẻo “vào nghề”
Sau rất nhiều lần thuyết phục, tôi mới có thể tiếp cận ông L.V.P, một người làm nghề ăn mày đã có thâm niên tại chợ Hạ Long 2. Dáng vẻ ngoài gày gày, khuôn mặt phúc hậu tưởng như an nhàn, vậy mà ít ai nghĩ rằng người đàn ông này đã mưu sinh bằng nghề ăn mày ở khắp nơi đã được gần chục năm rồi. Ông kể: Quê ở Thanh Hoá, nhà nghèo quá, con cái tự nuôi thân còn chẳng đủ ăn nên không đứa nào thèm quan tâm đến bố mẹ. Từ ngày vợ ông mất đi, niềm an ủi tuổi già dường như cũng chẳng còn, ông sống vất vơ như cái bóng. Từ năm 2000, làng ông rộ lên cái “mốt” mưu sinh bằng nghề ăn mày. Có người làm nghề ăn mày được hơn 1 năm về nhà đủ tiền xây một cái nhà mái bằng. Thế là dù không hẳn đã hết đường mưu sinh, dù vẫn có mái nhà nương náu nhưng ông P vẫn quyết định theo cái “mốt” ấy...
Ông nhớ lại lần đầu tiên theo chân một người đồng hương (cũng làm nghề ăn mày) lên Hà Nội để hành nghề là năm 2002. Lúc đó đi ăn xin ông còn ngượng nghịu, vụng về lắm. Chỉ dám đứng một chỗ lắp bắp vài câu, người ta thương thì cho, không cho thì thôi, chẳng dám nài. Để xin được tiền cũng không phải dễ, ông P cũng phải được đồng hương “phụ đạo” thêm vài ngón nghề cơ bản: Từ dáng đi thế nào, quần áo thế nào, cách xin ra sao để người ta thương... Dần dà thành quen lúc nào chẳng biết. Ông P có hẳn một “đội” toàn là những người già chuyên làm nghề ăn mày tại các khu phố cổ của Hà Nội. Ngày ăn xin, tối lại tập trung ở nhà trọ chân cầu Long Biên để ngủ. Ông bảo, thời bấy giờ, ăn xin còn ít nên xin ở Hà Nội dễ lắm, được nhiều người cho. Có hôm may mắn được ông bà Tây nào cho chục đô la là có thể sống được cả tháng. Thu nhập một tháng trừ chi phí ăn, ngủ cũng dành ra được một vài trăm. Kiếm được tiền dễ thế nhưng giữ tiền chẳng dễ chút nào. Chuyện bị trấn lột tiền, rồi đóng “thuế” khu vực cho dân giang hồ là chuyện thường. Ai không đóng cũng chẳng yên thân được. Có lần không chịu nộp tiền cho bọn chúng, ông bị đánh một trận nhừ tử phải vào bệnh viện mất 1 tuần. Ra viện, đi đến đâu cũng bị phá, chẳng xin được gì. Vậy là ông cùng một vài người trong đội quyết định đến tỉnh khác làm ăn. Bôn ba chán ở Hải Phòng, Nam Định, Phú Thọ... mãi đến năm 2007 ông P về Quảng Ninh. Từ đó đến nay, ông P vẫn trung thành với vùng đất này, bởi theo ông: Quảng Ninh là đất du lịch nên kiếm sống cũng dễ. Địa bàn hoạt động cũng chỉ loanh quanh một vài điểm chợ lớn, đền chùa thôi… Tôi hỏi liệu ông có định về quê nữa không? Hồi lâu, ông P mới nói xa xôi, không hẳn là khẳng định: Ngót nghét gần 70 tuổi rồi còn gì, sắp về với đất rồi, cũng phải chọn nơi mà nằm xuống chứ. Nhưng nghe nói ở quê con cháu chúng nó bán nhà bán ruộng cả rồi, đi làm ăn tứ xứ. Giờ muốn về không biết ở vào đâu, sống bằng gì...
Ở phố Ẩm Thực (TP Hạ Long) không ai là không biết H “béo”. Thoạt nhìn dáng vẻ mập mạp của cậu bé chừng 7-8 tuổi này chẳng ai nghĩ hàng ngày H vẫn lê la khắp các nhà hàng, khu chợ để xin ăn. Trước H ăn xin cùng mẹ, nhưng nay tách ra “làm ăn” riêng vì như thế sẽ xin được nhiều tiền hơn. Chẳng biết mức “thu nhập” bao nhiêu nhưng cứ lúc “nhàn rỗi”, ít khách, lại thấy H trong hàng điện tử “luyện game” say mê. Va vấp vào cuộc sống sớm khiến cho H trở nên sành sỏi và trơ lì hơn. H hùng hồn tuyên bố: Cứ cho tiền là sai gì em cũng làm!
