Sen
Trong cuốn Thảo mộc quanh nhà, thực dưỡng và làm thuốc của lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện hàn Lâm Khoa học và Công nghệ, cây sen hay còn gọi là liên nhục, liên tâm... gieo bằng hạt hoặc trồng bằng thân rễ (ngó sen) ở ao, hồ. Đây là loại cây có rất nhiều công dụng, từ lá, hoa, hạt, tâm, nhụy sen... Đặc biệt, hạt sen ngoài giá trị cao trên thị trường quốc tế để thực dưỡng thì còn cho nhiều vị thuốc quý.
Liên ngẫu - thân rễ sen hay còn gọi là ngó sen, vị ngọt, nhựa dính, tính mát, làm thức ăn, chủ trị tử cung xuất huyết, di tinh, dùng khô 20-30 g mỗi ngày, có thể nấu canh hoặc sắc uống. Hà diệp (lá sen) và cuống sen vị đắng, tính mát, tác dụng chỉ huyết, chủ trị các loại xuất huyết. Hoa sen vị ngọt đắng, tính mát, tác dụng an thần, chủ trị mất ngủ, dùng 2-4 g một ngày, hãm hoặc sắc uống.
Liên tâm (tâm sen) vị đắng, ngọt, tính lạnh, tác dụng dưỡng tâm, an thân, chủ trị tim đập nhanh, khó ngủ, ngủ mê, hãm hoặc sắc uống 2-4 g mỗi ngày. Liên tu (nhụy sen, tua sen) vị ngọt, tính ấm, tác dụng thanh tâm, thông thận, làm đen tóc. Cuối cùng là hạt sen vị ngọt tính bình, hơi chát, tác dụng bổ tâm tỳ, ích khí lực, mạnh trí, minh mẫn; chủ trị yếu mệt, mất ngủ, kém ăn, hay quên.
Hai bài thuốc từ hạt sen trị mất ngủ, kém ăn như sau:
Hạt sen 16 g, hoài sơn (củ mài) 12 g, sâm bố chính 12 g, tán bột mịn, pha với mật ong uống 20-30 g mỗi ngày. Hoặc hạt sen, củ mài cùng long nhãn nấu chè ăn hàng ngày.
Hạt sen khô còn chữa chứng ỉa chảy kéo dài, ít ăn, gầy yếu ở trẻ em bằng cách đem tán bột mịn, uống 8-16 g mỗi ngày lúc đói.
Ý kiến ()