Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 20:03 (GMT +7)
Đảm bảo an toàn phòng dịch khi du xuân
Thứ 2, 07/02/2022 | 11:01:47 [GMT +7] A A
Đầu xuân đi lễ đền, chùa đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống người Việt. Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng người dân đến các đền, chùa vẫn rất đông. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách, công tác phòng chống dịch luôn được các cơ sở đặt lên hàng đầu.
Trong những ngày Tết Nguyên đán, các điểm di tích như danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng, đền Cửa Ông,… đã thu hút hàng vạn du khách đổ về du xuân. Theo thống kê, trong 5 ngày Tết, các điểm di tích thuộc Khu di sản nhà Trần (TX Đông Triều) đã đón khoảng 36.000 lượt khách; quần thể di tích đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) cũng đón gần 34.000 lượt khách đến tham quan, vãn cảnh và dâng lễ. Cao nhất tại Yên Tử, lượng khách đến trong ngày mùng 1 Tết đã đạt gần 1.500 khách và lũy kế gia tăng gấp đôi trong các ngày tiếp theo, riêng mùng 5 Tết cao điểm đạt gần 22.000 khách.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên địa bàn. Năm nay, tại các đền, chùa, di tích lịch sử văn hóa đều không tổ chức hoạt động văn hóa và phần hội nhằm hạn chế tập trung đông người mà chỉ có nhân dân, du khách tới tham quan, vãn cảnh và chiêm bái. Theo ghi nhận, tại các cơ sở thờ tự, điểm di tích đã dán mã QR tại cổng vào để người dân quét mã, khai báo y tế cũng như chuẩn bị nước sát khuẩn, khẩu trang phục vụ người dân và du khách. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động, nhắc nhở nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, Ban quản lý di tích, các cơ sở thờ tự cũng thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử khuẩn bề mặt các khu vực trưng bày, khu làm việc và dịch vụ theo đúng quy định; tổ chức phân luồng, đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan, bảo đảm giãn cách an toàn khi tiếp xúc… Tại các cơ sở đều được trang bị bảng biển hướng dẫn, nội dung khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19; thông báo số điện thoại đường dây nóng cần hỗ trợ, báo cáo tình hình dịch về Sở Y tế.
Với lượng người tăng cao trong dịp Tết, Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử đã tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch bệnh như treo pano, đặt các màn hình lớn với thông điệp phòng chống dịch tại các địa điểm công cộng trong toàn khu vực. Cùng với đó, Ban quản lý trang bị hơn 10 máy đo nhiệt độ để kiểm soát cho tất cả du khách; kiểm tra thân nhiệt từ xa; trang bị dung dịch xịt tay sát khuẩn, bổ sung thêm tủ thuốc đặt tại các điểm thường trực trên dọc tuyến hành hương; các trạm sơ cấp cứu được tăng cường bác sĩ, y tá, bổ sung thuốc, dụng cụ y tế nhằm đảm bảo điều kiện để phòng chống dịch. Các điểm chùa, bến xe, nhà ga, hệ thống cabin cáp treo, nơi ở và làm việc của người lao động các đơn vị, nhà hàng, cơ sở kinh doanh tại di tích được phun thuốc khử trùng.
Tại TX Quảng Yên, Lễ hội Tiên Công năm nay không tổ chức phần hội, chỉ thực hiện theo quy mô thu gọn với nghi thức phần lễ, phục vụ các đoàn dẫn lễ Cụ Thượng 80, 90, 100 tuổi vào miếu Tiên Công lễ tổ. Các nhà thờ họ mở cửa, không tổ chức tế lễ linh đình. Các đoàn lễ được điều tiết giữ khoảng cách và thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân về dự lễ. Được biết, con cháu ở các dòng họ đưa các cụ thượng về miếu Tiên Công làm lễ theo khung giờ đăng ký từ trước với ban tổ chức. Các gia đình cụ thượng về miếu làm lễ không quá 30 người, vì vậy không có tình trạng tập trung đông người cùng lúc ở miếu.
Còn tại TP Cẩm Phả, ngay trước Tết, Ban quản lý Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông – Cặp Tiên đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị tổ chức lễ hội mừng Đảng, mừng Xuân và lễ hội đền Cửa Ông năm 2022. Theo đó, Lễ hội Đền Cửa Ông năm nay vẫn tổ chức nhưng chỉ tổ chức các nghi lễ thuộc phần lễ, không tổ chức lễ rước và phần hội. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới.
Ông Phạm Thành Trung, Trưởng Ban quản lý Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông - Cặp Tiên, cho biết: Chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch và các phương án xử trí khi có trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, đề ra các giải pháp ứng phó với tình huống xảy ra, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm trường hợp có nguy cơ; đồng thời, chủ động phương án hậu cần, cách ly, xét nghiệm, điều trị, để kịp thời ứng phó theo nguyên tắc "3 trước, 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng". Đặc biệt, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân và du khách trên 6 cụm loa truyền thanh. Tại các vị trí trong khuôn viên của đền, chúng tôi bố trí nhân viên thường xuyên nhắc nhở du khách đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, tuân thủ quy định 5K trong phòng, chống dịch.
Với việc thích ứng diễn biến của dịch bệnh, không chỉ các cơ sở thờ tự thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch mà chính người dân cũng chủ động bảo vệ bản thân mình. Chị Hồ Thị Thu Hằng, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, chia sẻ: Do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 nên gia đình tôi chủ động đi lễ chùa từ sớm để tránh tập trung đông người. Khi vào trong chùa, mọi người đều có ý thức phòng dịch, đeo khẩu trang đầy đủ nên chúng tôi khá yên tâm.
Phong tục đi lễ đầu xuân của người dân còn kéo dài trong cả tháng Giêng. Vì vậy, việc đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch tại các cơ sở thờ tự là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, người dân cũng cần hạn chế tập trung, nâng cao ý thức, giữ an toàn cho cộng đồng, tạo điều kiện duy trì các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của các địa phương.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()