Điều đáng ngạc nhiên là không chỉ có đối tượng người già, trẻ nhỏ mới đi ăn xin mà hiện nay, nhiều đối tượng còn trong độ tuổi lao động (chủ yếu là phụ nữ) nhưng vẫn chọn nghề ăn xin để mưu sinh. Câu chuyện của chị V.T. Ng chuyên đi xin ở các chợ lớn tại TX Cẩm Phả cũng được nhiều người lưu tâm. Hẳn những bà nội trợ, những người đàn ông hay ngồi lai rai tại các quán nhậu của Cẩm Phả vẫn chưa quên được hình ảnh một người phụ nữ to béo, trạc 40 tuổi chuyên bế theo một đứa bé để đi xin tại các chợ và các quán nhậu của thị xã. Rồi lần lượt Ng có thêm 2 rồi 3 đứa con nữa. Bốn mẹ con, một đứa lon ton cầm mũ chạy theo mẹ xin tiền, một đứa địu sau lưng và đứa nhỏ nhất được bế trên tay khiến không ít người xót xa thương những đứa bé ngây thơ sớm phải chịu cảnh cơ cực nhưng rồi cũng lại giận người mẹ vô trách nhiệm, biết khổ vẫn cứ đẻ. Thi thoảng người ta bắt gặp một người đàn ông gầy gò đi thụt lại phía sau. Đó là một gia đình. Ngày thì lang thang đi xin, tối lại về khu chợ Cũ để trải chiếu ra ngủ.
Theo mẹ mưu sinh.
Có hay không cơ hội tìm nghề mới?
Bẵng đi một thời gian không gặp Ng bế con đi lang thang ở các chợ nữa. Tình cờ trong câu chuyện về những người ăn xin, tôi đã hỏi mấy người bạn xem có biết gì về người phụ nữ ấy không. Vậy là mọi người ồ lên bảo: Chuyển nghề rồi, không ăn xin nữa.
Tò mò, nên mấy hôm sau theo sự chỉ dẫn của mấy người bạn tôi đã đến đầu đường Lâm nghiệp (TX Cẩm Phả) để gặp Ng. Cô bây giờ đã sắm thêm chiếc thúng ngồi bán ngô luộc. Vừa đảo bắp, Ng bồi hồi kể lại: Quê ở Hưng Yên nhưng bố mẹ mất sớm nên anh em ly tán mỗi người một nơi. Cách đây gần 10 năm, Ng ra đất Cẩm Phả làm thuê, làm mướn kiếm sống rồi gặp Th (chồng Ng bây giờ). Yêu nhau rồi có thai đến lúc sinh con song không tìm được việc nên đành bế con đi xin. Rồi cứ đứa này chưa lớn lại đã có thai đứa tiếp và hành nghề ăn xin lâu rồi cũng quen vả lại con cái nheo nhóc thế không ăn xin thì biết làm gì? Ng ngậm ngùi kể: Nhiều khi đi xin thấy người ta mắng cho, to khoẻ thế không gửi con mà đi làm thuê lại đi ăn xin thì cũng thấy cực lắm… Bây giờ các con lớn rồi, đứa lớn thì cũng phải đi học, rồi cũng phải thuê nhà trọ để kê cái bàn cho nó học chứ. Vậy là bàn đi tính lại mãi, hai vợ chồng quyết định bỏ nghề. Vợ thì đi bán ngô luộc còn chồng thì đi bơm vá xe đạp. Tằn tiện cũng đủ qua ngày cô ạ, nhưng quan trọng là con mình đi học nó không phải xấu hổ vì mẹ là ăn mày nữa...
Một điều đáng mừng là thời gian gần đây, được sự quan tâm của tỉnh, đặc biệt là sự sâu sát của chính quyền địa phương sở tại đã tạo điều kiện cho các đối tượng hành nghề ăn xin trở về quê hương sinh sống làm ăn hoặc tìm kiếm việc làm mới. Tại Chợ Hạ Long 2, một trong những điểm tập trung khá nhiều đối tượng ăn xin của TP Hạ Long nay đã chuyển sang ngành nghề khác như: Phu hồ, buôn bán đồng nát, bán bánh kẹo dạo, bán báo... Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Trong vài năm trở lại đây thì số đối tượng lang thang, sống bằng nghề ăn xin trên địa bàn tỉnh không nhiều, chủ yếu tập trung ở một số điểm du lịch lớn tại TP Móng Cái, TX Cẩm Phả, TP Hạ Long, TX Uông Bí. Đa số các đối tượng ăn xin là từ các vùng khác đến như: Thanh Hoá, Thái Bình, Nghệ An...
Để hạn chế tình trạng người lang thang hoạt động ăn xin gây mất mỹ quan đô thị, hàng năm Sở đã tham mưu với UBND tỉnh để có những chính sách tập trung các đối tượng này lại. Đối với trường hợp đối tượng điều tra được quê quán hoặc còn thân nhân thì sẽ tạo điều kiện đưa trở về địa phương. Riêng với các đối tượng người già, trẻ nhỏ không còn thân nhân, sẽ được đưa về các Trung tâm Bảo trợ xã hội tại địa phương để chăm sóc, phụng dưỡng. Ngoài ra, đối với các đối tượng lang thang trong độ tuổi lao động, hàng năm tỉnh cũng tổ chức một số lớp dạy nghề cho các đối tượng này, giúp họ có điều kiện kiếm sống từ sức lao động của chính mình. Điều quan trọng là bản thân các đối tượng cũng phải tự nhận thức được vấn đề, biết sống bằng chính sức lao động của mình, nếu không cũng không thể giải quyết dứt điểm vấn đề này được.
Ý kiến (0)