Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:06 (GMT +7)
Nâng tầm đất sét nung Quảng Ninh
Chủ nhật, 29/10/2023 | 10:34:49 [GMT +7] A A
Ông Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch HĐQT Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt, là người luyện đất sét thành "vàng", người thay đổi phương thức sản xuất gạch ngói Việt Nam đương đại, đưa sản phẩm đất sét nung Quảng Ninh đứng vững trên thị trường vật liệu xây dựng cao cấp trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Quang Mâu sinh năm 1950 tại Thái Bình. Thừa hưởng truyền thống của quê hương và gia đình, ngay từ nhỏ ông đã nổi tiếng hiếu học. Học hết bậc trung học, ông tham gia Hợp tác xã làm thư ký đội, chuyên ghi chép, tính công. Trung thực, thẳng thắn, chưa bao giờ có ý nghĩ làm lợi cho mình, vì vậy ông luôn được nhân dân yêu quý, tin tưởng giao cho những nhiệm vụ quan trọng.
Năm 19 tuổi, ông đến với đất mỏ để thực hiện những ước mơ, hoài bão của mình. Đó là những năm Mỹ ném bom miền Bắc, ông ra làm tại Nhà máy điện Uông Bí. Đất nước thanh bình, ông về làm ở Công ty Gốm Hạ Long, sau này là Công ty Viglacera Hạ Long.
Khi đất nước đổi mới, ông làm Giám đốc, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT. Với ước mơ làm thế nào để thay đổi chất lượng sản phẩm và đời sống công nhân, ông đã có quyết định táo bạo là thay đổi toàn bộ công nghệ tạo hình và nung sấy bằng một nhà máy hiện đại nhất thế giới. Đó là nhà máy gạch COTO. Ông đã cất công nghiên cứu khắp nơi về công nghệ, lăn lộn thương trường tìm kiếm đầu ra. Ông đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của Công ty trở thành một doanh nghiệp nổi tiếng, là hình mẫu doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu để các doanh nghiệp đến học tập kinh nghiệm.
Nếu nhìn lại bức tranh sản xuất vào những năm 70 của thế kỷ trước, không ai có thể phủ nhận được sự tiến bộ vượt bậc của Công ty này. Một nhà máy cũ nát, người công nhân mệt mỏi, trì trệ; viên ngói, hòn gạch sản xuất ra thì èo uột trôi nổi. Đời sống của công nhân vô vàn khó khăn, không ai muốn gắn bó lâu dài. Ông Nguyễn Quang Mâu đã thay đổi toàn bộ hệ thống thiết bị máy móc để sản xuất ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Xác định chiến lược đào tạo con người một cách bền bỉ và kỹ lưỡng, ông cho cán bộ quản lý của 3 nhà máy đi học đại học nâng cao trình độ; liên kết với các trường dạy nghề mở hàng chục lớp nghiệp vụ cung cấp đủ những tay nghề giỏi cho các phân xưởng. Tên tuổi ông gắn liền với thương hiệu Viglacera Hạ Long từ đó.
Ông cũng xác định phải đi từ việc chăm lo đời sống và quyền lợi của người lao động nên đã xây dựng khu nhà ở của công nhân với mô hình khép kín, hiện đại, tiện nghi. Mỗi nhà máy có phân xưởng giặt quần áo cho công nhân. Nhà ăn tự chọn với 15 món đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho người thợ.
Sau 10 năm phấn đấu bền bỉ, dưới sự lãnh đạo của ông, Công ty ngày càng đổi mới phát triển. Từ một đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu đã vươn lên vị thế của một nhà sản xuất đất sét nung hàng đầu Việt Nam. Doanh thu năm 2000 là 32 tỷ đồng, đến năm 2009 đạt 1.000 tỷ đồng. Đời sống cán bộ, công nhân viên không ngừng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Năm 2009, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.
