Tất cả chuyên mục

Trần Ngọc Giao sinh năm 1956, quê ở phường Hà Tu (TP Hạ Long) hiện định cư ở Bình Dương, nguyên là chiến sĩ tăng thiết giáp của Binh đoàn Cửu Long. Năm 1979, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Mới đây ông đã về thăm quê hương Quảng Ninh và chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thật thú vị...
- Thưa ông, định cư ở miền Nam đã khá lâu rồi, vậy ông có thường về thăm quê không ạ?
+ Ồ, năm nào tôi cũng về ít nhất là một lần, mà thường là kéo dài cả tháng, có khi tới vài tháng ấy chứ. Tôi còn mẹ già ở đây, với lại nghỉ hưu rồi nên cũng rảnh rỗi. Tôi về quê thăm quê, thăm mẹ và đi đây đi đó thăm anh em đồng đội. Nói thật với anh, tôi xây cho mẹ một ngôi nhà để thỉnh thoảng mình về ở với mẹ, mua luôn một chiếc xe máy để mỗi khi về lại lang thang... Có khi từ Hạ Long tôi một mình một xe lên tận Việt Trì, Phú Thọ chỉ để gặp anh em chiến hữu cũ. Đi đến đâu cũng có bạn, chơi ở mỗi nhà vài hôm. Cái tính ham đi, ham phiêu dạt của tôi có từ thời lính đến giờ. Đến vợ tôi cũng còn phải lắc đầu… chào thua! (cười)…
- Với một người lính, hẳn là những ngày đầu tiên nhập ngũ với ông không thể quên được?
+ Phải, đó là vào tháng 2 năm 1975. Tôi làm đơn xung phong nhập ngũ và được tuyển lựa làm lính xe tăng. Anh biết không, tuyển chọn cũng khắt khe lắm mới được đấy. Thời đó lính tăng có giá lắm, chỉ đứng sau mấy anh chàng không quân thôi. Đợt của chúng tôi nhận nhiệm vụ hành quân vào Sài Gòn, hỗ trợ cho mũi tiến công thứ nhất. Chúng tôi chỉ mong nhanh vào giải phóng miền Nam. Thế nhưng, khi chúng tôi hành quân được nửa đường thì vui mừng nhận tin miền Nam đã giải phóng. Chúng tôi nhận lệnh tiếp tục hành quân đến tháng 8-1975 thì đặt chân đến Sài Gòn…
- Nói vậy là đơn vị của ông “chậm chân”, chỉ vào để tiếp quản Sài Gòn?
+ Đúng vậy. Chúng tôi vào tiếp quản và ổn định tình hình. Không ít người dân bị kẻ gian xúi giục đã ra cản đường chúng tôi. Phải dùng nhiều biện pháp vận động, thuyết phục, chúng tôi mới có thể vào được trung tâm thành phố. Sài Gòn vẫn còn ngổn ngang. Xe tăng, xe bọc thép, ô tô của Ngụy quyền chất đầy đường phố. Chúng tôi tiếp quản và sửa chữa để phục vụ công tác xây dựng lực lượng.
Được một thời gian thì bọn Pôn pốt tấn công biên giới Tây Nam. Chúng tôi lại tiếp tục nhận lệnh lên đường đẩy lùi cuộc xâm lược và làm nhiệm vụ quốc tế với nước bạn…
- Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND trong hoàn cảnh nào?
+ Tôi là người đầu tiên cắm cờ trên nóc Bộ Tổng tham mưu của Khmer Đỏ ở Phnôm Pênh. Tôi còn nhớ rõ thời điểm đó là vào hồi 10 giờ 30 ngày 7-1 năm 1979. Xe tăng của chúng tôi (lúc đó tôi là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 10, Binh đoàn Cửu Long) là xe đầu tiên tiến vào Bộ Tổng tham mưu của Khmer Đỏ. Tuy nhiên, bọn diệt chủng Pôn Pốt vẫn chưa bị tiêu diệt hẳn, tàn dư của chúng vẫn còn, còn nhiều tên lẩn trốn, quấy phá. Cuộc chiến của chúng tôi vẫn dai dẳng. Đến ngày 20-12-1979, tôi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, cùng đợt với nhiều đồng đội, đồng chí khác trong cả nước. Cũng phải nói ngay là cùng chiến đấu với nhau, cùng mũi tiến công nhưng tôi may mắn hơn nhiều đồng chí đồng đội. Nhiều đồng chí đã hy sinh dọc đường, có người hy sinh trước phút giây chiến thắng. Tôi may mắn còn sống và may mắn là người xuất hiện đúng lúc để cắm lá cờ đầu tiên trước rất nhiều đồng chí đồng đội. Đồng đội của tôi, cả người còn sống và người đã hy sinh đều là anh hùng cả…
- Sau đó thì mảnh đất phương Nam đã níu chân ông ở lại?
+ Tôi tìm được bà xã của mình, lập gia đình, chúng tôi được Nhà nước phân cho một lô đất ở huyện Dĩ An, Bình Dương. Nói thật, tôi đã quen với cuộc sống trong Nam từ 15 năm dài chiến đấu, nên khi chuyển ngành thì quyết định “đóng đô” trong ấy luôn. Ba mẹ tôi vẫn ở Quảng Ninh. Sau đó, ba tôi mất, tôi muốn đón mẹ tôi vào Nam ở hẳn nhưng cụ cứ ở được dăm bữa nửa tháng là lại kêu nhớ quê, kêu không quen với cuộc sống trong này nằng nặc đòi đưa về…
![]() |
![]() |
Ông Trần Ngọc Giao (thứ hai, trái sang) và mẹ già bên đồng đội năm xưa. |
- Nghe nói trong ấy các ông thành lập Hội đồng hương Quảng Ninh và hoạt động rất sôi nổi…
+ Đúng đấy! Không chỉ đồng hương đâu, mà còn đồng ngũ nữa. Đơn vị cũ của tôi ở lại trong đó có cả một Lữ đoàn; người quê miền Bắc cũng phải mấy ngàn. Còn riêng đồng hương Quảng Ninh ở đây thì không nhiều lắm, chỉ vài chục người nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ nhau, đi đây đi đó…
- Vậy sau này, ông có nguyện vọng về quê hương an dưỡng tuổi già không?
+ Tôi cũng đã bắt đầu tính đến chuyện đó. Con cái của tôi giờ cũng ổn định, yên ấm với gia đình riêng của chúng hết cả rồi. Mình có tuổi, bao năm phiêu dạt, cũng đến lúc tìm cái sự yên tĩnh. Tới đây, tôi sẽ năng về quê hơn và sẽ ở hẳn quê nhà để chăm sóc người mẹ đã già yếu của mình. Tôi cũng muốn được ra Bắc để thường xuyên gặp gỡ những đồng đội năm xưa đã vào sinh ra tử với mình. Qua một thời bom đạn tàn khốc, giờ được sống mà gặp lại nhau đã là quý lắm rồi…
Huỳnh Đăng (Thực hiện)
Ý kiến (0)