Tất cả chuyên mục

Cùng với danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND, ông Nguyễn Tiến Thụ còn được mọi người biết đến với biệt danh “Vua phá bom nổ chậm” ở Điện Biên Phủ. Trong quãng đời khi còn công tác, ông có thời gian gắn bó với công tác Đoàn ở Vùng mỏ. Trò chuyện với PV Báo Quảng Ninh, ông bảo đó chính là những năm tháng đẹp nhất cuộc đời mình...
![]() |
Anh hùng LLVTND Nguyễn Tiến Thụ. |
Ông Nguyễn Tiến Thụ kể:
+ Tôi đến Quảng Ninh từ năm 1951, khi mới 17 tuổi, tham gia chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Vào chiến dịch, chúng tôi tải đạn ra chiến trường, chuyển thương binh về hậu phương chủ yếu đến đường 18 chỗ Mạo Khê, Đông Triều hiện nay. Lúc đó chiến dịch khó khăn thiếu thốn đủ bề. Đồng đội ốm đau dịch bệnh liên miên, thuốc men chẳng có, nhiều lúc phải đốt cả lán đi để dập dịch…
- Thưa ông Nguyễn Tiến Thụ, sau những chiến dịch ác liệt nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều người trở về từ chiến trường như ông thường ở lại Hà Nội hay là về xây dựng quê hương. Vậy mà ông lại đến với Vùng mỏ mà thời kỳ ấy đang rất gian khó và đây cũng không phải là quê hương…?
+ Sự thể là thế này: Năm 1956 tôi được điều về làm công tác tổ chức ở Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam. Tôi được cử đi để lấy thực tế, lấy kinh nghiệm về hoạt động Đoàn ở vùng công nghiệp mỏ. Sau chuyến công tác 10 ngày ở vùng công nghiệp mỏ đó, tôi xung phong xuống Hồng Quảng, đó là năm 1957... Những ngày ở Vùng mỏ tuy ngắn ngủi, nhưng tôi nhận ra rằng, con người nơi đây giản dị lắm, đời sống thì khó khăn quá, cán bộ Khu đoàn chỉ có chừng 10 người, rất thiếu cán bộ để xây dựng tổ chức. Thế mà, ngày đó, tôi cũng phải vận động mãi mới được đồng ý cho về công tác tại Vùng mỏ…
- Quả thật là một chi tiết thú vị, vậy ông có thể kể rõ hơn về lý do vì sao lại phải vận động mãi mới được đi?
+ Thật may là nhờ ý kiến của đồng chí Nguyễn Lam, hồi đó đang làm Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Lam phân tích rằng: …Hồng Quảng là trọng điểm kinh tế, cũng là vùng khai thác than lớn nhất cả nước, có ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển kinh tế đất nước lúc đó, vì vậy, phải đưa cán bộ Đoàn về bổ sung là tất yếu. Vậy là, Trung ương Đoàn đồng ý cho về Quảng Ninh nhưng cũng đặt ra điều kiện chỉ đi một năm thôi để có được thực tế công nhân, để phát triển toàn diện. Không ngờ, tôi ở Vùng mỏ suốt 20 năm trời đến tận năm 1977 khi miền Nam đang cần cán bộ, Trung ương Đoàn điều tôi vào. Lúc đó, tôi mới xa Quảng Ninh. Nhưng vợ con vẫn ở đấy…
Ông Nguyễn Tiến Thụ, sinh năm 1934 tại thôn Đình Cả, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ông nguyên là Đội phó Đội phá bom, Đội 40 TNXP Điện Biên Phủ, với nhiệm vụ mở các tuyến đường chiến lược vào Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại đây, ông cùng đồng đội vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm, có nhiều sáng kiến, tìm ra nguyên lý phá các loại bom đảm bảo giao thông thông suốt ở những “toạ độ lửa”. Từ năm 1957 đến năm 1977, ông tham gia công tác Đoàn ở Khu mỏ Hồng Quảng, sau này là tỉnh Quảng Ninh. Ông Nguyễn Tiến Thụ được bầu làm Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ninh khoá II (1972-1977). Năm 1977, từ Quảng Ninh, ông được Trung ương Đoàn điều động vào Nam bổ sung cán bộ cho phong trào thanh niên miền Nam. Năm 1982, ông được cử sang Liên Xô (cũ) nay là Liên bang Nga làm Trưởng Ban Cán sự Đoàn và được bầu là Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Việt Nam ở Liên Xô. Năm 1986, ông về nước nhận công tác tại Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến lúc nghỉ hưu. Hiện nay, ông sinh sống cùng gia đình ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Ghi nhận những công lao đóng góp của ông trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ngày 23 tháng 7 năm 2014, Chủ tịch Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 1666 phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho cựu TNXP Nguyễn Tiến Thụ. |
- Thưa ông, xin được mạo muội hỏi: Thực ra có khi nào ông băn khoăn với quyết định về Hồng Quảng?