Đến khi về hưu nhưng ông không nghỉ, ông về Đông Triều khảo sát khu vực ruộng đồng bấp bênh ở Tràng An, thấy nguồn nguyên liệu phong phú, con em nông dân thiếu việc làm rất nhiều. Vậy là ông huy động đồng nghiệp, anh em xây dựng công ty để tận dụng nguồn tài nguyên quý giá này từ đầu năm 2009. Ngày 25/1/2010, Đất Việt ra mẻ hàng đầu tiên.
Thế nhưng, câu chuyện đã rẽ theo một lối khác, hoàn toàn trái với tưởng tượng của ông. Gốm Đất Việt bị đẩy vào cuộc đua hạ giá, đứng trước nguy cơ phá sản. Đối thủ cạnh tranh còn ra văn bản gửi đi tất cả các đầu mối, đại lý yêu cầu không được để mẫu, không được bán hàng cho Gốm Đất Việt... Lúc đó, Gốm Đất Việt vốn vay là chính, đã thế lãi suất ngân hàng lại cao, có khi lên đến 22% nhưng nhiều ngân hàng còn không giải ngân cho vay. Cổ đông đua nhau rút vốn. Nhiều bạn hàng cung cấp nguyên liệu đầu vào cũng e dè... Đã có lúc ông tính đến phương án hay là đóng cửa nhà máy, tuyên bố phá sản! Nhưng ông nghĩ tới chuyện những người đã cùng mình đồng cam cộng khổ, đã “rồng rắn” kéo cả vợ con về đây với mình, giờ phá sản họ sẽ đi đâu?
Cuối cùng, ông quyết định không bán cơ nghiệp. Và rồi không bán lại hoá may. Không phải tất cả đều quay lưng lại với Gốm Đất Việt. Nhiều đại lý ủng hộ cho Gốm Đất Việt. Vượt qua khó khăn trước mắt, ông chấp nhận bán hàng dưới giá thành để giải phóng hàng, thu hồi vốn, trả lương cho công nhân. Để cầm cự, ông và nhiều cán bộ của mình đã phải mang nhà đi cầm cố để vay vốn. Có vốn, Công ty tiếp tục khởi công thêm một nhà máy. Và phải thi công thật khẩn trương để nhanh có sản phẩm, thu hồi vốn quay vòng tái sản xuất... Khó khăn dần qua đi, rồi Gốm Đất Việt đã đứng vững trên thương trường.
Nhưng rồi đại dịch Covid-19 lan tràn, Gốm Đất Việt lại phải đối phó giá xăng dầu, lãi vay, chi phí lương công nhân và giá than tăng trong khi đó giá bán sản phẩm giảm. Khó khăn như mưa dập gió vùi dồn dập. Nhiều doanh nghiệp lao đao thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa nhưng Gốm Đất Việt vẫn đảm bảo sản xuất. Gần 1.000 lao động có việc làm ổn định, thu nhập từ 13-15 triệu đồng/người/tháng.
Hơn một thập kỷ hình thành phát triển, từ chỗ chưa có tên tuổi, đến nay Gốm Đất Việt đã trở thành doanh nghiệp văn hóa - khoa học và công nghệ đầu tiên trong ngành sản xuất gạch ngói đất sét nung Việt Nam, doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất hiện đại, đồng bộ, tuần hoàn tạo nên chất lượng sản phẩm tốt nhất Việt Nam; được tặng 63 giải thưởng trong nước, 33 giải thưởng quốc tế, cao quý nhất là Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN.
Có thể nói, dưới sự chèo lái của Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu, Gốm Đất Việt đã làm được những việc tưởng chừng không thể. Từ một doanh nghiệp lênh đênh bên bờ vực thẳm phá sản, đến nay, con thuyền Gốm Đất Việt đã băng băng rẽ sóng ra khơi, góp phần rạng danh đất sét nung Việt Nam trên trường quốc tế, sánh vai các cường quốc công nghệ nghiền khô phối liệu siêu mịn tiên phong trên thế giới.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()