Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 18/12/2024 09:50 (GMT +7)
Anh hùng, liệt sĩ Lê Văn Lương
Chủ nhật, 18/10/2020 | 14:54:15 [GMT +7] A A
Nếu ai đó có dịp đến huyện Đầm Hà thì dễ nhận thấy khu phố nằm ở trung tâm huyện và cũng là khu phố đẹp nhất huyện mang tên Lê Lương, người con ưu tú của huyện Đầm Hà. Ông là người chỉ huy quân sự tài tình, gan dạ, mưu trí dũng cảm lập nhiều chiến công trong các trận phá tề, trừ gian, tiễu phỉ được mệnh danh là “Hùm xám miền Đông” trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Anh hùng liệt sĩ Lê Lương có người con duy nhất là bà Lê Thị Kíu, 82 tuổi hiện đang sinh sống cùng các con ở phố Hoàng Ngân, thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà. Về ký ức của người cha, bà Kíu không nhớ nhiều, bà bảo bởi khi đó bà còn nhỏ, còn bố bà luôn vắng nhà và công việc ông phải luôn giữ bí mật, nên không tâm sự cùng gia đình. Bà chỉ nhớ bố bà là người giỏi tiếng Pháp, ông hoạt động trong lòng địch, nên nhờ đó ông đã cứu sống được 2 chiến sĩ cách mạng của ta ra khỏi nhà tù địch và sau này họ đều là những cán bộ cấp cao của tỉnh.
Bà Kíu không ngăn được những dòng nước mắt khi nhớ về bố mình. |
Trò chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng bà Kíu lại lấy tay lau dòng nước mắt, khi kể lại quãng thời gian bố hoạt động bí mật trong lòng địch. Gia đình bà phải sống nặng nề trong sự kỳ thị của nhiều người, vì hiểu nhầm rằng bố bà đã phản bội cách mạng theo địch. Nỗi oan ức không thể nói ra được vì phải giữ bí mật, cho đến ngày kháng chiến thành công đã trả lại sự trong sạch cho gia đình bà. Bà rất tự hào khi tên bố mình được đặt tên cho con phố đẹp nhất huyện Đầm Hà, thể hiện lòng kính trọng và tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân với những người có nhiều công lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Theo cuốn “Lịch sử truyền thống 70 năm huyện Đầm Hà” thì anh hùng liệt sĩ Lê Lương (tên khai sinh là Lê Văn Lương) sinh ra trong gia đình nông dân gồm 4 anh chị em tại xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà ngày nay. Ngay từ khi mới 10 tuổi, ông đã cùng gia đình tham gia các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp.
Chân dung Anh hùng, liệt sĩ Lê Lương (ảnh do gia đình bà Kíu cung cấp) |
Từ năm 1935 – 1944, Lê Lương tham gia hoạt động bí mật trên địa bàn các huyện Đầm Hà, Tiên Yên và Hà Cối (nay là Hải Hà). Năm 1944, ông tham gia lực lượng vũ trang của Mặt trận Việt Minh, được phân công đặc trách công tác quân sự, hoạt động vũ trang tuyên truyền từ Đầm Hà đến Móng Cái, chỉ huy lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu và giành nhiều thắng lợi trong các trận phá tề, trừ gian và tiễu phỉ.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Lê Lương làm Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 426 (nay là Đoàn 74, thuộc Tổng cục II - Bộ Quốc phòng), chuyên hoạt động trinh sát ở các tỉnh Đông Bắc Bộ gồm các huyện Hải Ninh, Hồng Quảng, Lạng Sơn, Bắc Giang. Tháng 3/1946, ông được điều về Đầm Hà làm Đại đội trưởng Đại đội vũ trang tuyên truyền phụ trách việc tuyển lựa, tập hợp thanh niên huấn luyện, tuyên truyền giáo dục, chuẩn bị vũ khí, lương thực cho cuộc tiến công giải phóng Móng Cái.
Tháng 5/1946, đồng chí Lê Lương đã tổ chức cho đồng chí Nguyễn Xuân Trúc (sau này làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hải Ninh) và đồng chí Đặng Thị Dung (sau này là Bí thư Đảng đoàn Hội Phụ nữ tỉnh) trốn tù thành công. Sau đó, ông bị lộ, rồi bị địch bắt, nhưng ông đã trốn khỏi nhà tù của địch, rồi ông tiếp tục được tổ chức điều về Tiên Yên tham gia chỉ huy, chiến đấu chống Pháp, tiễu phỉ. Vì thế, suốt nhiều năm trong cuộc kháng chiến, Tiên Yên luôn là căn cứ tin cậy của cách mạng.
Con đường đẹp nhất của huyện Đầm Hà hiện mang tên người anh hùng Lê Lương. |
Tháng 3/1947, đồng chí Lê Lương được điều về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 426, là Tiểu đoàn chủ lực của Chiến khu 12, có nhiệm vụ cơ động đánh địch lấn chiếm, càn quét, diệt tề và bọn phản động ở vùng Đông Bắc. Mặc dù thời điểm đó, vũ khí trang bị của quân ta còn thô sơ, nhưng với tài chỉ huy quân sự của đồng chí Lê Lương, Tiểu đoàn chiến đấu dũng cảm, giành nhiều thắng lợi làm cho quân địch ở khu vực Đông Bắc bị tổn thất nặng nề. Đơn vị của ông nổi tiếng khắp vùng khiến quân địch khiếp sợ và đặt biệt danh cho ông là “Hùm xám miền Đông”.
Tháng 8/1947, đồng chí Lê Lương đã vinh dự được gặp Bác Hồ và được Bác biểu dương khen ngợi về thành tích học tập, tài năng chỉ huy chiến đấu dũng cảm.
Đêm 28/10/1947, Tiểu đoàn do đồng chí Lê Lương chỉ huy đánh đồn Na U. Đây là đồn rất quan trọng của địch chiếm cắt trục đường số 4 là đường chiến lược nối Đông Bắc với Việt Bắc. Quân địch cố thủ trong lô cốt dùng súng chống trả quyết liệt. Trong trận đánh này, người Tiểu đoàn trưởng kiên cường dũng cảm Lê Lương đã anh dũng hy sinh và tên tuổi cùng những chiến công vang dội của ông đã vang vọng khắp non sông và làm rạng rỡ quê hương Đầm Hà.
Năm 1998, Tiểu đoàn trinh sát 74 do ông chỉ huy đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và năm 2002, đồng chí Lê Lương được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()