+ Nói thực là không. Tôi không chút nuối tiếc khi tạm biệt Hà Nội với phòng ốc đẹp đẽ, có cả điện thoại dây, xe đạp riêng để về với Vùng mỏ. Ở tuổi 23, mà về Hồng Quảng làm công tác tổ chức đi lại lăn lộn lên khai trường vất vả vô cùng. Nhưng lúc nào tôi cũng thấy vui, hạnh phúc với công việc của mình. Chính nhờ những năm tháng lăn lộn với công nhân đã cho tôi những chất liệu sống, kinh nghiệm làm việc vô cùng quý giá…
- Ông có thể kể lại một vài kỷ niệm về những năm tháng ấy?
+ Kỷ niệm nhiều nhất vẫn là những chuyến lên mỏ hay xuống thực tế với dân. Tôi thường xuyên lên mỏ, dù mùa đông giá rét cũng vẫn đi nào là Vàng Danh, Đèo Nai, Thống Nhất... Tuần nào cũng cùng thợ mỏ lên tầng rồi chui lò. Không ai bảo nhưng tôi vẫn đi. Tôi đi tìm người làm Bí thư chi đoàn. Mỗi cái xe đạp cà tàng vậy mà tôi cũng đã ra tận một số đảo ở Vân Đồn. Có khi tôi ở cả tháng chẳng về cơ quan, ở lại bám dân, đói thì húp cháo với dân để làm công tác Đoàn. Cũng nhờ đi cơ sở húp cháo với dân mà tôi… có vợ. Trong một đợt đi thực tế ở Xí nghiệp gạch ngói Giếng Đáy, tôi quen và yêu một cô công nhân ở đây. Năm 1960, tôi lập gia đình ở Hồng Quảng. Bốn đứa con của tôi cũng được sinh ra ở Vùng mỏ…
- Từ lúc ông mới về Hồng Quảng, tình hình tổ chức của Khu đoàn, sau này là Tỉnh Đoàn như thế nào, thưa ông?
+ Lúc tôi về cán bộ rất thiếu. Ban Tổ chức của Khu đoàn cũng chỉ có một mình tôi. Tôi làm công tác tổ chức, ông Vũ Cẩm phụ trách công nghiệp. Đoàn viên cũng rất thiếu. Tôi tham gia Ban Chấp hành, tham gia thường trực, rồi Phó Bí thư, ông Vũ Cẩm làm Bí thư. Khi ông Vũ Cẩm được điều đi làm Trưởng Ban Tuyên huấn, tôi lên thay. Cuối năm 1976, ông Bình Giang được điều từ Vàng Danh lên, tôi chuẩn bị được rút vào Nam…
- Thưa ông, phải chăng việc thành lập lực lượng Thanh niên Kiểm tra cũng là một trong những kinh nghiệm quý như trên ông vừa nói?
+ Đúng thế. Tôi cùng với ông Lê Mai, Trưởng Ty Công an thành lập lực lượng Thanh niên Kiểm tra dựa trên sự phối hợp giữa Công an và Đoàn Thanh niên. Ngày đó, chỉ ở Vùng mỏ chứ chưa đâu có lực lượng này. Cái thẻ Thanh niên Kiểm tra đặc biệt ấy do ông Lê Mai ký một bên, tôi Bí thư Khu đoàn ký một bên như “căn cước” đặc biệt cho lực lượng này...
![]() |
Ông Nguyễn Tiến Thụ (phải) và ông Vũ Cẩm cùng các con của hai gia đình tại Khu tập thể Tỉnh Đoàn, ở Dốc Bồ Hòn (Hạ Long) năm 1970. (Ảnh: Tư liệu của ông Nguyễn Tiến Thụ). |
- Nghe ông kể chuyện, tôi có cảm nhận, dường như với ông, Quảng Ninh có một vị trí rất đặc biệt?
+ Tất nhiên rồi. Bắc Ninh là nơi tôi sinh ra. Quảng Ninh là quê hương thứ hai của tôi. Quảng Ninh mới là nơi gắn với đoạn đời tuổi trẻ đẹp đẽ nhất của tôi. Ký ức về những tháng ngày đó còn sống mãi trong tôi. Đến tận bây giờ, từng con đường, ngõ phố, ngóc ngách nào ở Quảng Ninh tôi cũng biết, cũng nhớ...
- Thế còn với phong trào Đoàn ở Quảng Ninh hiện nay, chắc ông vẫn thường xuyên quan tâm chứ ạ?
+ Cũng có theo dõi nhưng thú thực là không nhiều lắm. Mỗi năm, tôi cũng về Quảng Ninh vài lần. Tôi còn nhiều bạn bè ở đó. Tôi nghĩ, về công tác Đoàn thì mỗi thời mỗi khác. Thời tôi hoạt động trong khó khăn thiếu thốn. Bây giờ khác nhiều, vật chất đầy đủ hơn, đời sống cao hơn. Nhưng quần chúng thì vẫn vậy, vẫn hừng hực nhiệt tình và khí thế. Nếu lãnh đạo trong sáng thì sẽ luôn phát động được quần chúng. Xin đừng bảo quần chúng thanh niên bây giờ thế nọ, thế kia. Tôi cứ suy như em mình, con mình rồi đến cháu mình mà ra cả, họ có kiến thức và có lòng hăng hái nữa. Tôi nghĩ công tác Đoàn, phong trào thanh niên bây giờ phải hướng họ đi vào khoa học kỹ thuật, lập nghiệp lập thân bằng khoa học kỹ thuật…
- Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Phạm Học (Thực hiện)
Ý kiến (0)